Rớt nước mắt với những cảnh đời hẩm hiu 'mắc kẹt, trái phiếu tại SCB
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:36, 03/05/2023
Bệnh nhân ung thư, không nhà cửa
Vụ việc lùm xùm giữa khách hàng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) liên quan tới trái phiếu đã kéo dài nhiều tháng qua, kể từ ngày 8/10/2022 Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công An quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.
Đến cuối tháng 4/2023, hàng trăm người dân tại TPHCM đã tới Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Cảnh sát điều tra Công an TPHCM nộp đơn tố cáo SCB với mong muốn lấy lại hàng trăm tỷ đồng.
Có mặt trong buổi nộp đơn, bà Hồ Thị Lệ Hằng (82 tuổi, phường 12, quận Tân Bình) cay đắng cho biết cả cuộc đời ông bà chắt chiu có được căn nhà dành cho con trai lớn.
Cách đây vài năm, gia đình bán nhà định rằng sẽ mua nhà ở khu đông dân cư để mở tiệm sửa điện tử nhưng rồi giá đất lên cao không mua được, bà gửi tiền vào ngân hàng để mong tìm được nơi phù hợp sẽ mua lại.
Thế nhưng, tháng 5-7/2022, nghe nhân viên tư vấn gửi tiết kiệm linh hoạt, lãi suất cao, bà lại ký vào hồ sơ chuyển 14,7 tỷ đồng sang trái phiếu.
"Tôi đâu có hiểu biết nhiều, nghe tư vấn là gửi tiết kiệm linh hoạt, lãi suất cao nên tin tưởng nghe theo nhân viên tư vấn. Tôi gửi tiền ở Ngân hàng SCB gần 20 năm nay, chỉ biết ngân hàng chứ đâu biết trái phiếu Tân Việt, Quang Thuận, Long An là gì đâu. Tôi chỉ biết mình giao dịch với nhân viên của thôi", bà Hằng nói.
Bà chua chát cho biết người chồng 89 tuổi của mình nghe tin nguy cơ mất trắng số tiền trên như điên loạn, nằm ở bờ sông cả đêm. người con lớn thì đã bị đột quỵ 2 lần, sức khỏe yếu.
"Tôi chỉ cầu mong làm sao có thể lấy lại được tiền. Đây là số tiền để mua nhà cho con tôi. Giờ chúng tôi đã lớn tuổi hết không thể làm ăn được gì nữa", bà Hằng buồn bã nói.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Bình (huyện Củ Chi) ví hoàn cảnh của mình là trốn chui, trốn lủi, không khác gì con kiến suốt ngày ở trong hang.
Bà cho biết, do dịch Covid-19 làm ăn không được, con trai nợ nần, bà đành bán nhà để trả nợ. Còn lại một khoản hơn 1,2 tỷ đồng, trong khi đợi thương lượng với chủ nợ, bà đem gửi chứng chỉ tiền gửi tại SCB.
Tới 22/9/2022, bà được nhân viên ngân hàng gọi tư vấn chuyển đổi sang gói mới, đinh ninh là gửi tiết kiệm linh hoạt 31 ngày, rút lúc nào cũng được nên bà chấp thuận với hy vọng kiếm thêm chút ít với lãi suất cao.
"Tôi không biết gì tới trái phiếu, chỉ nghĩ mình đi gửi tiết kiệm thôi. Giờ đã bán hết nhà và tài sản, con tôi thì phải trốn nợ do không có tiền trả. Tôi thì bị u vú. Khổ lắm", bà Bình nấc nghẹn trong nước mắt.
Cũng trong hoàn cảnh bị ung thư mũi từ năm 2009, bà Vũ Thị Tuyết Hà (53 tuổi, quận 11) dành dụm được 900 triệu đồng gửi vào SCB để mỗi tháng rút tiền lãi đi khám bệnh.
Tới tháng 6/9/2022, sau khi nghe tư vấn của nhân viên SCB, bà Hà chuyển sang gói đóng mới với suy nghĩ 31 ngày sẽ rút được tiền nhưng từ đó tới nay, bà không thể rút được tiền nữa.
"Hạch nổi đầy mặt, một mắt không còn nhìn thấy rõ, bác sĩ kêu đi sinh thiết nhưng tôi không có tiền. Chồng tôi bị cường giáp, con mắt lồi ra không làm được gì. Giờ không còn đồng nào ở trong túi hết. Ăn không có tiền ăn sao có tiền mà chữa bệnh", bà Hà mếu máo.
Con cái nghỉ học thêm, cả nhà sống vạ vật để đòi tiền
Với vẻ ngoài khắc khổ, bà Trần Bùi Thị Anh Đào (50 tuổi, quận Gò Vấp) cho biết 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm của bà đang nằm ở trái phiếu là "cả tài sản, cả sự sống" của gia đình.
50 tuổi, một mình bà Đào gánh trên vai trọng trách nuôi cả gia đình khi có một người anh tật nguyền, bị cụt hai chân, chồng mất sức lao động sau một tai nạn, 2 con nhỏ lớp 8 và đại học.
Bà kể, lâu nay, có tiền sẽ góp vốn làm ăn chứ ít khi gửi ở ngân hàng. Đến đợt dịch vừa qua, việc làm ăn khó khăn nên đành chuyển phương hướng.
"Kinh tế khó khăn, tôi thấy việc làm ăn may rủi rất nhiều nên quyết định rút vốn gửi ngân hàng rồi từ từ tính. Tôi quá tin tưởng ngân hàng, cứ nghĩ ngân hàng là an toàn nhất rồi", bà Đào nghẹn ngào.
Còn gia đình chị Bảo Ngọc (quận Tân Phú) cũng tin tưởng mình là khách hàng VIP nên mới được hưởng chính sách ưu đãi gửi tiết kiệm linh hoạt 31 ngày với lãi suất cao.
"Nhân viên tư vấn là người đã hỗ trợ nhiều năm cho gia đình nên chúng tôi không hề có sự đề phòng, nhân viên nói sao nghe vậy. Ai dè, họ "lái" chúng tôi sang trái phiếu. Bây giờ tất cả tài sản, tiền bạc gần 2,3 tỷ đồng là mồ hôi, nước mắt của bố mẹ và vợ chồng chúng tôi đều nằm trong trái phiếu. Đến kỳ đáo hạn cũng không rút ra được", chị Bảo Ngọc nói.
Không có tiền làm ăn, chị Ngọc đành phải vay ngân hàng khác với lãi suất cao. Khó khăn chồng chất khó khăn, ba đứa con nhỏ của chị cũng tạm dừng hết các lớp học thêm, vui chơi ngoại khóa.
"Ba con nhỏ đang tuổi ăn học, biết không được đi học ngoại ngữ hay vui chơi là thiệt thòi của chúng nhưng tôi cũng lực bất tòng tâm. "Mắc cạn" ở trái phiếu không chỉ mình vợ chồng tôi bị ảnh hưởng mà đó còn là sức khỏe của ba mẹ, tương lai của con cái", chị Bảo Ngọc ngậm ngùi.
Yêu cầu ngân hàng xử lý nghiêm vụ "ép" khách mua trái phiếu doanh nghiệp
Theo văn bản số 2845/NHNN vừa được ban hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại các văn bản chỉ đạo có liên quan về chấn chỉnh việc cung cấp các dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, ngân hàng cần xem xét xử lý nghiêm những trường hợp cung cấp thông tin không đầy đủ hay định hướng "ép" khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp.
Các ngân hàng chỉ được cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ theo đúng nội dung quy định tại Giấy phép hoạt động do NHNN cấp và quy định có liên quan khác; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, mẫu hợp đồng… đối với các hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.