Điểm tin kinh doanh 2/5: Bất động sản suy thoái, trái phiếu bị kiểm soát... ngân hàng vẫn kiếm lãi nghìn tỷ
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 02/05/2023
- Giá vàng hôm ngày 1/5: ‘Sự sụt giảm về mức 1.950 USD, sẽ là cơ hội mua vào’
Theo chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures, vàng có nhiều lý do để tăng hơn so với rủi ro bán tháo và bất kỳ sự sụt giảm nào về mức 1.950 USD sẽ là cơ hội để mua vào.
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 1/5 chưa có sự biến động, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,6– 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 110.000 đồng/lượng so với hôm 30/4, hiện đứng ở mức 55,91 – 56,86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm 30/4 tại Mỹ tăng 1,8 USD lên 1.990,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 1/5, giá vàng quay đầu giảm xuống 1.982 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York tăng nhẹ 0,1 USD, tương ứng tăng 0,01% xuống 1.999,1 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản dự kiến rộng rãi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Nhưng nếu thị trường giải thích thông điệp này là "tạm dừng diều hâu", đà tăng của vàng có thể bắt đầu lại, theo các nhà phân tích.
Đà tăng của vàng đã thất bại ở một mức quan trọng, điều đó có nghĩa là vẫn còn một thất bại sâu sắc hơn sắp tới, Michael Boutros, chiến lược gia kỹ thuật cấp cao tại Forex.com, nói với Kitco News.
"Vàng đạt mức đóng cửa cao nhất năm 2022 ở mức 2.049 USD và sau đó đảo chiều thấp hơn", Boutros cho biết hôm thứ Sáu và nói thêm: "1.966 USD là đường trên cắt và chúng tôi đã thử nghiệm nó vào tuần trước. Nếu chúng giảm xuống dưới mức đó thì có thể trôi sâu hơn xuống 1.912 - 1.919. Tôi rất muốn thấy điều đó được giữ vững".
Trong khi đó, Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures, nói rằng hành động giá gần đây cho thấy các nhà đầu tư vàng cực kỳ thoải mái với mức 2.000 USD, có nghĩa là bất kỳ sự sụt giảm giá đáng kể nào cũng có thể được coi là cơ hội mua.
Streible nói rằng vàng có nhiều lý do để tăng hơn, một lập trường ôn hòa đối với tuyên bố và bình luận từ Chủ tịch Jerome Powell, so với rủi ro bán tháo từ lập trường diều hâu hơn.
"Tôi nghĩ rằng, bất kỳ sự sụt giảm nào về mức 1.950 USD sẽ được mua. Đó là cơ hội mua vào", ông nói.
Với mức giá khoảng 1.982 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 57,12 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,1 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng 1/5 đứng ở mức 101,67 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong phiên cuối tuần qua được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.639 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.457 – 24.821 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.450 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.770 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.200 – 23.700 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.410 đồng/USD và bán ra là 23.460 đồng/USD.
- Vietnam Airlines giảm lỗ quý I so với cùng kỳ
Đại diện Tổng công ty lý giải, lỗ sau thuế hợp nhất quý I/2023 giảm so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giảm lỗ của công ty mẹ.
Theo Báo cáo Tài chính quý I/2023 vừa được Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) công bố, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ và hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, quý I, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ hơn 137 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước. Về số liệu hợp nhất, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 37 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Tổng công ty lý giải, lỗ sau thuế hợp nhất quý I/2023 giảm so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giảm lỗ của công ty mẹ, hãng hàng không Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, tổng doanh thu và thu nhập khác quý I của công ty mẹ tăng 113,8% so với quý I/2022 (tăng hơn 9.569,2 tỷ đồng) do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116%, tương đương tăng hơn 9.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu nội địa tăng 76,5%, quốc tế tăng 618,5% do thị trường phục hồi mạnh.
Tổng chi phí quý I của công ty mẹ tăng 67% tương đương tăng 7.264,7 tỷ đồng so với quý I/2022 chủ yếu tăng chi phí giá vốn, tăng tương ứng với tăng sản lượng. Tuy nhiên, tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của quý I/2023 nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phi dẫn đến công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.525 tỷ đồng và lỗ sau thuế giảm hơn 2.305 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
- Bất động sản suy thoái, trái phiếu bị kiểm soát... ngân hàng vẫn kiếm lãi nghìn tỷ
Hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với những khoản lợi nhuận nghìn tỷ, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đã chậm lại. Trong số 25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tất cả các ngân hàng đều có lãi. Nhưng vẫn có 6 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm.
Kết quả kinh doanh quý I cũng cho thấy sự phân hóa rõ nét trong lợi nhuận giữa các ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với nhiều chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh giữ vững ở mức cao thì một số ngân hàng sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, trong đó có cả những ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao trong các năm trước như Techcombank (-17%), LienVietPostBank (-13%), VPBank (-77%).
Các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do trích lập dự phòng tăng, hoặc không có khoản thu nhập bất thường từ khoản phí trả trước với đối tác phân phối bancassurance. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính của các ngân hàng này vẫn có kết quả khả quan.
Danh sách các ngân hàng có mặt trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong quý không thay đổi (gồm: Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, SHB, HDBank, VIB) song thứ hạng đã thay đổi khá nhiều.
Theo đó, quý I/2023, Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế với con số hơn 11.200 tỷ đồng. Còn VPBank - quán quân lợi nhuận quý I/2022 (vượt cả Vietcombank) rớt thẳng xuống vị trí thứ 10; Techcombank - á quân lợi nhuận năm 2022 - tụt xuống vị trí thứ 5.
Vị trí á quân lợi nhuận ngân hàng quý I năm nay thuộc về BIDV với 6.920 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế). BIDV cũng là ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống (tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỷ đồng).
Khối ngân hàng TMCP tư nhân chứng kiến sự thăng hạng của MB. Trong quý I/2023, MB vươn lên vị trí thứ ba toàn hệ thống về lợi nhuận. Vị trí thứ tư về lợi nhuận trong quý I năm nay thuộc về VietinBank.
Xét về tốc độ tăng trưởng, trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống thì BIDV là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất (lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 53%). VPBank và Techcombank là hai ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất.
VIB vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt trong quý I/2023 khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. ACB và SHB lần lượt tăng trưởng 24% và 12% so với cùng kỳ, đạt lợi nhuận 5.120 tỷ đồng và 3.600 tỷ đồng.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng trong cả năm 2023. Tuy nhiên, trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, nhiều ngân hàng tỏ ra khá thận trọng với dự báo lợi nhuận tăng thấp trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Trong đó, ba ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10-15%. Các ngân hàng tư nhân như VIB, MB, VPBank ACB và SHB đều hạ mục tiêu tăng trưởng xuống khoảng 10-17%.