'Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân'

Nhịp sống - Ngày đăng : 10:25, 27/04/2023

Dẫn lời Chủ tịch Quốc hội về việc Quốc hội không ngồi chờ mà chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh tiêu chí hoạt động xuyên suốt của Quốc hội là hành động, phục vụ, vì dân.

Với tinh thần chủ động đổi mới, vào cuộc từ sớm - từ xa, việc xây dựng luật và ban hành các quyết sách quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Quốc hội khóa XV thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết. Ngay khi vừa được bầu và thực hiện nghi thức tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về một Quốc hội đổi mới, luôn chủ động từ sớm, từ xa, chấm dứt tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người".

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 1

"Cấp bách", "bất thường", "chưa có tiền lệ"… là những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chính những yếu tố nhiều biến động đó đã tác động trực tiếp đến phương thức hoạt động, song cũng thúc đẩy mạnh mẽ sự đổi mới, chủ động của Quốc hội", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Dân trí.

Nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã qua đi, và theo ông Cường, Quốc hội đã có nhiều dấu ấn đổi mới đáng ghi nhận.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 3

Quốc hội khóa XV bắt đầu trong một bối cảnh lịch sử đầy khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Những thách thức từ thực tế đặt ra nhu cầu cấp thiết phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội. Đi qua nửa nhiệm kỳ, ông nhìn nhận những đổi mới này đã được thực hiện thế nào?

- Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, có những sự kiện chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các quốc gia, như đại dịch Covid-19, đặt ra nhiều áp lực và thách thức cho đất nước nói chung và Quốc hội nói riêng.

Với trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, không ngừng cải tiến cách thức làm việc, quyết liệt hành động, cùng với Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Có thể nói, năm 2021 và 2022, các từ khóa "bất thường", "đột xuất", "chưa có tiền lệ" được nhắc đến với tần suất khá thường xuyên.

Trong bối cảnh đặc biệt, Quốc hội có nhiều sáng kiến, đổi mới hoạt động lập pháp; điển hình là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 tại kỳ họp thứ nhất với những cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù để kịp thời ứng phó và tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành một số nghị quyết tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, các ngành y tế, lao động thực hiện kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch.

Lần đầu tiên, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo trình Bộ Chính trị thông qua Đề án và ban hành Kết luận số 19 về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả khóa, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 để triển khai. Đây là các căn cứ quan trọng để xác định chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian tập trung xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng và có kết luận cụ thể về từng dự luật, pháp lệnh, nghị quyết để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý; tổ chức các phiên họp bất thường, kể cả ngoài giờ hành chính. Từ tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật để tập trung xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 5

Trong công tác giám sát, Đảng đoàn Quốc hội đã xem xét, thông qua Đề án và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức với sự tham gia của 63 HĐND và 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác giám sát không chỉ tập trung vào khâu thực thi pháp luật, mà còn tập trung cả vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đẩy mạnh việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Nghị quyết 560 ngày 22/7/2022 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc giám sát...

Bên cạnh đó, các cơ quan tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri; định kỳ xem xét báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng, chỉ đạo giao cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát, xác minh, đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền đối với những vụ việc phức tạp; triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nghiêm túc, đúng quy định.

Với đặc thù làm việc tập thể, quyết định theo đa số, nên khi dịch Covid-19 xảy ra đã tác động trực tiếp đến phương thức hoạt động của Quốc hội.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã triển khai nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả như: Linh hoạt tổ chức các kỳ họp theo hình thức trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp; tổ chức các kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, kịp thời quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra...

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 7

Đặc biệt, kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội đã đem lại bài học quý để đưa các kỳ họp bất thường trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội.

Đến nay, Quốc hội đã tổ chức thành công 4 kỳ họp bất thường, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra ngay sau Tết Dương lịch 2023 và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Thành công của các kỳ họp bất thường khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị, sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Trong việc tổ chức kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tuyển chọn 40 chuyên viên của Văn phòng Quốc hội có trình độ để thực hiện nhiệm vụ thư ký ghi biên bản thảo luận tại tổ.

Đội ngũ này hoạt động liên tục, nhiều hôm làm việc xuyên đêm để kịp thời tổng hợp các ý kiến thảo luận, gửi đại biểu Quốc hội, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra. Trên cơ sở đó, ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ.

Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại hội trường chỉ tập trung vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, qua đó góp phần rút ngắn thời gian họp của Quốc hội.

"Chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa"; "Không bắc nước sôi chờ gạo người" là những quan điểm nhiều lần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Theo ông, thông điệp này có ý nghĩa gì và đã được hiện thực hóa ra sao qua nửa chặng đường Quốc hội khóa XV đã đi qua?

- "Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân" không chỉ là tiêu chí hoạt động xuyên suốt, mà còn là mục tiêu trong từng hoạt động của Quốc hội. Với quan điểm như vậy, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội trong suốt thời gian qua luôn chỉ đạo sát sao, theo dõi thường xuyên và đôn đốc, bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần từ sớm, từ xa, lắng nghe lẫn nhau, không câu nệ thủ tục, không quản thời gian để có được các dự án với chất lượng tốt nhất.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội nhiều lần truyền đi thông điệp về tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ ngay từ khi lập đề nghị đưa vào chương trình cũng như trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Điển hình như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nghiên cứu, làm việc với các bên liên quan sớm hơn một năm trước khi đem ra bàn thảo lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4.

Tinh thần từ sớm, từ xa, đồng hành, bám sát thực tiễn cuộc sống cũng được thể hiện rõ trong hoạt động giám sát. Nổi bật như chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" đã được tiến hành sớm để nhận diện những nút thắt, điểm nghẽn, bất cập trong quy định đến tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch.

Kết quả giám sát cho thấy chỉ có 7/111 quy hoạch được quyết định, phê duyệt; tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội, trong đó có tới 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo…

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 9

Quốc hội chủ động lựa chọn một số chuyên đề giám sát ngay từ đầu kỳ, giữa nhiệm kỳ để song hành với quá trình điều hành, kịp thời tháo gỡ bất cập, vướng mắc để triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 2023, Quốc hội giám sát tối cao với 2 chuyên đề là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành giám sát 2 chuyên đề liên quan đến đổi mới chương trình sách giáo khoa và việc phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Có thể khẳng định, khối lượng công việc đặt ra cho nhiệm kỳ khóa XV là rất lớn, vì vậy, phải tiếp cận từ sớm, từ xa, chủ động vào cuộc ngay từ đầu - đúng như quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, mới có thể đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 11

Giám sát là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Trong các kỳ họp Quốc hội hay phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu giám sát rất chặt chẽ vấn đề họ thay mặt cử tri theo đuổi. Đơn cử như các ĐBQH đoàn Quảng Trị đã trên dưới 10 lần chất vấn Chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao về vụ án gỗ trắc. Ông đánh giá thế nào về chất lượng của hoạt động giám sát vừa qua?

- Dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa XIV về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 đã thẳng thắn chỉ rõ hoạt động giám sát vẫn còn là khâu yếu.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh Quốc hội phải "tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận".

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát; xác định đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách giám sát. Nếu năm 2021, đổi mới hoạt động giám sát mới chủ yếu tập trung vào cách thức tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn thì trong năm 2022, Quốc hội đã tiến thêm những bước rất căn cơ trong việc hoàn thiện thể chế giám sát và cách thức tổ chức thực hiện giám sát.

Cụ thể, trên cơ sở các đề cương, kế hoạch của từng chuyên đề đã được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều vòng, tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc để thống nhất cách làm, các Đoàn giám sát đã triển khai bài bản, đổi mới thực chất trong từng phần việc, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tạo chuyển biến hết sức quan trọng về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 13

Điển hình như chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có quy mô, phạm vi, lĩnh vực rất rộng, rất phức tạp. Đoàn giám sát chỉ tập trung vào lĩnh vực công và một số lĩnh vực trọng điểm về quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, nhưng số liệu, dữ liệu đã rất nhiều.

Trước khi Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan, đơn vị thì đã có Tổ công tác làm việc chuyên sâu với các cơ quan này nhằm thu thập thông tin, củng cố số liệu, thực trạng nội dung giám sát, đây là điểm mới mà trước đây không có. Qua giám sát đã chỉ ra nhiều điều cần quan tâm giải quyết để công tác này đạt hiệu quả tốt hơn thời gian tới.

Nhiều lãnh đạo địa phương đã chia sẻ với tôi rằng khi Quốc hội giám sát chuyên đề này, họ mới nhận thấy đúng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề rất lớn, từ đó chuyển biến về nhận thức để quản lý, sử dụng các nguồn lực của địa phương hiệu quả hơn.

Thậm chí có những địa phương ngay trong quá trình giám sát của Quốc hội đã tiến hành thu hồi các dự án treo gây lãng phí nguồn lực đất đai, kể cả xem xét lại các quyết định chủ trương đầu tư chưa trúng...

Hay như sau khi giám sát về công tác quy hoạch, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch.

Chính phủ sau đó cũng tập trung đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch để sớm đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật liên quan đến quy hoạch vào thời gian phù hợp. Điều này cho thấy chuyển biến sau giám sát của Quốc hội rất rõ nét.

Một hình thức khác của giám sát là chất vấn cũng được nhiều cử tri ghi nhận có đổi mới, nâng cao về chất lượng. Ngoài chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, hoạt động này thường xuyên được tổ chức ở các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai kỳ họp. Đi kèm với đó là việc ban hành nghị quyết chất vấn để ràng buộc trách nhiệm, nêu rõ thời hạn xử lý cho các bộ, ngành của Chính phủ để không còn tình trạng mọi chuyện bị lãng quên sau chất vấn. Đổi mới này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Chất vấn và trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV tiếp tục có những đổi mới quan trọng. Trong bối cảnh đại dịch, Quốc hội đã rất linh hoạt khi đổi mới kết hợp chất vấn trực tiếp với chất vấn trực tuyến; chọn những vấn đề thời sự, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, nhất là vấn đề phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.

Việc chuẩn bị sớm các nội dung chất vấn để đại biểu Quốc hội, các bộ ngành nghiên cứu, xem xét nghiên cứu kỹ, đảm bảo chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sâu hơn, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

Ngoài ra, việc chọn vấn đề chất vấn hiện nay cũng khác với thông lệ khi nhóm nội dung chất vấn được chuẩn bị sớm hơn. Ngay từ khi gửi thông báo triệu tập kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề nội dung chất vấn, người trả lời chất vấn. Trong quá trình xin ý kiến, nếu có vấn đề "nóng" phát sinh, nội dung xin ý kiến chất vấn vẫn có thể thay đổi.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 15

Đổi mới nổi bật nữa là việc ban hành nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn đã có định lượng cụ thể, thời gian cụ thể, công việc cụ thể để yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành, tổ chức thực hiện sau chất vấn, làm căn cứ cho các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát.

Việc ban hành nghị quyết chất vấn, nhất là lần đầu tiên đã có nghị quyết chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giám sát các bộ trưởng thực hiện lợi hứa của mình, đề cao trách nhiệm của các thành viên Chính phủ sau phiên đăng đàn.

Những kinh nghiệm rút ra từ các phiên chất vấn sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới trong hoạt động chất vấn nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 17

Quốc hội chủ động, đồng hành cùng Chính phủ là một dấu ấn khá rõ nét khi nửa nhiệm kỳ khóa XV đã qua đi. Cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hai bên được thực hiện như thế nào trong công tác triển khai các nhiệm vụ lập pháp, hay quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thưa ông?

- Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội quán triệt tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa trong mọi công tác; luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật; hoạt động giám sát; tích cực, kịp thời tháo gỡ những nút thắt về thể chế, chính sách.

Chính phủ cũng có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ trong những năm đầu nhiệm kỳ đã đem lại nhiều kết quả khả quan, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước.

Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ chủ động lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong khi đó, các cơ quan của Quốc hội được giao chủ trì thẩm tra dự án luật, nghị quyết cũng chủ động nghiên cứu, tham gia cùng cơ quan soạn thảo ngay từ đầu, thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ soạn thảo, trình dự án, thông báo kế hoạch, tiến độ thẩm tra, chỉnh lý đối với cơ quan của Chính phủ chủ trì soạn thảo.

Quốc hội chú trọng tổ chức khảo sát thực tiễn, hội thảo, tọa đàm để tham khảo, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu tác động… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo.

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 19

Việc phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ không chỉ với các nội dung trong kế hoạch, mà ngay cả với những vấn đề phát sinh cần chủ động đề xuất để phối hợp giải quyết.

Trong bối cảnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bắt đầu khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, việc triển khai phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội được Quốc hội cùng Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ để kịp thời ban hành Nghị quyết số 30 cho phép một số cơ chế đặc biệt, đặc thù để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành các nghị quyết liên quan; thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 30 để tăng cường phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện nghị quyết…

Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 21
Quốc hội hành động, Quốc hội phục vụ, Quốc hội vì dân - 23

Nội dung:Hoài Thu
Thiết kế:Tuấn Huy

27/04/2023