Lý Long Tường – Vị bạch mã hoàng tử đánh bại quân Mông Cổ trên xứ Cao Ly (P3)

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 14:45, 03/05/2023

Gia tộc truyền thừa 800 năm, nhân tài lớp lớp
screen-shot-2020-11-30-at-1.21.44-pm.png

Xem thêm: Lý Long Tường – Vị bạch mã hoàng tử đánh bại quân Mông Cổ trên xứ Cao Ly (P1)

Lý Long Tường có hai người con trai trên đất Cao Ly, sau này đều làm quan cho triều đình. Hậu duệ của Lý Long Tường là một danh gia vọng tộc ở Hàn Quốc, từng nhiều đời làm quan to trong triều, được ca ngợi là những người trung nghĩa. Khi triều đại ở Cao Ly thay đổi, trong họ có hai vị hiền sĩ về quê quy ẩn, không ra làm quan với triều đại mới, giữ lòng trung với vua cũ, được sử sách Cao Ly ngợi khen là tiết liệt. Thời Nhật Bản xâm lược Triều Tiên, cháu nội đời thứ 13 của Lý Long Tường tên là Lý Trường Phát (Lee Jangbal 李長髮 1574-1592) đã anh dũng hy sinh trong chiến trận khi mới tròn 19 tuổi, hiện vẫn còn di tích tại Trung Hiếu Đường ở huyện BongHwa, Hàn Quốc. Và đó là chưa tính đến những văn thần võ tướng xuất thân từ Giảng võ đường của Hoa Sơn Lý Thị suốt mấy trăm năm.

Thời hiện đại trong dòng Hoa Sơn Lý Thị còn có Tổng thống Lý Thừa Vãn – vị Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc. Trong chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày 6/11/1958 ông đã nói: “Tổ tiên tôi là người Việt Nam đấy”. Câu nói này hồi đó được báo chí Sài Gòn đăng tải rầm rộ trên trang nhất. Ông chính là cháu đời thứ 25 của Lý Long Tường.

Gia phả của họ Lý Hoa Sơn lại chia làm hai nhánh rẽ. Trải qua cuộc chiến Triều Tiên năm 1950–1953, một nhánh đi từ Hoa Sơn xuống Hàn Quốc ngày nay, định cư tại vùng Andong và BongHwa (gần thành phố DaeGu) có khoảng 4.000 người. Nhánh còn lại ở Bắc Triều Tiên còn khoảng 1.500 hộ.

“Bao giờ rừng Báng hết cây, Tào Khê hết nước, Lý nay lại về”

Lời sấm truyền hàng trăm năm đã được ứng nghiệm sau 768 năm kể từ ngày Lý Long Tường đặt chân lên Cao Ly. Rừng Báng giờ đã thành đồng ruộng xanh ngắt, ngòi Tào Khê giờ cạn trơ không còn nữa, cũng đã đến lúc những cánh chim xa quê được quay trở về với quê cha đất tổ.

Ngày 18/5/1994, Lý Xương Căn – hậu duệ đời thứ 31 chính là người họ Lý đầu tiên làm được “sứ mệnh tổ tiên” – đã làm lễ cúng bái tổ tiên ở nơi thờ cúng 8 vị vua nhà Lý ở TX. Từ Sơn, Bắc Ninh.

Năm 2000, ông Lý Xương Căn đã đưa cả gia đình gồm cụ thân sinh (Lý Khánh Huân), vợ và ba con về Hà Nội sinh sống. Cậu con trai út sinh ra vào năm ông về thăm quê nên đặt tên là Lý Quốc Việt.

Xem thêm: Lý Long Tường – Vị bạch mã hoàng tử đánh bại quân Mông Cổ trên xứ Cao Ly (P2)

Ngoài gia đình ông Lý Xương Căn, một hậu duệ khác nổi tiếng tại Seoul là ông Lý Hy Luận (Chủ tịch cộng đồng họ Lý xuất thân từ Hoa Sơn), cựu Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng lớn Booyoung lẫn tham gia Tập đoàn công nghiệp chế tạo Hyundai cũng có nhiều đóng góp xây dựng kinh tế ở Việt Nam.

Năm 2003, Chủ tịch tập đoàn tài chính Golden Bridge (tức Cầu Vàng) Lý Tường Tuấn, một hậu duệ của Lý Long Tường sang Việt Nam, về đền Đô bái yết tổ tiên. Năm 2006, ông thành lập văn phòng đại diện ở Hà Nội. Năm 2008 ông được vinh danh là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của châu Á.

Gần đây nhất, hòa cùng không khí chiến thắng của tuyển bóng đá Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo, dự án Làng Việt Nam đã được chính phủ Hàn Quốc khẩn trương lên kế hoạch xây dựng trong 5 năm với kinh phí 42 tỷ KRW do 50% chi phí từ chính phủ và 50% từ ngân sách địa phương. Dự kiến sẽ bắt đầu xây trong năm 2020. Và trùng hợp thay, địa điểm được chọn chính là khu vực làng cũ đất phong của Hoa Sơn quân Lý Long Tường, nơi hiện vẫn còn Trung Hiếu Đường do dòng tộc này xây dựng.

screen-shot-2020-11-30-at-1.19.41-pm.png
Khu đất dự kiến xây Làng Việt Nam ở Hàn Quốc nhìn trên cao xuống
Lý Long Tường đánh bại quân mông cổ trên hàn quốc
Trung Hiếu Đường của dòng Hoa Sơn Lý Thị

Lời kết: Dân gian có câu: “Phúc đức tại mẫu”, họ Lý Hoa Sơn thịnh vượng suốt 800 năm cũng là có lý do của nó. Triều Lý lập quốc trong lúc nước nhà rối ren nhưng Thái Tổ vẫn quyết dời đô ra Thăng Long, xác lập nền đại thống cho ngàn đời sau. Dẫu quốc gia còn nhiều khó khăn, các đời vua Lý từ cha đến con vẫn cai trị hết sức nhân từ và tận tâm, ngoài ra còn ra sức hoằng dương Chính Pháp, dùng đức hạnh của bản thân mình làm gương cho thiên hạ, chính tín Thần Phật, sống đời đạo đức, khiến cho ngàn vạn dân được ấm no an lạc, nhà nhà sống cuộc đời yên vui.

Nền tảng mà họ Lý đã gây dựng ấy, đến ngày nay dân ta vẫn còn phải nhớ ơn. Đức hạnh của họ đâu chỉ ban ân cho con dân Đại Việt, chỉ một người cháu 7 đời của Thái Tổ cũng khiến cho toàn dân Cao Ly được phúc khỏi xâm lăng, lại còn dạy dỗ cho binh lính và vua quan được khai sáng tâm trí cả văn lẫn võ. Ai đã dùng bản thân mình làm gương, 80 tuổi vẫn xông pha nơi tiền tuyến? Ai cả đời thờ vua cúc cung tận tụy không màng phú quý vinh hoa, đến chết vẫn không lúc nào quên hình ảnh quê nhà?

Chính lối sống, đạo đức và tâm nguyện xuyên suốt từ Thái Tổ đến Long Tường mà ghi dấu son cho Lý Triều cũng như tạo nên phúc ấm suốt 800 năm đằng đẵng cho Hoa Sơn Lý Gia vậy. Hãy đọc câu lưu bút của hậu duệ đời thứ 31 khi lần đầu tiên về Việt Nam, chúng ta sẽ cảm nhận được tinh thần này của họ Lý và hiểu được nguyên do hưng thịnh lâu dài của họ.

“Cháu chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh đặc biệt” – lưu bút của ông Lý Xương Căn (Chủ tịch Ủy ban Người họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc) ghi trong sổ lưu niệm tại đền Lý Bát Đế năm 1994.

Sưu tầm