Từ khi có hàng xóm mới, vợ chồng tôi thường xuyên lục đục
Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 11:05, 28/04/2023
Hai vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội học rồi cùng nhau ở lại lập nghiệp, xây dựng gia đình.
Chồng tôi là nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên về nội thất, tôi là nhân viên văn phòng. Thu nhập của chúng tôi so với mức sống tại thủ đô chỉ gọi là "tạm đủ sống".
Sau khi cưới, chúng tôi thuê một căn nhà cũ cấp bốn ở gần chỗ tôi làm. Hàng tháng, trừ tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe… thì để dư ra được một ít.
Chồng cho rằng, tôi không biết chi tiêu tiết kiệm. (Ảnh minh họa: Sohu).
Thế nhưng kể từ khi có con, hầu như chúng tôi không tiết kiệm được đồng nào. Nếu có để dư được một ít thì mỗi khi con ốm đau, tiền để dành cũng "bay trong vòng một nốt nhạc".
Nhiều khi chồng vẫn nói với tôi rằng, không hiểu sao người ta giỏi thế, mua được đất, được nhà ở thủ đô. Như vợ chồng tôi, chắc ở trọ đến tuổi hưu thì dắt nhau về quê chứ tiền đâu mà mua nhà thành phố.
Thế mà dạo này anh lại hay tỏ ra khó chịu với tôi, cho rằng tôi chi tiêu hoang phí, không biết tiết kiệm, để dành.
Chuyện bắt đầu từ khi nhà tôi có hàng xóm mới. Trước đây, ngôi nhà bên cạnh là nhà của hai bác cán bộ về hưu.
Hai tháng trước, ông bà rao bán nhà để ra nước ngoài sống cùng con. Ông bà vừa đi mấy ngày, đã thấy chủ nhân mới ngôi nhà chuyển đến.
Ngày đầu về nhà mới, vợ chồng chủ nhà mời láng giềng xung quanh sang chơi, ăn bánh uống trà. Hôm đó, vì con ốm nên tôi không sang, tôi bảo chồng: "Dù sao họ cũng có lời mời, hàng xóm gần gũi, sau này còn qua lại nhiều, anh sang nhà họ chơi một chút".
Chồng tôi đi một tiếng rồi về. Vừa tới nhà, anh ấy đã khen vợ chồng hàng xóm mới gần gũi, thân thiện. Hai vợ chồng làm công nhân mà mua được nhà, giỏi thật.
Tối hôm đó, lúc lên giường đi ngủ, chồng tôi bảo: "Lúc nãy sang nhà hàng xóm, nghe chị hàng xóm kể cách chi tiêu mà anh phải ngưỡng mộ. Hai vợ chồng làm công nhân, tăng ca tăng kíp nữa chắc lương cũng bằng hai vợ chồng mình.
Nhà họ còn có hai đứa con nhỏ. Vậy mà chị ấy bảo mỗi tháng chỉ tiêu hết có 6 triệu đồng cho tất tần tật mọi khoản, còn lại là để dành. Hèn gì họ mua được nhà.
Em xem tính toán lại cách chi tiêu của nhà mình đi. Hai vợ chồng, lương tháng 16-17 triệu đồng với một đứa con mà lương tháng nào hết tháng ấy là như thế nào? Nhà mình mà đẻ thêm đứa nữa có khi đói ăn, đói mặc đấy.
Phụ nữ phải biết chi li tính toán, vun vén từng đồng. Em nên mang gạo sang hàng xóm mà học hỏi đi".
Nghe chồng nói, lúc đầu tôi còn thán phục chị hàng xóm, nhưng anh càng nói càng khiến tôi tức giận: "Anh nghĩ thế nào mà bảo mỗi tháng chỉ tiêu hết 6 triệu đồng? Riêng tiền nhà hàng tháng đã 3 triệu rồi, tiền gửi con đi trẻ 2 triệu, còn tiền điện, nước, điện thoại, xăng xe, tiền ăn uống sinh hoạt hàng ngày...
Ở cái thành phố này, vài cái lá lốt nấu canh cũng phải mua, ra khỏi nhà thể nào cũng phải dùng tiền. Rồi anh em, bạn bè đồng nghiệp có ma chay, ốm đau, hiếu hỉ. Đó là chưa nói mỗi lần con ốm đau đến bác sĩ là tiền triệu.
Ông bà ở quê, sửa cái nhà, lắp cái điều hòa cũng gọi điện. Anh tính xem, nếu không phải chị hàng xóm nói dối thì chắc chắn họ hít bằng không khí mà sống".
Chồng nghe tôi nói hình như im lặng một lúc để nghĩ xem tôi nói đúng hay sai rồi lại bảo: "Đầy nhà thu nhập thấp hơn mình, họ vẫn chi tiêu đủ, con cái vẫn học hành, vẫn sống bình thường đấy thôi. Nói như em, những người thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì không sống nổi à?".
Cả hai cứ nói đi nói lại như thế, cuối cùng chồng tôi quay lưng, úp mặt vào tường ngủ, còn tôi ấm ức suốt đêm.
Sáng hôm sau, tôi bảo chồng rằng, từ nay tôi giao tiền cho anh quản lý. Tiền lương hàng tháng tôi cũng nộp cho anh để anh tính toán chi tiêu trong nhà, may ra còn có tiền để dành, chứ tiền vào tay tôi, tôi không thể tiêu mỗi tháng 6 triệu đồng như chị hàng xóm được.
Anh ấy nhìn tôi rồi gắt lên: "Em cứ đụng chuyện gì là dỗi hờn như con nít. Anh nói là để em nhìn lại, căn ke, tính toán chi tiêu cho hợp lý". Nói rồi anh phóng xe đi làm.
Kể từ đó, hễ thấy tôi mua cái gì là anh lại để ý: "Cơm nguội tối qua còn nhiều, sao em không rang lên mà ăn sáng, bún phở làm gì cho tốn kém", "Chôm chôm 50.000 đồng/kg mà em cũng mua được, bổ béo gì, lãng phí là ở đây chứ đâu", "Em cứ chiều con vớ vẩn, đồ chơi không có thì thôi, quan trọng gì mà phải mua"…
Nói thật, lúc đầu tôi còn cố tranh cãi với chồng, dần dần tôi mặc kệ anh muốn nói gì thì nói. Tình cảm vợ chồng vì thế có chút sứt mẻ.
Nói tại hàng xóm thì hơi quá. Nhưng đúng là từ lúc có hàng xóm mới, vợ chồng chúng tôi thường xuyên lục đục vì chuyện tiêu tiền.
Hôm qua, lúc đi làm về, tôi gặp chị hàng xóm đang quét cổng liền vừa cười vừa bảo chị: "Anh chị giỏi thật đấy, thu nhập không cao mà vẫn dành tiền mua được nhà. Em thật sự khâm phục luôn ấy".
Chị hàng xóm nghe tôi khen liền cười lớn: "Ôi lương anh chị đủ sống và nuôi con ăn học đã là may rồi. Nhà này là do ông bà nội bán đất ở quê cho tiền, ông bà ngoại phụ thêm cho nữa, với anh chị để dành được một ít. Chứ chờ vào mấy đồng lương công nhân thì mua thế nào được nhà em ơi".
Nghe chị nói xong, tôi như trút được gánh nặng trong lòng. Hóa ra đâu phải tôi chi tiêu hoang phí, không biết tính toán tiết kiệm đâu. Chồng tôi sang chơi nghe thế nào, chỉ biết người ta có tiền mua nhà, nhưng tiền ở đâu ra thì anh ấy lại không biết.
Theo Dân trí