Điểm tin kinh doanh 4/5: Nhiều ngân hàng trung ương tăng tích trữ vàng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 04/05/2023

Thị trường điện thoại toàn cầu chịu áp lực suy thoái, xuất khẩu vẫn khó; Việt Nam xuất siêu hơn 6 tỷ USD trong 4 tháng
gia-vang-16483524201342016901218.jpg

- Nhiều ngân hàng trung ương tăng tích trữ vàng

Theo Kitco News trích dẫn nguồn tin từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong suốt tháng 3, dù giá giao dịch kim loại quý neo ở mức cao, Ngân hàng Trung ương Singapore vẫn tiếp tục bổ sung một số lượng đáng kể vàng thỏi vào kho dự trữ của mình.

Krishan Gopal - nhà phân tích cấp cao tại WGC - cho biết Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã mua 17,3 tấn vàng chỉ trong tháng 3.

“Điều này có nghĩa là MAS đã mua 68,7 tấn vàng trong quý I, nâng dự trữ vàng lên 222,4 tấn, nhiều hơn 45% so với cuối tháng 12”, Gopal cho biết trên Twitter.

Trung Quốc cũng là quốc gia có động thái bổ sung vàng thỏi vào kho dự trữ của mình trong tháng 3 này, bằng việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc báo cáo đã mua thêm 18 tấn vàng. Động thái này đánh dấu việc Trung Quốc đã có tháng mua vàng thứ 5 liên tiếp, nâng tổng dự trữ vàng hiện ở mức 2.068 tấn, theo báo cáo của WGC.

Nhà phân tích cấp cao tại WGC cũng cho biết Ấn Độ đã mua 3,5 tấn vàng thỏi trong tháng 3, nâng tổng lượng vàng thỏi mua trong quý I lên 7,3 tấn. Như vậy, ngân hàng trung ương của nước này hiện tích khoảng 794,6 tấn vàng trong kho dự trữ.

Ở chiều hướng ngược lại, cũng có một số ngân hàng trung ương quốc gia khác thực hiện hoạt động bán ra, với việc giá vàng cuối tháng 3 liên tục kiểm tra mức 2.000 USD/ounce.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ từng là nước mua vàng nhiều nhất trong năm 2022 cũng đã bắt đầu hành động giảm dự trữ vàng của mình.

Dữ liệu từ ngân hàng trung ương nước này cho thấy dự trữ vàng của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 9% chỉ trong 7 tuần qua. WGC cũng báo cáo rằng nước này đã bán 15 tấn vàng vào tháng 3, đánh dấu lần bán ròng đầu tiên cho mặt hàng này kể từ tháng 11/2021.

Vào năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến nhu cầu vàng tăng vọt với việc người dân tích trữ kim loại quý này như một hàng rào chống lại lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ.

Một ngân hàng trung ương khác cũng thực hiện việc bán vàng là Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan, hiện đã bán 10,5 tấn trong tháng 3. So với cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ Kazakhstan đã giảm đi 19,6 tấn vàng nắm giữ. Như vậy, tổng dự trữ vàng của nước này hiện ở mức 332 tấn - thấp nhất kể từ tháng 8/2018.

- Thị trường điện thoại toàn cầu chịu áp lực suy thoái, xuất khẩu vẫn khó

Nửa đầu năm 2023, thị trường điện thoại toàn cầu sẽ vẫn chịu áp lực suy thoái khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó, nhu cầu có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.

Theo dự báo của Counterpoint Research, trong nửa đầu năm 2023, thị trường điện thoại toàn cầu sẽ vẫn chịu áp lực suy thoái và nhu cầu có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.

Thực tế, nhu cầu giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn, trước suy thoái kinh tế đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành sản xuất điện thoại, linh kiện tại Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, xuất khẩu điện thoại và linh kiện 4 tháng đầu năm 2023 đã giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,43 tỷ USD.

Đà giảm xuất khẩu điện thoại đã thấy khá rõ từ những tháng cuối năm ngoái, đơn hàng ít hơn, từ đó khiến kim ngạch xuất khẩu năm qua chỉ tăng chưa đầy 1%.

- Lợi nhuận Thế giới Di động 'lao dốc' 99% dù cắt giảm 6.000 nhân viên

Mặc dù cắt giảm lượng nhân viên lớn nhưng kết quả kinh doanh của 'ông lớn' ngành bán lẻ vẫn thể hiện rõ sự u ám của bối cảnh sức cầu suy yếu.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), doanh nghiệp mang về doanh thu hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận gộp của nhà bán lẻ này theo đó cũng giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.

Hai chuỗi mang về doanh thu chủ đạo cho MWG là Thế giới di động và Điện máy Xanh đã giảm 34% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy đều giảm từ 25% đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40-50%.

Tín hiệu tích cực đến từ Bách hóa Xanh khi doanh thu lũy kế trong quý 1/2023 tăng 5% dù chuỗi đã giảm 20% về điểm bán so với quý 1/2022, riêng kênh online tăng trưởng 19%.

Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 19%, lợi nhuận sau thuế của MWG vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2014 và hoàn thành chưa đến 1% kế hoạch cả năm nay.

- Việt Nam xuất siêu hơn 6 tỷ USD trong 4 tháng

Cán cân thương mại hàng hóa trong 4 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu khoảng 6,35 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD.

Theo dữ liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước chỉ đạt 53,57 tỷ USD. Nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 210 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê lý giải sự sụt kim ngạch xuất nhập khẩu này chủ yếu do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 ước tính thặng dư 1,51 tỷ USD. Qua đó, nâng mức xuất siêu trong 4 tháng đầu năm nay lên khoảng 6,35 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 2,35 tỷ USD.

- 'Trung Quốc là thị trường lớn nhất với các hãng chip Mỹ bất chấp rủi ro'

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, các công ty chip Mỹ vẫn muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc bất chấp lo ngại về an ninh quốc gia và cần các quy tắc rõ ràng từ chính quyền Biden.

Theo trang Bloomberg, John Neuffer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Semiconductor Industry Association), cho biết: “Đó là thị trường lớn nhất của chúng tôi và chúng tôi không phải là ngành công nghiệp duy nhất khẳng định điều này. Quan điểm của chúng tôi là cần phải tham gia thị trường này”.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn là hiệp hội thương mại và nhóm vận động hành lang được thành lập vào năm 1977, đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.

Chính quyền Biden đang chuẩn bị mời thầu từ các công ty chip muốn xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ theo đạo luật Chips and Science (chip và khoa học). Như một phần của quá trình đó, các quy tắc sẽ được đề xuất liên quan đến loại hình đầu tư nào mà các công ty có thể thực hiện ở Trung Quốc.

Việt Báo (Tổng hợp)