Chuyện ở làng chạy lở, 'nhà mới cất nhưng năm nay chắc lại bị cuốn trôi?'
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:57, 03/05/2023
Chênh vênh trên đoạn bờ biển thuộc xã Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh) là một vài bức tường nhà đang chờ sập, một vài ngôi mộ bê tông đã bị sóng đánh nghiêng ngả. Để giữ "mảnh đất cắm dùi", một số hộ dân ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải đã mua cây, đá về dựng đê chắn sóng quanh nhà.
Một con nước cuốn cả dãy nhà
"Trước đây tôi có 10 công ruộng trồng dưa, một cái nhà gạch bông, nhưng sóng đánh mất từ 3 năm trước rồi. Sau đó tôi dựng nhà tranh, mỗi năm sóng lại đánh mất một cái. Lần này tôi vay được 20 triệu đồng, vừa mới dựng nhà xong nhưng khéo mùa chướng năm nay lại trôi xuống biển", chị Nguyễn Thị Sem (40 tuổi, ngụ ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải) xót xa nói.
Chỉ tay về phía biển, chị Sem cho biết: "Nhà cũ của tôi cách bờ biển hiện tại phải 300m, cứ như mọi năm thì mùa chướng năm nay sẽ lở thêm trăm mét vô tận nhà này, nên đâu dám dựng nhà cầu kì. Có khi một con nước lên lở đến 10m không chừng".
Còn chị Nguyễn Thị Nhanh (41 tuổi, ngụ ấp Hồ Thùng) cho biết, khoảng những năm 2000, bờ biển liên tục được bồi đắp, gia đình chị cùng nhiều hộ dân đã "đến đất mới" dựng nhà tranh, khai hoang trồng dưa hấu.
Từ năm 2010 đến 2015, nhiều hộ dân trong ấp có của ăn của để, đã xây được nhà tường, lát gạch bông. Vợ chồng chị Nhanh xây nhà năm 2010 với số tiền hơn 70 triệu đồng, đến năm 2015 thì được chính quyền cho đóng thuế đất ở với diện tích 50m2.
Chị nhớ lại, hồi đó năm nào biển cũng bồi thêm một quãng, mỗi năm đất trồng dưa nhà chị lại rộng thêm cả công. Lúc rộng nhất là nhà tôi có độ 10 công trồng dưa hấu, mỗi năm bán dưa cũng lãi hơn trăm triệu đồng nên mới cất được nhà.
Nhưng rồi dần dần biển lở. Ba năm trước, đêm mùng ba tết nguyên đán, sóng to gió lớn cả ấp không ai dám ở trong nhà. Rồi sóng đánh ầm một cái, cả một dãy nhà trồi xuống biển, cả ấp chỉ biết nhìn theo khóc.
Cũng ở ấp Hồ Thùng, gia đình 4 người của chị Nguyễn Thị Châu (41 tuổi) vì chẳng còn tiền nên mấy năm nay dọn vào ở trong chuồng bò giữa rừng phòng hộ. Ngôi nhà kiên cố của chị giờ đây chỉ còn bức tường nằm trên bãi biển.
Những hộ dân phải dọn vào ở tạm trong rừng phòng hộ đều dựng lều lán, nhà cửa tạm bợ. Theo họ, một là họ sợ sẽ bị biển cuốn trôi trong vài năm ngắn ngủi, hai nữa họ đều hiểu việc dựng nhà trong rừng phòng hộ là không được phép.
"Chúng tôi cũng muốn có nơi ở lâu dài, an tâm. Nhưng giờ không tiền, không nghề, không ruộng đất, biết đi đâu được. Bám lấy bãi biển, ngày ngày ra biển bắt con cá, con tép còn có cái ăn", chị Sem nói.
"Chạy lở" mãi thành tên làng
Chục năm trước, trên bãi biển, phía ngoài rừng dương là một xóm ấp trù phú, cả nghìn công ruộng trồng dưa hấu xanh tươi. Nhưng giờ đây tất cả đã trôi xuống biển, người có điều kiện đã rời đi, những người không thể đi đành ở lại "chịu trận".
Mỗi năm sóng lại cuốn đi mấy cái nhà, ấp lại lùi vào bờ chừng trăm mét. Cười với nét mặt buồn rười rượi, những người dọc bãi biển ở gọi đùa ấp của họ là "làng chạy lùi", cũng có người gọi là "làng chạy lở".
Ngày 21/3, UBND tỉnh Trà Vinh đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ biển khu vực ấp Đông Thành và ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải. Theo thống kê của tỉnh Trà Vinh, chỉ tính từ năm 2015 đến nay biển đã cuốn trôi 220ha đất ở vùng này, đe dọa đời sống, sản xuất của người dân.
Ông Lữ Minh Tâm - Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bờ biển của xã bắt đầu xảy ra sạt lở nhẹ từ khoảng năm 2010. Những năm sau đó, cứ vào mùa gió chướng các tháng trước và sau tết, biển lại lấn vào bờ khoảng 50m.
Cũng theo ông Tâm, với những hộ dân có đất ở, đất sản xuất được công nhận nhưng đã bị cuốn trôi, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng tiền. Tuy nhiên có nhiều hộ dân tự ý dựng nhà cửa, lều lán, trồng trọt ở trên bãi biển, khi sạt lở họ chuyển vào rừng phòng hộ ở, gây nguy cơ cháy rừng và tai nạn khi cây cối đổ do mưa gió.
Ông cho biết, ba năm gần đây, mỗi năm có khi sạt lở sâu vào đất liền hơn trăm mét, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Có 56 nhà dân sát bờ biển có thể đổ sập xuống biển bất cứ lúc nào. Vùng nguy cơ thì rộng hơn, có 110 hộ bị đe dọa sạt lở.
Tỉnh đang xây dựng khu tái định cư để đón khẩn cấp 56 hộ dân vào ở trong nay mai. Địa phương cũng đang xây dựng phương án di dời tất cả các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở.
Với những hộ dân tự ý xây dựng nhà cửa, lều lán trên bờ biển và trong rừng phòng hộ, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu rời đi nhưng họ vẫn chưa tự giác", ông Tâm nói.