Trẻ rụt rè và nhạy cảm, phần lớn là do cha mẹ chưa làm tốt 3 điều này: Hãy kiểm tra xem bạn có mắc phải điều nào không
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:30, 30/04/2023
Vài ngày trước, có phụ huynh than vãn trong nhóm chung rằng con bỗng dưng không muốn đi học. Khi được hỏi nguyên nhân, cháu bé cho biết học sinh trong lớp không nghe lời và cô giáo hay mất bình tĩnh, dù con không gây sự nhưng vẫn sợ cô giáo giận. Vị phụ huynh này rất lo lắng bởi con mình thường rụt rè, hướng nội, gặp thử thách nhỏ là muốn thu mình lại. Liệu như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển sau này hay không?
Cha mẹ nào cũng thích những đứa trẻ tự tin, dũng cảm không ngại thử thách, có thể tiến lên khi gặp khó khăn. Trong khi đó, những đứa trẻ nhút nhát thì luôn rụt rè, ngại nói chuyện với người khác, ngại biểu diễn trên sân khấu, thậm chí dễ trở thành mục tiêu bị bắt nạt.
Ảnh minh họa.
Một số trẻ bẩm sinh đúng là đã có tính cách như vậy, nhưng phần lớn đều do môi trường tiếp thu, ảnh hưởng và định hình. Nhất là trong gia đình, cách cha mẹ đối xử với con cái đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Ví dụ, ba kiểu giáo dục sau đây rất có thể sẽ nuôi dạy những đứa trẻ nhút nhát:
01. Tuổi thơ thiếu tình thương và sự đồng hành, trẻ thiếu cảm giác an toàn
Các nhà tâm lý học Mỹ đã tiến hành thí nghiệm "tình huống kỳ lạ". Đây là một kỹ thuật được thiết kế bởi nhà tâm lý học Mary Ainsworth và được sử dụng trong Tâm lý học phát triển để xác định bản chất của phong cách gắn bó ở trẻ. Nghiên cứu tập trung quan sát trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 18 tháng phản ứng lại tình huống khi chúng bị bỏ một mình trong thời gian ngắn và sau đó được gặp lại mẹ của mình. Dựa trên những quan sát này, Ainsworth kết luận rằng có 3 dạng gắn bó lớn: Gắn bó an toàn, gắn bó bất an nước đôi và gắn bó bất an né tránh.
Trẻ em thuộc kiểu gắn bó an toàn có cảm giác an toàn nội tâm mạnh mẽ hơn, cảm xúc ổn định và yên bình hơn, bởi vì trong thời thơ ấu, đặc biệt là ở độ tuổi 0-3, người bạn đồng hành (thường là mẹ) có thể mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và tình yêu mà trẻ cần. Những đứa trẻ như vậy sau khi lớn lên thường độc lập hơn, nội tâm mạnh mẽ hơn, sẽ không vì một số chuyện vặt vãnh mà gục ngã.
Những đứa trẻ có kiểu gắn bó "không an toàn" nhạy cảm hơn, hay lo lắng về được mất, dễ bị cảm xúc dao động. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ suy nghĩ quá nhiều, dễ cảm thấy sợ hãi và sợ hãi rút lui khi sự việc xảy ra.
Nhiều bậc cha mẹ sau khi sinh con phải bươn chải mưu sinh, giao con cái cho ông bà, bảo mẫu, bỏ bê việc chăm sóc, đồng hành cùng con trong 3 năm đầu đời quan trọng. Một số cha mẹ chưa cho con cảm nhận được tình yêu thương, không kịp thời đáp ứng nhu cầu hợp lý của trẻ; thờ ơ, bỏ mặc tâm tư, tình cảm của trẻ, khi trẻ không nghe lời còn đe dọa...
Những hành vi này sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, bất an, sợ mình bị bỏ rơi, không thiết lập được mối quan hệ gắn bó an toàn với cha mẹ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách, dễ bị hoảng sợ và không có khả năng tương tác với người khác trong tương lai.
Vì vậy, cha mẹ nên chú ý giai đoạn đầu đời của trẻ, thường xuyên tương tác; đồng thời có những tiếp xúc cơ thể như sờ, ôm, hôn, v.v., đặc biệt là khi trẻ từ 0-3 tuổi. Khi trẻ bộc lộ cảm xúc như khóc, buồn, giận, cha mẹ không nên ngăn cản hay phớt lờ. Trước tiên hãy giữ tâm lý ổn định, ở bên con, chấp nhận cảm xúc của con và bày tỏ sự thấu hiểu, kiên nhẫn. Trẻ sẽ hiểu cảm xúc của mình, từ từ học cách kiểm soát cảm xúc.
Tình yêu thương và sự hỗ trợ như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn và khẳng định giá trị của mình. Sự tương tác thân mật và khoảng thời gian hạnh phúc bên cha mẹ khi còn nhỏ sẽ trở thành ký ức đẹp đẽ và ấm áp nhất trong cuộc đời trẻ, mang đến cho trẻ nguồn năng lượng ổn định về mặt tâm lý.
02. Bảo vệ và hạn chế quá mức
Nhiều cha mẹ chăm con rất tỉ mỉ, sợ con ngã, con lấm bẩn... Nhưng hành vi yêu con này sẽ cản trở sự trưởng thành của trẻ. Một mặt, việc cha mẹ lo lắng thái quá, quát mắng con dừng lại sẽ khiến trẻ cảm thấy mọi thứ xung quanh đều đầy rẫy nguy hiểm và gia tăng cảm giác sợ hãi. Mặt khác, sự hạn chế của cha mẹ đã tước đi cơ hội trải nghiệm, khám phá, rèn luyện lòng can đảm của trẻ...
Khi rời khỏi vòng tay bảo bọc của cha mẹ để bước vào trường lớp, bạn bè, trẻ thấy mình không thể làm được điều này, điều kia và đụng phải chướng ngại ở khắp mọi nơi, dẫn đến lỗ hổng tâm lý và giáng một đòn mạnh vào sự tự tin của trẻ. Dần dần, đứa trẻ trở nên rụt rè và sợ hãi, ngại thử, trở nên phụ thuộc vào cha mẹ và không thể chịu trách nhiệm.
Do đó, để nuôi dưỡng sự tự tin, tinh thần trách nhiệm và thúc đẩy sự trưởng thành độc lập của trẻ, cha mẹ không nên quá bảo bọc và gò bó con cái. Trong phạm vi an toàn, để trẻ chạy nhảy, vận động, khám phá một cách độc lập. Những việc mà trẻ không biết làm, hãy cho trẻ hướng dẫn chính xác và làm theo. Thông qua rèn luyện và thực hành nhiều lần, năng lực của trẻ sẽ không ngừng được nâng cao.
Chính trong quá trình làm mọi việc một cách độc lập và nâng cao khả năng, trẻ sẽ có cảm giác kiểm soát được những thứ xung quanh mình, ngày càng tự tin vào bản thân.
03. Ngôn ngữ không phù hợp phá hủy sự tự tin của trẻ
Còn có một kiểu cha mẹ khác quá nghiêm khắc hơn trong việc giáo dục con cái, có những yêu cầu khắt khe, con làm sai một chút sẽ trách móc, làm không tốt sẽ chỉ trích, phủ nhận con. Mục đích ban đầu là để trẻ hiểu được khuyết điểm của bản thân và khuyến khích trẻ tiến bộ, nhưng giáo dục quá nghiêm khắc chỉ khiến trẻ không dám cố gắng để tránh mắc sai lầm, có xu hướng trốn tránh và thu mình lại khi gặp khó khăn.
Luôn công kích và phủ nhận trẻ, không biết khuyến khích và đánh giá đúng ưu điểm của trẻ sẽ làm trẻ mất đi sự tự tin và phủ nhận bản thân, làm việc gì cũng sẽ suy nghĩ nhiều, lo lắng không làm được.
Trong quá trình lớn lên, trẻ em sẽ không tránh khỏi những sai lầm, trẻ sẽ đi từ kém cỏi đến thành thạo, từ khờ khạo đến nhạy bén, từ liều lĩnh đến trưởng thành. Đừng vì một vài lỗi lầm mà phủ nhận toàn bộ, cũng đừng chấp nhặt lỗi lầm của trẻ mà hãy chấp nhận, giữ bình tĩnh, vững vàng, dạy trẻ biết nhận lỗi và rút kinh nghiệm.
Nhìn chung, một đứa trẻ tự tin, bản lĩnh và có trái tim mạnh mẽ cần có tình yêu thương vô điều kiện và sự quan tâm tích cực của cha mẹ. Hãy để trẻ được tự do thử sức, khám phá và phát huy khả năng của mình.
Theo Phụ nữ Việt Nam