Dòng chữ khắc trong hình con dấu được tìm thấy ở ngôi mộ tập thể 73 liệt sỹ
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:47, 30/04/2023
Bảo tàng Quân khu 4 hiện đang bảo quản, lưu giữ, trưng bày hàng nghìn lá thư trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh các di vật phản ánh cuộc sống, chiến đấu của các liệt sỹ, những lá thư cũng hé lộ đời sống tinh thần và những "góc riêng" của người lính ở chiến trường cũng như người thân chiến sỹ ở hậu phương.
136 lá thư của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu (đoàn vận tải quân y chiến lược) do bà Hoàng Thị Síu (quê Hưng Yên) tặng Bảo tàng được trưng bày một khu riêng. Vợ chồng liệt sỹ Mậu và bà Síu quy ước cứ 16 ngày phải viết thư cho nhau một lần. Mỗi phong bì người lính vận tải gửi về đều là có một địa chỉ hòm thư riêng, trên cung đường Trường Sơn huyền thoại nơi anh đi qua.
Vì nhiệm vụ, có những lá thư viết nhưng không kịp gửi đi nhưng người lính vẫn viết thư theo hẹn ước với vợ trước lúc lên đường. "Theo đúng kỳ hạn anh cứ viết, để đây, khi có dịp anh sẽ gửi cho em một thể nhé. Với thư em có lẽ cũng xếp đống để đấy chứ anh cũng chẳng nhận được hàng tháng như trước đây nữa đâu. Khó khăn vất vả, lắm điều cay đắng mặn nồng cũng vì đế quốc Mỹ thôi em nhỉ. Chúng ta rất căm thù và cùng nhau thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", người lính Nguyễn Anh Mậu viết trong lá thư đề ngày 18/7.
136 lá thư được viết trong quãng thời gian từ năm 1963 đến năm 1968. Những dòng chữ trên từng trang giấy mỏng được viết vội trên đường ra trận luôn nồng nàn thương nhớ. Họ kể cho nhau nghe mỗi bước đường hành quân, những hiểm nguy có thể gặp nhưng không vì thế mà bi lụy, bởi "chúng ta đang làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước" - một nhiệm vụ lớn lao và rất đỗi vinh quang. Bởi vậy "từ thư này trở đi không phải kể hẹn nữa, mà phải luôn trao đổi với nhau về sự sống, sống như thế nào và sẽ ra sao?".
Lời hẹn ước "bao giờ anh về mình tân hôn", "nhất định mình sẽ có con" của người lính Nguyễn Anh Mậu mãi mãi không trở thành hiện thực. Anh ngã xuống trên con đường vận tải Trường Sơn huyền thoại...
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành - cán bộ tuyên truyền, Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, những lá thư từ tiền tuyến gửi về hay từ hậu phương gửi đi có ý nghĩa hết sức to lớn và là hình thức liên lạc hữu hiệu nhất. Những lá thư vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và là vật chứng lịch sử. Mỗi lá thư là di sản văn hóa vô giá, nó thể hiện tư tưởng, suy nghĩ, lối sống, tình cảm của một thế hệ thanh niên.
Nếu như những lá thư ở chiến trường gửi về giúp cho những người ở hậu phương thêm vững niềm tin, có thêm động lực, vượt qua mọi gian khó, thử thách mà ở nghịch cảnh đời thường họ phải chịu đựng thì ở chiều ngược lại, những lá thư từ hậu phương gửi ra giúp thỏa mãn niềm mong mỏi lớn nhất của người lính là nắm được thông tin của gia đình, của người thân. Những lá thư đó dù có thể chậm, có thể ít nhưng đó là nguồn động viên tinh thần to lớn nhất cho bộ đội ở chiến trường.
Những lá thư được đọc đi, đọc lại nhiều lần trở thành tài sản tinh thần vô giá đối với người lính, tạo nên nguồn sức mạnh lớn lao để họ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
"Từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, quân đội đã tổ chức các cuộc viết thư tập thể gửi về cho hậu phương và có những lần hậu phương viết thư tập thể gửi ra tiền tuyến. Mỗi lá thư, dù người viết là ai, luôn thấm đẫm niềm tin về thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc", Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành cho hay.
Trong ảnh là những lá thư gửi Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa bắn rơi máy bay phản lực A4 ngày 16/6/1967, đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc; thư của sinh viên Đàm Văn Thảo - Trường Đại học sư phạm Việt Bắc gửi đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.000 của giặc Mỹ.
Trong ảnh là lá thư vượt 1 vạn 6 nghìn cây số của anh Lê Minh Sơn (thời điểm đó đang học tập tại Liên Xô) gửi về quê nhà nhân trung đội dân quân của địa phương vừa giành được thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
"Từ nước bạn xa xôi chúng tôi luôn luôn hướng về Tổ Quốc. Ngày đêm chúng tôi luôn theo dõi tin tức chiến thắng của Tổ quốc, tin chiến thắng của các bạn. Mỗi một thắng lợi của các đồng chí, của Tổ quốc dù là nhỏ cũng là một yếu tố lớn để làm cho chúng tôi suy nghĩ và hành động trong học tập, làm thế nào xứng đáng với nhiệm vụ của Đảng giao cho lứa tuổi trẻ chúng ta lúc này", lá thư của anh Lê Minh Sơn viết.
Trong lá thư gửi bố mẹ và hai em, người lính Đặng Trọng Hoạt động viên bố mẹ yên tâm sản xuất, động viên hai em phấn đấu trong học tập. Anh không kể nhiều về gian khó, hiểm nguy mình phải trải qua mà hứa hẹn đầy tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc: "Sau ngày thống nhất trở về thăm quê, con sẽ kể rõ thành tích rực rỡ mà con đã đạt được".
Cũng như bao lớp thanh niên tòng quân ra tiền tuyến, người lính Đặng Trọng Hoạt rèn luyện, thử thách bản thân và trưởng thành hơn trong từng trận chiến đấu. Anh viết: "Cái gì cũng vậy, có quyết tâm ắt sẽ làm nên. Hàng ngàn thanh niên khác đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, bây giờ con lại nối tiếp bước đó. Trưởng thành hay không là thử thách trong chiến đấu thôi cha mẹ ạ".
Lá thư của người lính Phạm Thế Tường gửi người anh tên Lập chứa đựng những tình cảm sâu kín của người em phải xa quê hương, xa gia đình, xa anh chị và các em thân yêu khi bước chân vào cuộc chiến đấu "cho Bắc Nam sớm thống nhất".
"Không biết khi nào anh em ta lại được đầm ấm chung sống như lúc anh em ta gặp nhau. Em rất khát khao muốn trở lại cùng gia đình anh như trước", anh lính Phạm Thế Tường viết trong thư. Thế nhưng ước mơ bình dị ấy của người lính đã không thể trở thành hiện thực. Anh đã ngã xuống, như bao thanh niên khác trên chặng đường đầy hiểm nguy mà vinh quang. Ngay trên đầu lá thư, người anh tên Lập đã viết thêm dòng chữ "Tạm biệt em 10h ngày 22/11/1971. Vĩnh biệt em 10/9/1972. Ôi! Anh đau lòng và thương em vô hạn! Em hãy yên nghỉ vì sự nghiệp cao cả...".
Lá thư hay tấm bưu thiếp với dòng chữ nắn nót: "Em sẽ đợi anh về - Xuân Mậu Thân 1968" cùng dòng chữ khắc trong hình con dấu chữ nhật: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" được tìm thấy trong phần mộ tập thể 73 liệt sỹ ở Nôm Pha Nai (huyện Thu Lê Khôm, Bulikhamxay, Lào).
Người con gái đã gửi lời hẹn ước này là ai? "Điểm nghẽn" này được khơi thông biết đâu sẽ giúp làm sáng tỏ thông tin của người lính, từ đó sẽ giải mã được đơn vị chiến đấu và xác định được danh tính của 73 liệt sỹ trong ngôi mộ tập thể.
Hàng nghìn lá thư được Bảo tàng Quân khu 4 sưu tầm, lưu giữ, trưng bày phản ánh một cách sinh động, chân thật nhất lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ và cả tình yêu nồng nàn, sâu lắng hay cháy bỏng của người lính ở chiến trường, của người mẹ, người vợ hay người yêu nơi quê nhà. Những hiện vật đặc biệt này có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước đối với các thế hệ người dân Việt Nam.