Phương Tây đã ‘giao trứng cho ác’ ở Sudan?
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 07:55, 29/04/2023
Bạo lực bùng nổ ở Sudan khi hai vị tướng quyền lực nhất của nước này quyết đấu “một mất một còn”. Chiến sự chuyển biến nhanh chóng mặt và gây khiếp đảm.
Tuy nhiên, theo CNN, những thông tin thu thập được cho thấy cuộc đụng độ đã được “nuôi dưỡng” từ lâu - đỉnh điểm là việc cộng đồng quốc tế dành nhiều năm để hợp pháp hóa hai đối thủ quân sự với tư cách là các chủ thể chính trị, giao cho họ thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ bất chấp nhiều tín hiệu cho thấy họ không có ý định đó.
Giờ đây, hai tướng lĩnh - vốn khởi đầu binh nghiệp ở những cánh đồng chết của Darfur, khu vực phía tây nơi nổ ra cuộc nổi dậy của các bộ lạc vào đầu những năm 2000 - đang đối đầu quyết liệt và có ý định chia cắt Sudan. Liên minh châu Phi cảnh báo rằng cuộc đụng độ “có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện”, làm xáo trộn sự ổn định trong khu vực rộng lớn hơn.
Niềm tin đặt sai chỗ
Tướng Abdel Fattah al-Burhan - người đứng đầu quân đội Sudan - và tướng Mohamed Hamdan Dagalo (thường được biết tới rộng rãi với biệt danh Hemedti) - người đứng đầu nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) - đã chia sẻ quyền lực lãnh đạo Sudan kể từ khi đảo chính lật đổ lực lượng dân sự khỏi chính phủ lâm thời của nước này vào năm 2021. Liên minh đó - được hình thành dựa trên sự xem nhẹ mong muốn dân chủ của người dân Sudan - đã sụp đổ và những gì đang diễn ra giống như một cuộc chiến sinh tử.
Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu quân đội Sudan, vẫy tay chào những người ủng hộ khi ông đến tham dự một cuộc vận động do quân đội hậu thuẫn, ở quận Omdurman, phía tây Khartoum, Sudan, ngày 29/6/2019. Ảnh: AP. |
Trong những tuần trước khi xung đột nổ ra, hai vị tướng đã tán thành một thỏa thuận nhằm xoa dịu những tranh chấp còn tồn tại - phần lớn là cải cách lĩnh vực an ninh và sáp nhập RSF vào quân đội - và đưa đất nước hướng tới một chính quyền dân sự được chờ đợi từ lâu.
Họ đã gặp gỡ các nhà trung gian nước ngoài và cam kết chuyển giao quyền lực.
Trong khi đó, tại thủ đô Khartoum, người ta nhìn thấy xe chở quân và xe tăng lăn bánh trên đường phố khi cả hai bên cùng củng cố và tăng cường lực lượng.
Ông Cameron Hudson, cựu chuyên gia phân tích của CIA, hiện là chuyên gia về châu Phi tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Thực tế là các lực lượng này đã sẵn sàng xung trận nên diễn biến nhanh chóng như hiện này không có gì bất ngờ". Ông nói thêm rằng các cường quốc nước ngoài tham gia vào các cuộc đàm phán - Mỹ và Anh, cũng như Liên Hợp Quốc, và các chính phủ châu Phi và Ả Rập - đã tính toán sai lầm nghiêm trọng khi tin rằng cả hai vị tướng đều sẵn sàng tham gia vào một thỏa thuận.
“Những người theo dõi diễn biến này từ bên ngoài như chúng tôi và chắc chắn rằng những ai từng có kinh nghiệm đối phó hay đàm phán với Lực lượng Vũ trang Sudan hoặc RSF đều biết rằng những nhân vật này từ lâu đã hay nói một đằng làm một nẻo”, ông Hudson nhận định. Vị chuyên gia này từng là chánh văn phòng của các đặc phái viên Mỹ tại Sudan trong thời kỳ Nam Sudan ly khai và nạn diệt chủng Darfur.
Hai vị tướng tuyên bố rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài nắm lấy vũ khí chống lại nhau, nã bom đạn vào Khartoum và đọ súng ở các khu dân cư giàu có của trung tâm thành phố.
Người dân chịu trận
Khi cuộc xung đột kéo dài sang tuần thứ hai, lan rộng khắp đất nước, các chính phủ nước ngoài - bao gồm cả những chính phủ đã tham gia vào tiến trình hòa bình đầy rủi ro - đang đưa công dân về nước, trong khi nhiều người dân Sudan vẫn bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình giữa tình cảnh không điện, không nước, không thức ăn và tuyệt vọng tìm cách chạy trốn. Hơn 400 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong cuộc giao tranh.
Máy bay bốc cháy tại Sân bay Quốc tế Khartoum hôm 16/4. Ảnh: Maxar Technologies. |
Trong vòng vài giờ sau khi các cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 15/4, tướng Hemedti đã trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Al Jazeera, thẳng thừng “chĩa mũi dùi” vào vị tướng từng đứng chung chiến tuyến, “dán nhãn” tướng Burhan là “tội phạm” đã “phá hủy Sudan” và đe dọa bắt giữ ông ta.
“Chúng tôi biết ông đang trốn ở đâu và chúng tôi sẽ bắt được ông và giao nộp cho công lý, nếu không ông sẽ chỉ chết như bất kỳ con chó nào khác”, ông Hemedti nói, trước khi tuyên bố rằng RSF đang thực hiện “chủ quyền của nhân dân”.
Tướng Mohamed Hamdan "Hemedti" Dagalo - người đứng đầu RSF. Ảnh: AP. |
Khi được CNN liên hệ qua điện thoại, tướng Burhan nói rằng Hemedti đã "gây binh biến" và nếu bị bắt, ông ta sẽ bị xét xử trước tòa án. “Đây là một âm mưu đảo chính và nổi loạn chống lại nhà nước”, ông nói.
Những phát ngôn trên đã nêu bật lên sự tiến triển trì trệ kể từ năm 2019, khi một cuộc nổi dậy dẫn đến sự lật đổ của nhà lãnh đạo lâu năm của Sudan là Tổng thống Omar al-Bashir.
Bốn năm sau, ông Bashir đã bị thay thế bởi hai nhà lãnh đạo quân sự, những người đã thăng tiến vượt bậc dưới sự cai trị 30 năm của ông, và giờ đây đang quyết đấu một mất một còn để giành giật quyền lực tối thượng.
Hậu quả thảm khốc
“Đó là cuộc chiến giữa hai đối tác từng cùng thực hiện chung một tội ác - [cuộc đảo chính] ngày 25/10/2021, để giành chiến lợi phẩm từ tội ác của họ. Đây là cuộc chiến giữa hai người đều không để tâm tới lợi ích quốc gia”, ông Amgad Fareid, cựu cố vấn của Thủ tướng bị lật đổ Abdalla Hamdok, cho biết trong một bài đăng trên blog gần đây.
Ông nói thêm rằng cộng đồng quốc tế đã tiếp tay cho những gì đang diễn ra ở Sudan, bằng cách tiếp tục thúc đẩy việc thành lập một chính phủ bằng bất cứ giá nào - cho tướng Hemedti và tướng Burhani tính hợp pháp với tư cách là các chủ thể chính trị ngay cả khi họ tìm cách cản trở quá trình này và né tránh những hoạt động cải cách thực chất.
“Giới lãnh đạo quân đội đã không thực tâm khi kêu gọi quá trình cải cách lĩnh vực an ninh, tướng Hemediti cũng vậy… trong các tuyên bố ủng hộ quá trình chuyển đổi dân sự và chuyển đổi dân chủ ở Sudan. Ông Hemedti dùng điều đó nhằm duy trì ảnh hưởng và lực lượng quân sự của mình để sử dụng trong tương lai”, ông Fareid phân tích.
Các nước đang gấp rút sơ tán công dân tại Sudan giữa lúc giao tranh chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt. Trong ảnh là em bé sơ tán khỏi Sudan nhìn qua cửa sổ xe buýt sau khi đến sân bay Soekarno-Hatta ở Tangerang, ngoại ô Jakarta, Indonesia, ngày 28/4. Ảnh: Reuters. |
Từ một tiểu tộc của bộ lạc Mahariya Rizeigat, những người du mục chăn lạc đà ở Darfur, ông Hemedti khởi đầu binh nghiệp với tư cách là chỉ huy của Janjaweed.
Lực lượng dân quân, được gọi là "những con quỷ trên lưng ngựa", được thành lập từ các bộ lạc có đa số người Ả Rập gốc Sudan, với nhiệm vụ chống lại phiến quân Darfuri phi Ả Rập - những người cầm vũ khí chống lại chính phủ Sudan.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các lực lượng này bị cáo buộc gây ra một số hành động tàn ác khủng khiếp nhất ở Darfur, bao gồm tra tấn, giết người phi pháp và hãm hiếp hàng loạt. Cuộc xung đột bắt đầu từ năm 2003 đã khiến hàng triệu người phải chạy trốn và hơn 300.000 người chết.
Trong một cuộc phỏng vấn thường được trích dẫn từ vùng đất cây bụi ở miền Nam Darfur vào năm 2008, ông Hemedti, với chiếc khăn xếp quấn quanh mặt và trang phục quân sự, nói với Nima Elbagir của CNN, khi đó là phóng viên của Kênh 4 tại Anh, rằng Tổng thống Bashir đã đích thân yêu cầu ông dẫn dắt chiến dịch chống lại quân nổi dậy.
Tuy nhiên, ông phủ nhận mọi hành động liên quan đến tấn công vào dân thường và khẳng định rằng ông đã cự tuyệt lệnh của chính phủ để làm điều đó. Không giống như ông Bashir, tướng Hemedti không phải đối mặt với cáo buộc từ Tòa án Hình sự Quốc tế.
Sự tàn bạo trên chiến trường đã giúp ông Hemedti có được sự tin tưởng của Bashir. Nhà lãnh đạo này thường gọi vị tướng của mình là “Hamayti”, nghĩa là “người bảo vệ của tôi”. Trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Janjaweed ở Darfur, ông Bashir đã chính thức hóa đội quân này thành Đơn vị Tình báo Biên giới.
Năm 2013, ông thành lập Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (FSB) bằng sắc lệnh và chỉ định tướng Hemedti lãnh đạo lực lượng này, ngày càng dựa vào nhóm bán quân sự này nhiều hơn.
"Nói một đằng, làm một nẻo"
Khi hàng chục nghìn người biểu tình ủng hộ dân chủ xuống đường ở Khartoum vào đầu năm 2019, Tổng thống Bashir đã sáp nhập lực lượng vũ trang của tướng Burhan và lực lượng bán quân sự của tướng Hemedti để dập tắt cuộc nổi dậy. Nhưng thay vào đó, hai vị tướng này đã nắm bắt cơ hội để hợp lực lật đổ Tổng thống Bashir.
Cựu Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir bị lật đổ năm 2019. Ảnh: AP. |
Chỉ hai tháng sau, khi những người trẻ tuổi tổ chức một cuộc biểu tình ngồi ôn hòa trước trụ sở quân đội kêu gọi chuyển đổi nhanh chóng sang chế độ dân sự, lực lượng của tướng Hemedti đã đàn áp thẳng tay. Trong thảm kịch khiến ít nhất 118 người chết, RSF bị cáo buộc đốt lều, hãm hiếp phụ nữ biểu tình và vứt thi thể xuống sông Nile.
Các nhân chứng cho biết một số người đã hô vang: “Các vị từng hô vang cả đất nước là Darfur. Bây giờ chúng tôi đã mang Darfur đến cho bạn, đến Khartoum”.
Tướng Hemedti phủ nhận có liên quan đến bạo lực và các biện pháp trừng phạt do một số thành viên của Quốc hội Mỹ đề xuất - nhằm vào lợi ích tài chính của ông ta - đã không bao giờ được thông qua. Cuối mùa hè năm đó, Hemedti được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Chuyển tiếp cai trị Sudan với sự hợp tác của giới lãnh đạo dân sự. Tướng Burhan được bổ nhiệm làm người đứng đầu hội đồng này.
Sự táo bạo của hai vị tướng càng nổi rõ hơn nữa vào tháng 10/2021, khi họ tổ chức một cuộc đảo chính, bắt giữ nhà lãnh đạo Hamdok và nội các.
Jeffrey Feltman, đặc phái viên đầu tiên của Mỹ tại vùng Sừng châu Phi vào thời điểm đó, nói rằng một loạt sự kiện xảy ra như một cú sốc. Chỉ năm giờ trước đó, vị đặc phái viên và nhóm của mình mới gặp thủ tướng, cũng như các tướng Hemedti và Burhan, và họ còn nói rằng sẽ đồng ý với kế hoạch đổi mới quan hệ đối tác quân sự-dân sự.
“Hành động của họ chứng tỏ rằng họ không bao giờ có ý định thực sự. Kể từ đó, lịch sử đã lặp đi lặp lại nhiều lần: Ban lãnh đạo SAF và RSF đã đưa ra các cam kết chỉ để sau đó phá vỡ chúng”, ông Feltman cho biết trong một bài viết gần đây trên tờ Washington Post.
Liệu thỏa thuận khung về việc thành lập một chính phủ dân sự hồi đầu tháng 4 có đáng tin cậy hay không - đối với các phong trào phản đối của Sudan hay người dân nước này - là một câu hỏi mở. Nhưng điều rõ ràng là cộng đồng quốc tế đã phạm sai lầm khi tin tưởng rằng hai tướng Burhan và Hemedti quan tâm đến cải cách, ông Feltman chỉ rõ.
“Chúng ta đã tránh nhìn vào những hậu quả chính xác đối với những hành vi không bị trừng phạt lặp đi lặp lại mà có thể buộc phải thay đổi tính toán. Thay vào đó, chúng ta đã tạo điều kiện cho hai lãnh chúa. Chúng ta coi mình là người thực dụng. Nhận thức muộn màng gợi nên suy nghĩ viển vông là một mô tả chính xác hơn”, ông Feltman kết luận.
Bạo lực ở Sudan đang châm ngòi cho sự chỉ trích ở Washington, trong đó Thượng nghị sĩ Jim Risch, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã không buộc quân đội Sudan chịu trách nhiệm về các hành vi lạm dụng.
“Các diễn biến trong vài ngày qua ở Sudan, giống như năm 2019 và 2021, phản ánh một kiểu hành vi rõ ràng khi những kẻ mạnh cố gắng cai trị đất nước bằng bạo lực. Thật không may, cộng đồng quốc tế và các bên trong khu vực một lần nữa lại vỡ mộng vì tin tưởng các tướng lĩnh quân đội Burhan và Hemedti khi họ nói rằng họ sẽ trao quyền lực cho dân thường”, ông Risch nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi chính quyền trừng phạt các tướng lĩnh Sudan.
Trong những năm kể từ cuộc đảo chính ở Sudan, RSF đã phát triển nhanh chóng lên tới hàng chục nghìn người, và cùng với đó là ảnh hưởng của tướng Hemedti mở rộng trong và ngoài nước. Ông ta đã triển khai lực lượng tới chiến đấu ở Yemen với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.
Vị tướng này cũng tích lũy được lượng tài sản cá nhân khổng lồ, nắm giữ các mỏ vàng quan trọng ở Darfur. Như chuyên gia về Sudan Alex de Waal đã nhận xét vào năm 2019, tướng Hemedti đã trở thành gương mặt đại diện cho “thế giới chính trị, bạo lực” của đất nước, xây dựng một lực lượng bán quân sự mạnh hơn quân đội.
“Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến tướng Hemedti cố gắng làm mới bản thân thông qua các chiến dịch quan hệ công chúng, và mạng xã hội. Ông ta có cả một tiến trình đẫm máu… nhưng không có bất kỳ dấu vết của nó trong hồ sơ của mình”, ông Hudson nói, gợi ý rằng Mỹ lẽ ra nên trừng phạt Hemedti và RSF sau cuộc đàn áp bạo lực vào tháng 6/2019.
Vị chuyên gia nói thêm rằng lẽ ra Mỹ cũng nên trừng phạt tướng Burhan sau cuộc đảo chính. Thay vào đó, vị tướng bốn sao và ông Hemedti lại tiếp tục trở thành đối tác của các đảng dân sự của Sudan và nuôi dưỡng hình ảnh bản thân là những tay chơi chính trị có uy tín.
“Có hai cơ hội để đưa những vị tướng này ra khỏi sân khấu chính trị. Chúng ta đều bỏ qua. Đó là hai sai lầm đầu tiên của chúng ta”, ông Hudson nói, giải thích rằng sai lầm thứ ba là đạt được một thỏa thuận khung chính trị vào năm ngoái giúp họ có vị thế tốt.
“Không trừng phạt họ, chúng ta đã hợp pháp hóa họ trên thực tế và biến họ thành những chủ thể chính trị trong khi lẽ ra phải ngăn chặn điều đó”.