Người mê vẽ mặt nạ hát bội Bình Định
Dòng chảy - Ngày đăng : 07:49, 01/05/2023
Ông Trần Ngọc Vân chẳng phải họa sĩ cũng chẳng phải "con nhà nòi" về nghệ thuật hát bội nhưng lại có niềm đam mê với môn nghệ thuật này từ thuở nhỏ. Ông chia sẻ rằng, ngày còn bé, ông thường theo cha đi xem hát bội rồi say mê.
Lớn lên, cuộc đời ông lại gắn với nghề quay phim, chụp hình, hướng dẫn viên du lịch. Hơn 20 năm, những công việc ông làm đều gắn với loại hình hát bội, bởi vậy niềm đam mê như chảy vào trong máu.
"Nhiều lần, tôi đưa khách du lịch đi tham quan trưng bày mặt nạ tuồng tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, xem các chương trình hát bội. Tôi thấy du khách rất thích thú, đặc biệt người nước ngoài rất muốn tìm hiểu về nghệ thuật này. Từ đó, tôi có ý tưởng phải làm ra sản phẩm lưu niệm mặt nạ chân dung của các nhân vật biểu diễn trong nghệ thuật hát bội", ông Vân nói.
Ông Vân cho biết thêm, đời sống của nghệ nhân hát bội, nhất là ở các đoàn tuồng không chuyên, vốn rất chật vật. Trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, cuộc sống của họ càng khó khăn. Nhiều người phải đi buôn gánh bán bưng ở chợ, người về đan nhựa giả mây để mưu sinh.
"Khi giúp làm hồ sơ để đề cử công nhận là nghệ nhân, tôi thấy nhiều gia đình nghệ nhân hy sinh quá lớn, hơn 50 năm mới được công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Đó là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó để giữ lại nét văn hóa đặc trưng của Bình Định và biến nó thành sản phẩm du lịch", ông Vân chia sẻ.
Để biến đam mê thành hiện thực, ông Vân phải vào Sài Gòn vừa làm việc vừa tìm về các làng nghề gốm sứ để tìm hiểu, nghiên cứu. Cuối cùng, ông chọn vẽ trên chất liệu nhựa composite để không "đụng hàng" nhưng độ bền cao, giá trị màu ổn định.
Trước khi thực hiện, ông Vân cũng tham vấn nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân các đoàn tuồng trong tỉnh, các họa sĩ am hiểu về nghệ thuật truyền thống này để từng bước hoàn thiện hơn.
"Khi tôi trình bày về ý tưởng này, các nghệ nhân, nghệ sĩ đều rất ủng hộ nên tôi cố gắng thực hiện. Đây vừa là sân chơi vừa giáo dục các em học sinh phải biết bảo tồn, phát huy nét văn hóa riêng của quê hương và cũng để khách du lịch thấy nét đặc trưng khi đến Bình Định", ông Vân tâm sự.
Theo ông Vân, khâu tạo hình sản phẩm là khó nhất, khuôn làm không đúng hình tượng, chệch vài đường nét thì không thể vẽ tạo hình. Khuôn làm xong đến khâu vẽ phải có giá trị thẩm mỹ cao, mặt nạ khi vẽ phải có hồn mới thu hút khách hàng. Mỗi khuôn mặt, ông sử dụng một gam màu riêng, phù hợp với sự biểu đạt cảm xúc của từng nhân vật.
"Màu sắc chủ đạo dùng tô vẽ mặt nạ chân dung hát bội là đen và đỏ. Màu đen là nhân vật hung dữ, phản diện; màu đỏ là vai trung thần; màu trắng xanh là nhân vật quan nịnh; nhân vật nữ thì chọn màu hồng phấn để thể hiện tính cách thiện, ác của nhân vật", ông Vân lý giải.
Đến nay, ông đã tổ chức 4 buổi trải nghiệm vẽ mặt nạ tuồng miễn phí tại Trường THCS Ngô Mây, Trường ĐH Quy Nhơn, phường Lý Thường Kiệt và Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan để học sinh, du khách giao lưu, tìm hiểu về nghệ thuật hát bội của Bình Định.
Thời gian tới, ông Vân dự tính nghiên cứu làm mặt nạ tuồng bằng mo cau, xơ dừa vừa nhẹ, thân thiện với môi trường.