Hồi ức đặc biệt của thầy giáo dạy học ở TPHCM trước 30/4/1975
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:17, 30/04/2023
Tháng 4 lịch sử, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - bồi hồi nhớ về những năm tháng đặc biệt của nền giáo dục Sài Gòn - Gia Định, đó là cuộc chuyển giao với cột mốc 30/4/1975.
Cuộc chuyển giao giáo dục
Trải qua những năm tháng làm nghề giáo trước 30/4/1975, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai cũng là thầy giáo duy nhất của giai đoạn đó trở thành lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM.
Căn nhà nhỏ, giản dị nằm sâu trong một con hẻm trên đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình là nơi đại gia đình ông Ngai đã ở bao nhiêu năm qua, lưu giữ nhiều kỷ niệm của giai đoạn lịch sử ấy.
Ngày 31/8/1972, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Ngai được Trưởng ty giáo dục tỉnh Gia Định (nay là TPHCM) có quyết định phân công nhận nhiệm vụ giảng dạy môn toán ở Trường Trung học Nhất Linh.
Gắn bó với ngôi trường này trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhưng thầy Ngai và học trò vẫn quyết tâm bám trụ.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, nền giáo dục miền Nam được tiếp quản. Khoảng một tuần sau đó, Sở GD&ĐT TPHCM có quyết định đổi tên Trường Trung học Nhất Linh thành Trường cấp 2-3 Nguyễn Hữu Cầu và thành lập Ban điều hành lâm thời.
Ông Ngai khi ấy mới chỉ 25 tuổi, là người trẻ tuổi nhất được phân công làm Trưởng ban điều hành.
Chỉ 5 tháng sau, Ban điều hành lâm thời tất cả các trường cấp 2-3 đều được giải thể để thay thế bởi Ban Giám hiệu với đa số Hiệu trưởng là người được miền Bắc chi viện. Ban giám hiệu trường Nguyễn Hữu Cầu được thành lập với 1 Hiệu trưởng, 2 Hiệu phó và ông Ngai làm Hiệu phó chuyên môn.
Tháng 9/1982, ông được bổ nhiệm Hiệu trưởng và năm 1991, ông làm Phó Bí thư Đảng ủy ngành Giáo dục. Đến năm 1998, ông giữ cương vị Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM.
Là người chứng kiến cuộc giao thời của giáo dục thời điểm đó, ông nhận định dù có nhiều khó khăn song mọi việc dần đi vào nề nếp.
Việc lớn nhất của ngành lúc bấy giờ là thay đổi sách giáo khoa. Toàn bộ sách dùng trước 30/4/1975 ở miền Nam được thay bằng sách soạn riêng theo hệ phổ thông 12 năm. Đây là một điều mới mẻ vì ngay cả miền Bắc vẫn còn sử dụng sách theo hệ phổ thông 10 năm.
Hơn 50 năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý giáo dục, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai nhận định, khoảng 5 đến 7 năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (giai đoạn 1975 -1982), ngành GD&ĐT nói chung, đặc biệt là các trường ở vùng ngoại thành nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Ông nhớ lại, lúc đó, các cơ sở vật chất, trường lớp, đất đai của trường công lập và trường tư thục thuộc quyền sở hữu của các tôn giáo được bàn giao cho cách mạng khá suôn sẻ.
Thế nhưng, trường, lớp vẫn còn thiếu, nhiều trường ở ngoại thành ở dạng cấp 4, thậm chí có trường được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá,…; bàn ghế học sinh vừa thiếu, cũ, vừa không đúng chuẩn,…
Các trường đều sử dụng lại đội ngũ giáo viên tại chỗ còn gọi là "giáo viên lưu dung". Cùng với đó, tăng cường thêm giáo viên là người tập kết, người đi B, bộ đội chuyển ngành sau khi qua khóa đào tạo ở trường sư phạm và được bổ sung nhiều giáo viên trẻ mới ra trường.
Khó khăn nổi bật khác phải đối mặt là đời sống của số đông giáo viên khi ấy còn thiếu thốn. Tiền lương bình quân chỉ còn khoảng 40 đến 50 đồng/người/tháng và 13 kg gạo/tháng nên không đủ ăn nên phải độn thêm mì sợi, bo bo, khoai...
Dù khó khăn là vậy, nhưng bằng niềm tin của những người vừa có được tự do, bằng sự quyết tâm xây dựng lại đất nước, các cán bộ quản lý trường học và giáo viên, nhân viên nhiệt tình, hết lòng vì học sinh để thực hiện nhiệm vụ dạy học.
"Ở trường tôi, giáo viên không ngại việc mà muốn được phân công làm việc dù không hề có thêm khoản bồi dưỡng nào cả. Quan trọng là tập thể đoàn kết, có trách nhiệm trong công việc, nhiệt tình, hết lòng vì học sinh".
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhớ lại.
Các thầy cô khi ấy vừa quan tâm chăm sóc, giáo dục, giảng dạy học sinh, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, phối hợp với gia đình để vận động học sinh không bỏ học vì cuộc sống khó khăn…
Ngoài giờ chính khóa, giáo viên còn hướng dẫn học sinh lao động sản xuất. Các nhà giáo mượn đất sau vụ mùa chính của nông dân để đào giếng, trồng rau.
Trình độ học sinh lúc ấy tuy không đồng đều, không có nhiều thời gian để đầu tư cho việc học, nhưng đa số rất ngoan, chăm chỉ học tập, biết vâng lời, kính mến thầy cô.
Nhờ vậy, mà một số trường ngoại thành như Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi), THPT Nguyễn Hữu Huân (huyện Thủ Đức), THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) có kết quả giáo dục, giảng dạy, học tập trong nhiều năm học không những không thua kém nhiều đối với những trường top đầu ở nội thành.
Trong ký ức của thầy giáo già, đặc điểm chung của hai nền giáo dục đó là dạy học trò yêu quê hương, yêu Tổ quốc, những đạo đức làm người như lễ phép, kính trọng người lớn, hòa nhã với bạn, ngoan hiền, yêu lao động,…
Đặc biệt, sau Ngày giải phóng, nền giáo dục chú trọng tới rèn người nên có hẳn một phó hiệu trưởng phụ trách lao động.
50 năm gắn bó với chiếc xe đạp
Không nhà cao, cửa rộng, ông giáo thường được mệnh danh là thầy giáo "hiền nhất quả đất" có cuộc sống giản dị cả trước và sau khi về hưu.
Trong căn nhà do hai vợ chồng thầy Ngai chắt chiu mà có, ông lưu giữ kỷ niệm của cả một quá trình dạy học. Gian phòng tiếp khách không quá rộng nhưng chiếc xe đạp từ 50 năm qua được ông lưu giữ và sử dụng đến ngày nay.
Chiếc xe đạp ông dùng để đi họp cách cả vài chục cây số hay len lỏi vào từng ngõ hẻm để vận động học sinh đến trường.
Ông nhớ lại: "Lúc đó, tôi đạp xe từ Hóc Môn về Sở để họp. Con nghỉ học không có người trông nên phải chở theo. Lúc đi qua phố Nguyễn Huệ, con thấy nhiều đồ chơi đẹp nên mê mẩn. Tôi nói mua cho một cái nhưng con từ chối. Đến giờ ăn trưa, con cũng bảo nhất quyết không ăn. Nó hiểu ba mẹ còn khó khăn".
Hai vợ chồng đều làm nhà giáo, cuộc sống cũng thiếu ra thụt vào nên hai người con trai của ông hiểu được hoàn cảnh gia đình và chưa đòi hỏi ba mẹ một điều gì dù nhỏ nhất. Cả hai anh em đi xe đạp xe tới trường cho tới lúc tốt nghiệp đại học.
Điều đặc biệt là dù làm tới chức Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhưng hai người con của ông đều học trong nước và chọn trường học ở gần nhà.
Thời làm Phó Giám đốc Sở, ông Ngai nằm trong nhóm xét duyệt chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy.
Lúc này, hai người con là Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Chí Nhân đã tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ông được gợi ý nên cho một trong hai con trai du học ở nước ngoài. Tự xác định kinh tế không quá dư giả nên cả hai anh từ chối suất đi học thạc sĩ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dù nó đã "nằm trong tầm tay".
Nhiều người bày tỏ tiếc nuối nhưng gia đình ông Ngai cảm thấy rất nhẹ nhàng bởi nếu có điều kiện đi học nước ngoài để tiếp thu kiến thức cũng tốt nhưng ở trong nước thì cần cố gắng hơn thôi.
Nhìn lại chặng đường làm giáo dục hơn 50 năm đã qua, người thầy giáo già vẫn tâm niệm rằng người làm giáo dục phải không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt để "thầy ra thầy", từ đó đào tạo "trò ra trò".
"Kể lại câu chuyện cũ ở thời điểm đất nước vừa thống nhất để thấy rằng, có một thời chúng ta đã cực kỳ khó khăn, gian khổ nhưng vẫn vượt qua một cách ngoạn mục, vẻ vang.
Đối với thời điểm hiện tại, TPHCM đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh. Các thế hệ học sinh của thành phố cũng rất chất lượng, có tình yêu, trách nhiệm và đóng góp sức lực để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh", nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai chia sẻ.
Nội dung: Huyên Nguyễn
30/04/2023