Kỳ lạ ngôi làng Sri Lanka nói tiếng Việt, hát "kìa con bướm vàng"
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 09:52, 05/05/2023
Ngôi chùa dưới rừng trúc
Trong hình dung của Hiranya - cô gái người Sri Lanka, Việt Nam là xứ sở của tiếng nói ngọt ngào, những nụ cười thân thiện, có cánh đồng lúa chín, có bãi biển dài. Người Việt Nam trao nhau phong bao lì xì thắm đỏ, gói bánh chưng, bánh tét mỗi dịp Tết. Đó là những gì mà Hiranya cảm nhận, sau 6 tháng học tiếng Việt tại ngôi chùa cách nhà 700 mét.
Không chỉ Hiranya, nhiều trẻ em, người lớn tại ngôi làng thuộc thị trấn Ambokotte, TP Kandy, Sri Lanka đều có thể đọc, nói và hát tiếng Việt.
Khoảng 10 năm trước, sư thầy Pháp Quang (quê Đồng Tháp) đến Sri Lanka du học. Năm 2020, thầy được trao 2.000m2 đất để xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại TP Kandy, nơi cách thủ đô Colombo khoảng 120km.
Ngôi chùa nép mình dưới rừng trúc được thầy đặt tên Thiền viện Trúc Lâm. Thầy cùng 5 vị sư khác mang hạt giống cải mầm, cải thìa, nhãn lồng, mít, lá lốt… từ quê hương sang gieo trồng. Người dân làng một buổi đi làm, đi học, một buổi đến chùa phụ việc công quả.
Họ quý mến các vị sư Việt Nam và tò mò về tiếng nói có thanh điệu trầm bổng bèn nhờ sư dạy học. Lớp học tiếng Việt cho trẻ em Sri Lanka ra đời vào tháng 6/2022.
Lớp học miễn phí được đặt trong chánh điện ngôi chùa. Các em được học từ chữ cái, đánh vần rồi bập bẹ hát các bài tiếng Việt như Kìa con bướm vàng, Bông hồng cài áo… Trẻ con về nhà hát tiếng Việt, người lớn thấy hay hay cũng ngỏ ý được đến lớp.
Những ngày Sri Lanka chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, vật giá leo thang, cúp điện xảy ra thường xuyên. Học trò vẫn đến lớp, viết bài dưới ánh sáng tù mù của nến, đèn pin.
Cuộc sống khó khăn vô vàn nhưng các vị sư vẫn tiếp tục duy trì lớp học. Từ bếp gas, họ chuyển sang dùng củi nấu ăn để tiết kiệm chi phí. Giá xăng tăng phi mã, người dân chuyển sang đi bộ đến lớp.
"Chúng tôi xúc động trước tình cảm của người dân Sri Lanka. Họ hiền lành, chịu khó và chăm chỉ. Một số em học chỉ khoảng 4 tháng đã có thể hát trọn vẹn bài Bông hồng cài áo, Bốn phương trời... Quyển tập được bọc cẩn thận, trang trí những hình dán về Việt Nam rất đẹp. Họ trân trọng kiến thức được học", thầy Pháp Quang nói.
Mỗi ngày gặp nhau, sư thầy đều hỏi mọi người rằng: "Hôm nay, các bạn có hạnh phúc không?". Họ đáp: "Con rất hạnh phúc". Ngoài học tiếng Việt, các vị sư còn mời người dân Sri Lanka thưởng thức món ăn Việt Nam, giới thiệu họ về áo dài, nón lá, phong tục ngày Tết…
Tình yêu dành cho Việt Nam
Thấy khách đến thăm chùa, Santush (15 tuổi) cất lời chào: "Xin chào buổi sáng, mọi người có khỏe không?". Em lưu loát giới thiệu bản thân rồi cho chúng tôi xem những bài thơ em viết. Theo Santush, tiếng Việt khó nhất là ở giai đoạn học bỏ dấu. Em phải học cách phân biệt giữa dấu hỏi và dấu ngã, dấu huyền và dấu nặng… Điều này hoàn toàn không dễ dàng với người Sri Lanka.
Tuy vậy, Santush vẫn đến lớp đều đặn mỗi ngày, dù mưa hay nắng. Em háo hức với từng bài học mới. "Bạn học" của em có những cụ bà 60, 70 tuổi, tóc bạc trắng vẫn nắn nót học viết tiếng Việt.
Bố em thấy con từ khi đến lớp chăm chỉ cũng lấy làm vui mừng. Ông bèn tình nguyện trở thành giáo viên dạy tiếng Anh miễn phí tại Thiền viện Trúc Lâm.
Tình yêu tiếng Việt của người dân trong làng được nhen nhóm bằng những điều rất nhỏ. Họ đến chùa vào giao thừa để trải nghiệm cảm giác đón năm mới của người Việt Nam. Mỗi khi học hát tiếng Việt, các sư thầy đều giải thích ý nghĩa của ca từ, về tình yêu đất nước, tình bạn hay lòng hiếu thảo với mẹ cha.
Trao đổi với phóng viên, bà Arakita (58 tuổi) nói việc đến lớp mỗi ngày giúp bà có thêm niềm vui sống. Người phụ nữ Sri Lanka thấy tiếng Việt "hay hay" khi nghe cháu hát bài Kìa con bướm vàng. Ở độ tuổi U60, bà vẫn quyết định cắp sách đến lớp học đánh vần. Hiện tại, bà hạnh phúc khi có thể giao tiếp cơ bản với các vị sư.
"Tuổi tác không phải là trở ngại khi bạn có niềm đam mê", bà nói. Nhờ vào tình yêu tiếng Việt, lớp học nâng sĩ số lên 50 người, chia làm hai ca học, trải dài từ thứ 2 đến thứ 6.
Mỗi tối, lớp học đều sáng đèn đón người dân đến. Osteen (15 tuổi) cho biết, một trong những ước mơ của em là được đến Việt Nam, được thấy lũy tre, cây đa, mái đình… như mô tả mà em đã được học.
Sư thầy Pháp Quang cho biết: "Lớp học là cách để mọi người giữ gìn và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt tại nước ngoài. Chúng tôi tự hào là người Việt Nam và giới thiệu về tiếng nói, văn hóa, vẻ đẹp của quê hương với bạn bè quốc tế".