Thanh tra Chính phủ đề xuất đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:11, 05/05/2023
Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu thẩm định.
Giữ nguyên 19 đơn vị, xóa bỏ 11 Phòng thuộc Vụ
Trong văn bản gửi tới Bộ Tư pháp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đề xuất số lượng đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ giữ nguyên 19 đơn vị như hiện nay.
Tuy nhiên, cơ quan này đề xuất chuyển đổi Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra.
Theo lý giải cơ quan soạn thảo, hiện nay Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra là đơn vị có chức năng giúp giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận thanh tra; kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Do là đơn vị tham mưu, không có tư cách pháp lý độc lập nên hoạt động của Vụ này thiếu tính chủ động, gây khó khăn, hạn chế trong công tác tổ chức, thực hiện nhiệm vụ.
Thanh tra Chính phủ đề xuất chuyển đổi Vụ này thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra nhằm tăng cường hiệu quả giám sát đối với hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu quả thẩm định kết quả thanh tra, xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản vi phạm phát hiện được.
Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất đổi tên thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thống nhất với quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.
Nếu các đề xuất trên được chấp thuận, 19 đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ sẽ bao gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Văn phòng; Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I); Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III);
Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III); Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV); Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V Ban Tiếp công dân trung ương; Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; Trường Cán bộ thanh tra; Trung tâm Thông tin.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ không tổ chức cấp phòng trong các Vụ: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Kế hoạch - Tổng hợp để đảm bảo thống nhất với các quy định của Nghị định 101/2020 của Chính phủ.
"Sau khi sắp xếp lại, Thanh tra Chính phủ sẽ xóa bỏ 11 phòng trong các Vụ hiện nay", báo cáo của ông Trần Ngọc Liêm cho hay.
Thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ
Dự thảo nghị định cho thấy, Thanh tra Chính phủ sẽ cho ý kiến về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ và Chánh Thanh tra tỉnh.
Tổ chức thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo thẩm quyền; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cũng có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ tướng, của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết…