Nỗ lực của TP.HCM và kết quả bước đầu gỡ vướng cho các dự án BĐS
Bất động sản - Ngày đăng : 10:03, 02/05/2023
Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố vào ngày 16/4/2023, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 6 nhóm vấn đề.
Trong đó, có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản (BĐS) quan tâm giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến phương án sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá.
Về 156 dự án BĐS đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết dứt điểm cho 50 dự án.
Không phải chờ đến buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, từ đầu năm 2023, lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan đã có động thái quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho 156 dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng những nỗ lực của UBND Thành phố bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường BĐS.
Theo ông Châu, hầu hết trong 156 dự án BĐS thuộc diện rà soát pháp lý có tính chất phức tạp, xử lý qua nhiều thời kỳ, quy định pháp luật thiếu đồng bộ. Nhiều dự án có nguồn gốc đất công hoặc do doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hoá chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục.
Ngoài ra, không ít dự án bị vướng do phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất; tiền sử dụng đất bổ sung; xử lý tài sản Nhà nước tại các chung cư cũ; điều chỉnh quy hoạch; nghĩa vụ xây dựng nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại…
Chủ tịch HoREA cho hay lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ngành đã có nhiều lần trực tiếp gặp và lắng nghe một số chủ đầu tư trình bày những khó khăn, vướng mắc tại các dự án.
Bước đầu, đã có 5 dự án BĐS của Sơn Kim Land, Công ty TNHH Gotec Việt Nam, Gamuda Land, CapitaLand và Novaland được huy động vốn 50% số lượng nhà ở hình thành trong tương lai, tương ứng 5.432 căn nhà. Đây là các dự án đang chờ rà soát pháp lý nhưng chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ trước.
Bên cạnh đó, 1 dự án chung cư tại Q.4 và 1 dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh cũng được UBND TP.HCM cho ý kiến, chỉ đạo các sở, ngành rà soát, giải quyết.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Novaland cho biết dự án chung cư tại Q.1 của doanh nghiệp này vừa được cho phép xây dựng lại. Song song với với việc thẩm định tiền sử dụng đất, dự án cũng được ngân hàng tái cấp vốn.
Trong khi đó, cuối tháng 4/2023, đại diện Hưng Thịnh Corp cho biết 6 dự án của doanh nghiệp cũng vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thống nhất phương án gỡ vướng về thủ tục đầu tư và cấp giấy chứng nhận.
Liên quan đến công tác gỡ khó cho các dự án BĐS, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng vừa thông tin về hướng giải quyết thủ tục pháp lý cho 7 dự án BĐS ở Đồng Nai.
Đó là dự án Khu dân cư Long Hưng và Khu đô thị dịch vụ thương mại Cù lao Phước Hưng của chủ đầu tư DonaCoop; Khu đô thị Đồng Nai WaterFront của Nam Long; Khu đô thị Aqua City của Novaland;
Trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng kết hợp khu dân cư P.Hố Nai, TP.Biên Hoà và Khu đô thị du lịch Nhơn Phước của Hưng Thịnh Corp; Khu đô thị sinh thái Long Tân của DIC Group.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, nhất là sự phối hợp hiệu quả giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành, ông Lê Hoàng Châu kỳ vọng phần lớn các dự án BĐS bị vướng thủ tục pháp lý sẽ được giải quyết trong năm nay.