Thuyết phục người dân vùng lõi sân bay Long Thành đến ngày cuối cùng
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:20, 27/04/2023
Trong khi kỳ vọng của các bộ, ngành Trung ương, lẫn người dân sinh sống, làm việc tại Đồng Nai đang đổ dồn vào tiến độ xây dựng sân bay Long Thành để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và toàn vùng, tiến độ bàn giao đủ mặt bằng cho chủ đầu tư của chính quyền nơi đây lại "vỡ kế hoạch" sau hơn 2 năm khởi công.
Giữa đại công trường, vài hộ dân ở vùng lõi dự án vẫn bám trụ trong những ngôi nhà có nóc ngang mặt đất. Cách đó vài chục mét, nhiều trường hợp cũng từ chối nhận đất, bàn giao mặt bằng do chưa đồng thuận với phương án bồi thường.
Những hộ chưa di dời
Tính đến tháng 4, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) đã bàn giao cho chủ đầu tư 97% diện tích trong hơn 2.500 ha quỹ đất thi công giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Trong khi trước đó, Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Nai phải hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 cho chủ đầu tư trong tháng 3.
“Gia đình tôi chỉ mong chính quyền giải quyết đúng 300 m2 đất thổ cư là đi ngay, chúng tôi không đòi hỏi gì hơn”, bà Hoàng Thị Thúy (47 tuổi) khẳng định khi được hỏi về lý do chưa rời khỏi vùng lõi dự án.
Men theo con đường nhựa lồi lõm vào ấp Suối Trầu 1 (cũ), căn nhà bà Hoàng Thị Thúy chỉ cách mặt bằng đang thi công của đại công trường vài trăm bước chân. Trong bối cảnh dự án sân bay Long Thành bước vào giai đoạn gấp rút để kết thúc san lấp nền, khoảng cách từ đống cát đang cào xới đến căn nhà bà Thúy mỗi lúc càng "sát vách". Người phụ nữ này là một trong số 7 hộ dân chưa di dời do chưa đồng tình với phương án đền bù, tái định cư.
Bà Hoàng Thị Thúy, một trong những hộ dân còn sinh sống tại vùng lõi dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Chí Hùng. |
Như hầu hết người dân ấp Suối Trầu, bà Thúy theo chân gia đình chuyển đến sinh sống, phát hoang rẫy theo chính sách xây dựng vùng kinh tế mới của Chính phủ năm 1976.
Sau 46 năm sở hữu 1,6 mẫu đất nông nghiệp, 300 m2 đất thổ cư, gia đình bà Thúy sinh sống chủ yếu bằng canh tác, thu hoạch điều, cà phê. Song, bà Thúy cho biết từ khi có quyết định thu hồi đất, cuộc sống của cả gia đình bà đảo lộn hoàn toàn vì ban bồi thường kiểm đếm của địa phương chỉ giải quyết nhiều nhất cho bà 250/300 m2 đất thổ cư với lý do “sai vị trí”.
Trải qua 2 lần làm việc với ban vận động bồi thường giải phóng mặt bằng xã Bình Sơn, gia đình bà Thúy cũng không đi đến thỏa thuận nào. “Ban đầu, ban bồi thường thương thảo sẽ bồi thường cho tôi 125 m2 đất thổ cư, tôi không đồng ý; sau đó, xã tiếp tục nâng lên lần 2 là 250 m2, tôi cũng không đồng ý”, bà Thúy lý giải và cho rằng chỉ đồng thuận khi được giải quyết đúng 300 m2 đất.
Đi sâu hơn vào phần đất đã san lấp làm đường công vụ của sân bay trong tương lai, căn nhà có mái tôn của bà Đỗ Thị Yến dần lộ ra dưới đống cát khổng lồ. Căn nhà cấp 4 của bà Yến nằm kẹp giữa, chung vách với hai căn nhà của em trai và con gái.
Tuy nhiên, lý do khiến bà Yến còn cố thủ lại căn nhà dưới lòng đất là con gái và em trai của bà đã bốc đất tái định cư, còn bà vẫn chưa. Người phụ nữ này cho biết hàng ngày vẫn đi vào xã Bình Sơn để làm thuê kiếm sống, chiều về, bà quay lại ngôi nhà lọt thỏm giữa đại công trường để ngủ qua đêm.
Căn nhà cấp 4 của bà Đỗ Thị Yến giữa đại công trường. Ảnh: Chí Hùng. |
Mặt trời khuất bóng, vùng lõi công trường sân bay Long Thành bao trùm một màu đen mịt. Cách nhà bà Yến hơn 50 bước chân, ánh đèn pin le lói, chập chờn lóe lên từ một căn nhà lọt thỏm khác.
Giữa gian nhà trơ khung, đặc quánh bụi, ông Ngô Quang Hạnh (63 tuổi) khẳng định chưa có ý nghĩ bỏ cuộc sau 2 năm bám lại vùng dự án. Người đàn ông cho biết ông và con trai lớn đã nhận gần 200 triệu đồng tiền bồi thường và bốc suất đất ở khu tái định cư. Song, ông Hạnh vẫn chưa đồng thuận giao nhà vì muốn được giải quyết thêm suất đất phụ cho cô con gái 27 tuổi, chưa kết hôn.
“Huyện có vận động tôi dỡ nhà đi, nhưng quyền lợi con tôi chưa được giải quyết”, ông Hạnh nói.
Thuyết phục
Hơn 2 năm từ khi giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành được khởi công, hàng nghìn nhân khẩu từ vùng giải tỏa trắng của toàn xã Suối Trầu chuyển đến khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đối mặt với khó khăn trong tìm công việc, phải chi tiêu "thắt lưng buộc bụng".
Mặt khác, quá trình thi công gấp rút dự án cũng phát sinh vấn đề ô nhiễm bụi bặm gây đảo lộn cuộc sống người dân tại hàng loạt xã, huyện ở Long Thành thời gian dài vừa qua.
Song, nếu sân bay Long Thành hoàn thiện càng sớm, đây sẽ là động lực quan trọng kéo sự phát triển xung quanh. Các trăn trở khác của người dân về việc làm, sinh kế lẫn cải thiện chất lượng môi trường sống cũng sớm được giải quyết. Tuy nhiên, nếu 3% mặt bằng còn lại tiếp tục chậm trễ bàn giao, tiến độ thi công cả đại dự án cũng khó tránh bị ảnh hưởng.
Dự án sân bay Long Thành đang trong giai đoạn thi công san lấp nền. Ảnh: Chí Hùng. |
Từ mối quan hệ tác động này, vấn đề bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án sân bay Long Thành về đích "đúng hẹn" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Đồng Nai quyết liệt vạch ra.
Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), cho biết địa phương đã bàn giao 97% mặt bằng giai đoạn 1 dự án cho chủ đầu tư ACV, bên cạnh đó là củng cố hồ sơ, kêu gọi một số hộ còn lại vẫn chưa đồng thuận di dời.
Lãnh đạo địa phương khẳng định sẽ tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công, đồng thời củng cố hồ sơ bồi thường.
"Quan điểm của chúng tôi sẽ tập trung vận động, lý giải cho người dân hiểu thấu quy định pháp luật, khung chính sách đền bù của Nhà nước. Thời gian bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đã sắp hết, việc giao mặt bằng đúng hẹn để đảm bảo tiến độ thi công là rất cần thiết. Do đó, đối với các trường hợp cố tình cản trở, chúng tôi sẽ có kế hoạch cưỡng chế", ông Tiếp cho biết.
Ông Ngô Quang Hạnh trở về căn nhà của mình. Ảnh: Chí Hùng. |
Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định xã và huyện đã phối hợp vận động người dân nhiều lần. Tuy nhiên, một số trường hợp có đòi hỏi không chính đáng.
Theo phương án tái định cư của dự án đã được duyệt, tất cả người dân phải bốc thăm như nhau. Trường hợp lô nhà vườn diện tích từ 250 m2 trở lên, người dân sẽ có cơ hội bốc thăm được lô góc có diện tích lớn hơn, song cũng có người bốc thăm vào vị trí 250 m2.
Quan điểm của chúng tôi sẽ tập trung vận động, lý giải cho người dân hiểu thấu quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp
Tuy nhiên, ông lấy ví dụ trường hợp bà Hoàng Thị Thúy đề nghị phải được bốc thăm chỉ định lô đất vườn có diện tích 300 m2. "Điều này không nằm trong khung chính sách", lãnh đạo địa phương nói.
"Sau nhiều lần vận động, và hiện cơ quan chức năng cũng đã gửi thông báo bốc thăm lần thứ 5, người dân vẫn không chấp hành đi bốc thăm. Do đó, các đơn vị đã tổng hợp báo cáo lên cơ quan cấp trên để thực hiện các bước tiếp theo giải phóng mặt bằng theo quy định, không thể để chậm trễ dự án trọng điểm quốc gia", lãnh đạo địa phương nói.
Ông Lê Văn Tiếp cũng cho biết huyện vừa vận động thêm một trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng (1,4 ha) là ông Lê Văn Thành. Riêng các trường hợp còn lại, địa phương cũng tiếp tục thuyết phục đến ngày cuối cùng, nếu người dân vẫn không chấp hành và bảo lưu các đòi hỏi vượt ngoài khung chính sách thì huyện sẽ triển khai kế hoạch cưỡng chế.
Xã Suối Trầu không còn tên trên bản đồ địa giới hành chính của huyện Long Thành, người dân trong diện di dời tái định cư, hoặc sáp nhập với những địa bàn lân cận. Ảnh: Chí Hùng. |
Vấn đề trong khâu giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo rõ trong lần kiểm tra công trường hồi đầu năm nay.
Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Đồng Nai phải tập trung xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; hết quý I/2023 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 phục vụ thi công dự án; đến hết quý II bàn giao mặt bằng xây dựng đường hậu cần, đường dẫn vào sân bay.
“Tinh thần là đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, thực hiện phải có hiệu quả có thể đo đếm được”, Thủ tướng nhắc nhở.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đẩy nhanh tiến độ thiết kế, đấu thầu, thi công dự án. ACV phải lập kế hoạch cụ thể cho từng hạng mục, giám sát cũng như cam kết thời gian thời gian thực hiện rõ ràng.