Số phận cỗ xe tăng ‘đĩa bay’ của Liên Xô

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:25, 03/05/2023

Với thiết kế giống một chiếc đĩa bay, xe tăng Obiekt 279 là cỗ thiết giáp có hình dáng kỳ quặc nhất trong lịch sử quân sự thời hiện đại.

Theo thông tin từ trang Military Factory, nhà chức trách Liên Xô vào giữa thập niên 1950 đã lên kế hoạch chế tạo một loại xe tăng có thể hoạt động trong môi trường bị nhiễm phóng xạ, cũng như khu vực đầm lầy và nơi có nền đất mềm. Nhiệm vụ được giao cho một nhóm kỹ sư làm việc tại nhà máy Kirov ở thành phố Leningrad, nay là Saint Peterburg.

Bản thiết kế xe tăng của dự án Obiekt 279. Ảnh: The Blueprints

Nhóm kỹ sư, đứng đầu là ông L.Troyanov, vào năm 1957 đã đưa ra bản vẽ chiếc xe tăng có 4 dãy bánh xích có thể hoạt động ở một số địa hình mà xe tăng hạng nhẹ hoặc hạng trung thông thường không thể tiến vào. Vỏ giáp có thể chống chịu được tác động từ sóng xung kích của một vụ nổ hạt nhân, bảo vệ kíp lái ngồi bên trong.

Đến năm 1959, nhóm kỹ sư đã hoàn tất việc chế tạo 3 mẫu thử nghiệm với tên gọi là Obiekt 279. Obiekt 279 được lắp ráp từ 4 phần đúc khác nhau, và được bọc một lớp giáp bằng vật liệu thép tổng hợp với phía trước và bên hông tháp pháo dày lần lượt là 319mm và 217mm; giáp ở phần hông xe chỗ mỏng nhất và dày nhất lần lượt là 100mm và 182mm… với tổng trọng lượng lên tới 60 tấn.

Chiếc Obiekt 279 được trưng bày ở Bảo tàng Xe tăng Kubinka, Nga. Ảnh: Wikipedia

Thiết kế bên ngoài giống với hình dạng một chiếc đĩa bay là nhằm ngăn cỗ xe tăng này có thể bị lật bởi sóng xung kích từ một vụ nổ hạt nhân, cũng như chống lại các cuộc tấn công bằng bộ 3 vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC).

Obiekt 279 được kíp chiến đấu 4 người điều khiển. Vũ khí chính là một cỗ pháo M-65 cỡ nòng 130mm với tốc độ bắn 5-7 phát/phút, và súng máy KPVT 14,5mm. Xe được trang bị một động cơ diesel 2DG-8M có sức kéo 1.000 mã lực, nhờ vậy xe có thể di chuyển với vận tốc tối đa 55 km/h, với tầm hoạt động lên tới 300km.

Chiếc xe Obiekt 279 được phục dựng và chạy thử vào năm 2022. Ảnh: Youtube/ Roman Alymov

Obiekt 279 vào năm 1959 đã tham gia một số cuộc thử nghiệm trong địa hình đầm lầy cùng nền đất mềm, và vượt qua nhiều tiêu chí đề ra trước đó. Nhưng Liên Xô vào tháng 7/1960 đã quyết định chấm dứt toàn bộ những dự án xe tăng đang và sắp phát triển khi đó có trọng lượng lớn hơn 50 tấn.

Quân đội Liên Xô lúc đó chỉ muốn những loại xe tăng - thiết giáp có trọng lượng phù hợp nhằm tránh tình huống các cây cầu bị hư hỏng hay sập do xe tăng hạng nặng chạy qua. Vì vậy, dự án phát triển Obiekt 279 đã bị hủy bỏ.

Bí ẩn dự án xe tăng 'bay' của Liên Xô trong thập niên 1940Ý tưởng về việc chế tạo xe tăng lắp cánh để bay đã được nêu ra vào thập niên 1930, nhưng tới Thế chiến Hai mới trở thành hiện thực.

Uy lực siêu xe tăng nặng nhất từng được chế tạoVới trọng lượng lên tới 188 tấn, siêu xe tăng Panzer VIII Maus phải sử dụng động cơ máy bay để có thể di chuyển.

Cận cảnh chiếc siêu tăng nặng gần trăm tấn Mỹ từng chế tạoKhác với những xe tăng thông thường chỉ có hai hàng bánh xích, siêu tăng T28 do Mỹ chế tạo được lắp tới bốn hàng xích để đỡ lấy trọng lượng khủng của thân xe.