Điểm tin công nghệ 2/5: Apple rút đơn kiện cha đẻ dòng chip xử lý cho iPhone và iPad
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 02/05/2023
- Apple rút đơn kiện cha đẻ dòng chip xử lý cho iPhone và iPad
Sau quá trình kiện tụng kéo dài hơn 3 năm, Apple đã lặng lẽ hủy bỏ vụ kiện đánh cắp bí mật thương mại của Gerard Williams III, cựu kỹ sư trưởng bộ phận thiết kế chip di động Apple từ A7 đến A12X. Ông Williams đã rời công ty vào năm 2019 sau 9 năm gắn bó.
Theo Bloomberg, yêu cầu bác bỏ vụ kiện của Apple đã được đệ trình vào tuần này tại tòa án bang ở San Jose, California. Hồ sơ không giải thích tại sao vụ kiện bị hủy bỏ.
Gia nhập Apple vào năm 2010, Gerard Williams là kiến trúc sư trưởng đảm nhận thiết kế chip xử lý cho iPhone và iPad.
Ông là nhà thiết kế chính của dòng chip Apple A-Series, "trái tim" của iPhone và iPad cũng như góp phần tạo ra tiêu chuẩn mới trong thiết kế SoC, giúp cho các nhà thiết kế chip tích hợp cả CPU, GPU và bộ nhớ GPU vào một SoC duy nhất.
Trong 9 năm làm việc, Gerard Williams III tạo ra hơn 60 bằng sáng chế cho gã khổng lồ xứ Cupertino. Đến tháng 2/2019, Williams đã rời Apple để thành lập công ty riêng mang tên Nuvia, chuyên thiết kế bộ xử lý cho các trung tâm dữ liệu.
Tháng 12/2019, Apple đệ đơn kiện nhà thiết kế chip chính của mình về việc lập kế hoạch và tham gia vào các hoạt động kinh doanh cạnh tranh với Apple.
Williams được cho đã bí mật thực hiện dự án khởi nghiệp của mình khi vẫn còn tại chức. Ông đã tiếp cận nhiều tài liệu bí mật của Apple và có thể sử dụng cho doanh nghiệp của mình.
Không chỉ Gerard Williams, tham gia sáng lập Nuvia còn có 2 cựu nhân viên Apple John Bruno và Manu Gulati. Cả 3 được cho là đã nhận hơn 100 bằng sáng chế liên quan đến thiết kế chip và kỹ thuật hệ thống.
Williams phủ nhận cáo buộc từ Apple nói ông thuyết phục để Bruno và Gulati nghỉ việc. Ông cũng cho rằng không có chứng cứ buộc tội, thậm chí cáo buộc ngược lại Apple vì thu thập tin nhắn riêng tư của ông phục vụ việc khiếu nại. Việc kinh doanh của Apple cũng không xảy ra mâu thuẫn hay cạnh tranh từ Nuvia.
- Canada đầu tư hơn 1 tỷ USD hỗ trợ nghiên cứu về công nghệ mới
Chính phủ Canada vừa quyết định chi 1,4 tỷ CAD (1,032 tỷ USD) để hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), người máy (robot), thu hồi khí thải carbon hay chăm sóc sức khỏe.
Tổng cộng có 11 trường đại học được nhận khoản đầu tư này thông qua Quỹ hỗ trợ nghiên cứu ban đầu (CFREF), một chương trình nhằm hỗ trợ tăng cường công tác nghiên cứu tại các trường đại học.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Francois Philippe Champagne, mục tiêu của việc hỗ trợ nghiên cứu là nhằm giúp các trường đại học, các nhà khoa học đi tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu nhằm đóng góp cho nền kinh tế thế kỷ 21.
Quỹ CFREF được thành lập vào năm 2015 với mục tiêu tạo ra sự cạnh tranh cho các nhà khoa học Canada trong nỗ lực nghiên cứu, vượt xa những gì mà một phòng thí nghiệm hay một nhóm đơn lẻ có thể làm được.
Đây là lần thứ ba Chính phủ Canada cấp nguồn tài chính cho Quỹ CFREF để phân bổ tới các trường đại học hoặc viện nghiên cứu dựa trên các dự án nghiên cứu được đăng ký. Trong năm nay, các dự án nghiên cứu được đăng ký rất đa dạng, gồm các sáng kiến về công nghệ, y học và khoa hoạc xã hội.
Đại học Toronton đã giành được khoản hỗ trợ lớn nhất, gần 200 triệu CAD, cho dự án tập trung vào AI để phát triển vật liệu mới có thể ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc y tế.
Phó Chủ tịch của trường, bà Leah Cowen chia sẻ rằng khoản đầu tư này cho phép trường vươn lên dẫn đầu trong việc thực hiện các nghiên cứu đổi mới. Đại học Toronto đã thực hiện nhiều nghiên cứu có giá trị từ thuốc chữa bệnh, nhựa phân hủy sinh học, ximăng ít carbon đến năng lượng tái tạo.
Đại học McGill cũng giành được khoản hỗ trợ 165 triệu CAD cho nghiên cứu phát triển loại thuốc dựa trên RNA. Đây là lĩnh vực nghiên cứu có tầm quan trọng đóng góp cho việc phát triển thành công loại vaccine mRNA điều trị COVID-19.
Trong khi đó, đại học Dalhousie nhận được hỗ trợ 154 triệu CAD cho nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ chưa được biết tới giữa các đại dương và khí hậu. Giám đốc viện đại dương Anya Waite của đại học Dalhousie nói rằng, dự án này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những nghiên cứu về sau trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng viên biển.
Đại học Calgary nhận được hỗ trợ 125 triệu CAD cho đề tài nghiên cứu cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Canada xếp hạng thứ 30 thế giới về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em theo báo cáo 2020 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Ngoài các nghiên cứu về y sinh, dự án còn đi sâu nghiên cứu các yếu tố xã hội ảnh hưởng tới sức khỏe để có thể giải quyết triệt để hơn vấn đề cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Các trường đại học khác có dự án nhận được hỗ trợ trên dưới 100 triệu CAD như Đại học Newfoundland (dự án vận chuyển sạch trên Bắc Cực), Đại học Ottawa (dự án kết nối não-tim), Đại học Montreal (đề tài AI có trách nhiệm), Đại học Concordia (dự án cộng đồng khử carbon), Đại học York (hệ thống máy móc và thần kinh) và Đại học Victoria (chuyển đổi năng lượng cộng đồng).
- Apple công bố gì tại WWDC 2023?
Hội nghị nhà phát triển WWDC 2023 được tổ chức vào ngày 5/6. Dự kiến, Apple sẽ giới thiệu iOS 17 và thiết bị VR/AR đầu tiên của hãng tại đây.
WWDC là sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển ứng dụng của Apple. Năm nay, ngoài các cải tiến cho hệ điều hành iPhone, iPad, Mac, Apple Watch, Apple có thể tiết lộ những thông tin đầu tiên về thiết bị thực tế hỗn hợp VR/AR.
Thông thường, “Táo khuyết” phát sóng trực tiếp bài phát biểu mở đầu trên cả website và ứng dụng iPhone, iPad, Apple TV.
WWDC là nơi mọi sự chú ý tập trung vào các bản xem trước phần mềm (preview). Theo truyền thống, Apple sẽ giới thiệu các phần mềm mới cho các phần cứng khác nhau và cung cấp bản thử nghiệm (beta) cho nhà phát triển ngay sau bài phát biểu chính. Phiên bản beta cho công chúng sẽ phát hành trong vòng một tháng sau đó, còn bản hoàn thiện xuất hiện vào mùa thu cùng với iPhone mới.
iOS 17 và iPadOS 17 sẽ là tâm điểm của sự kiện. Chúng chia sẻ nhiều tính năng với nhau. Trong đó, iOS 17 được bổ sung nhiều tính năng mới như tiện ích homescreen động (thay vì tĩnh), giao diện Control Center mới, các tính năng Dynamic Island cũng như giao diện Siri mới.
Tin đồn đáng nói nhất là iOS 17 sẽ mở cửa với các chợ ứng dụng bên thứ ba, đồng nghĩa với việc người dùng được phép tải ứng dụng iPhone, iPad từ bên ngoài thay vì chỉ từ App Store như hiện nay. Dù vậy, tính năng có thể chỉ có mặt tại châu Âu, nơi các nhà quản lý ban hành quy định mới buộc Apple phải tuân thủ.
Về hệ điều hành macOS 14, chưa có nhiều thông tin về các tính năng mới. Vài năm gần đây, Apple muốn các hệ điều hành nhất quán hơn, do đó, có thể chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều tính năng iOS được đưa lên macOS.
Một thành viên mới trong gia đình hệ điều hành Apple là xrOS. Tin đồn cho thấy Apple đặt tên cho hệ điều hành trên thiết bị thực tế hỗn hợp là xrOS.
Phần cứng có khả năng xuất hiện cao nhất tại WWDC 2023 là thiết bị đeo VR/AR. Tuy nhiên, thời điểm lên kệ có thể là vào cuối năm. Giống như iPhone và Apple Watch, Apple thường cho xem trước thiết bị vài tháng trước khi ra mắt chính thức.
Theo tin đồn, headset dùng chip M2, bạn có thể điều khiển thiết bị bằng mắt và cử chỉ tay. Giá bán của thiết bị được đồn lên tới 3.000 USD. Ngoài ra, một số nguồn tin tiết lộ Apple vẫn ra mắt thiết bị bất chấp sự phản đối của nhóm thiết kế vì nó quá nặng và chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, CEO Tim Cook và Giám đốc điều hành Jeff Williams đã yêu cầu nhóm vẫn công bố trong năm nay.
Bên cạnh thiết bị VR/AR, Apple có thể trình làng một số máy tính Mac mới như MacBook Air 15 inch dùng chip M2, hoặc Mac Pro mới.
Ngay cả khi không có phần cứng nào được giới thiệu tại WWDC 2023, đây vẫn là sự kiện quan trọng vì nó trình diễn tất cả phần mềm của Apple. Song, khi mọi dấu hiệu đều nhắc đến headset Apple VR/AR, WWDC 2023 sẽ càng hấp dẫn hơn thường lệ.