Vụ 'tố' đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội bị trùng lặp: Kết quả xác minh
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 19:48, 26/04/2023
Một số câu hỏi bị "tố" không có trong đề thi
Liên quan đến thông tin "tố" đề thi đánh giá năng lực lặp lại khoảng 70% gây xôn xao giới học sinh, trao đổi với báo chí chiều 26/4, GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội xác nhận chỉ trùng lắp dưới 0,5%.
Ông Thảo cũng cho hay, qua xác minh cho thấy, điểm chung của những phản ánh và thảo luận về đề thi đều là tài khoản ảo.
Trong đó, một số nhóm luyện thi lập tài khoản ảo để lôi kéo thí sinh, giả làm thí sinh vừa thi đạt 126/150 nhưng thực tế đến thời điểm này Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chưa có thí sinh đạt điểm 126.
Về thông tin tài khoản "tố" một số ngữ liệu tác phẩm văn học được các nhóm luyện thi "cài" người vào dự thi để đưa đề thi ra ngoài ôn luyện như: Câu hỏi "túp lều", "cánh diều"…, ông Thảo khẳng định ĐHQGHN không có những câu hỏi như vậy trong ngân hàng đề thi hiện nay.
Cũng theo ông Thảo, một ngữ liệu tác phẩm văn học nào đó trong đề thi lặp lại không có nghĩa là câu hỏi lặp lại.
Tác phẩm văn học chỉ là ngữ cảnh, chất liệu để xây dựng câu hỏi. Thí sinh có thể gặp lại một tác phẩm văn học nhưng các câu hỏi sẽ là khác nhau.
Theo thông tin "tố" trên mạng xã hội, mức độ câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN lặp lại khoảng 70% nhưng ông Thảo xác nhận, tỷ lệ trùng lắp dưới 0,5% bởi máy tính làm việc khách quan quét từ ngân hàng câu hỏi được rút ra từ ngân hàng dữ liệu đề thi.
"Với số lượng thí sinh dự thi thời gian qua 43.761 thí sinh thì xác suất trùng lặp tuyệt đối câu hỏi là vô cùng thấp.
Trừ các câu hỏi đã bị khóa không sử dụng, các câu hỏi chuẩn hóa đều được phân bố, sử dụng sao cho tỷ lệ lặp lại là thấp nhất có thể trong phạm vi sai số của khoa học đo lường.
Như vậy đảm bảo tính khách quan, khoa học của hoạt động kiểm tra đánh giá độc lập", ông Thảo nói.
Sẽ rút khỏi ngân hàng đề những câu hỏi giống trên 50%
Về thông tin một số thí sinh cố tình tiết lộ đề thi sau đợt thi thì được phép không và hình thức xử lý của nhà trường ra sao? Ông Thảo cho rằng, quy chế thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN quy định rõ thí sinh cố tình tiết lộ một phần dữ liệu câu hỏi thi sau khi kết thúc đợt thi sẽ hủy kết quả thi, thông báo cho các bên liên quan xử lý.
ĐHQGHN đã xác minh được một số trường hợp thí sinh khu vực Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình có hành vi tiết lộ câu hỏi thi đã bị xử lý theo quy chế.
"Một số thí sinh phản ảnh, các nhóm luyện thi cử người đi thi để "nhớ" câu hỏi và luyện thi. Đối với các câu hỏi các nhóm luyện thi đề cập đến, chúng tôi đều kiểm tra xác minh và rút khỏi ngân hàng câu hỏi nếu nội dung tương tự giống trên 50%.
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận một vài câu hỏi lĩnh vực ngôn ngữ, văn chương thí sinh "nhớ" không chính xác có thảo luận trên các diễn đàn cũng đã tạm thời khóa lại", ông Thảo nói.
Cũng theo ông Thảo, ĐHQGHN đã có quy chế phối hợp với Bộ Công an trong đó có hạng mục về bảo vệ an toàn kỳ thi đánh giá năng lực (HAS).
Các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, đơn vị này đều tập hợp thông tin, hồ sơ chuyển cho đơn vị chức năng xử lý thời gian tới.
Được biết đến ngày 26/4/2023, ĐHQGHN nhận được 88.910 lượt đăng ký dự thi năm 2023. Các đợt thi tháng 3 và tháng 4 đã hoàn thành, phục vụ 43.761 thí sinh với tỉ lệ thí sinh dự thi đạt 97,3%. Phổ điểm thi của 4 đợt đầu tiên theo phân bổ chuẩn, điểm trung bình 75,2/150; trung vị là 75,0/150; độ lệch chuẩn 13,7.
So với cùng kỳ năm 2022, điểm trung bình năm 2023 giảm 2,4 điểm. Phổ điểm ổn định theo từng đợt thi, số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên chiếm 4,4%.
Kết quả thống kê các đợt thi đầu tiên cung cấp thông tin quan trọng cho các trường đại học xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp theo lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo.