Điểm tin công nghệ 27/4: Điện thoại giảm sâu hơn 10 triệu đồng dịp lễ 30/4

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 27/04/2023

OpenAI cập nhật 'chế độ ẩn danh' cho ChatGPT; Hàng ngàn hồ sơ Facebook giả mạo đang cố đánh cắp dữ liệu người dùng

- Điện thoại giảm sâu hơn 10 triệu đồng dịp lễ 30/4

Theo ghi nhận nhiều mẫu iPhone đang được các hệ thống điều chỉnh lại mức giá, trong đó đa số đều là những model đang bán chạy, đơn cử như iPhone 14 Pro Max VN/A, iPhone 13 VN/A và iPhone 11 VN/A… với mức giảm đến 10 triệu đồng so với giá niêm yết.

Cụ thể, iPhone 14 Pro 128 GB VN/A chỉ còn 24,99 triệu đồng, giảm thêm gần 500.000 đồng so với tháng trước. Tương tự, iPhone 14 Pro Max 128 GB VN/A cũng chỉ còn 26,79 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng. Các phiên bản dung lượng 256 GB và 512 GB của iPhone 14 Pro Max VN/A có giá lần lượt là 29,49 triệu đồng và 35,79 triệu đồng.

Không riêng gì iPhone, nhiều mẫu điện thoại Android cũng được giảm giá mạnh, đơn cử như Galaxy Z Flip4 giá chỉ còn 14,29 triệu đồng, Galaxy A14 chỉ còn từ 3,89 triệu đồng, Reno 8T 5G chỉ còn từ 9,79 triệu đồng, Redmi Note 12 và 12 Pro có giá lần lượt là 4,49 triệu đồng và 8,99 triệu đồng, Redmi A1 chỉ còn từ 1,95 triệu đồng...

Tương tự các dòng điện thoại, MacBook và tablet cũng có nhiều ưu đãi. Cụ thể, MacBook Air M1 chỉ còn từ 18,39 triệu đồng (niêm yết 28,99 triệu đồng), iPad Gen 9 chỉ còn từ 6,89 triệu đồng (niêm yết 10,99 triệu đồng), iPad Pro Gen 10 chỉ còn từ 20,29 triệu đồng (niêm yết 22,99 triệu đồng)...

- OpenAI cập nhật 'chế độ ẩn danh' cho ChatGPT

Bản cập nhật mới này sẽ bảo vệ người dùng Internet khi sử dụng các dịch vụ chatbot AI như ChatGPT đồng thời giúp cho việc quản lý dữ liệu trở nên an toàn hơn, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên không gian mạng.

Reuters đưa tin ngày 26/4, OpenAI cập nhật một tính năng mới cho ChatGPT gọi là chế độ ẩn danh. Bản cập nhật này cho phép người dùng có thể bật hoặc tắt tùy chọn lịch sử trò chuyện và đào tạo trong mục cài đặt và xuất dữ liệu.

Khi tính năng mới được bật, cuộc hội thoại với người dùng trước đó sẽ không được lưu lại và công cụ chatbot AI sẽ không sử dụng các dữ liệu này để cải thiện trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, các cuộc hội thoại vẫn sẽ được nhà phát triển giữ lại trong vòng 30 ngày để theo dõi những vi phạm và lạm dụng trước khi tiến hành xóa vĩnh viễn.

Chuyên gia Nicholas Turley của OpenAI mô tả tính năng mới của công ty giống như chế độ ẩn danh trên các trình duyệt Internet thông thường.

- EU thắt chặt kiểm soát các nền tảng trực tuyến lớn

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo quyết định áp đặt các quy tắc quản lý nội dung chặt chẽ hơn đối với 19 nền tảng trực tuyến, trong đó có Instagram, TikTok và Twitter, xét tới việc các nền tảng này có số lượng người dùng lớn.

Các nền tảng trực tuyến lớn, thuộc các ông lớn như Amazon, Google, Meta, Microsoft, đều có hơn 45 triệu người dùng đang hoạt động - nằm trong nhóm đối tượng quản lý của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) do EU ban hành và áp dụng kể từ tháng 8 tới, theo đó sẽ chịu các biện pháp kiểm soát như gồm kiểm toán hàng năm và nghĩa vụ đối phó hiệu quả với nạn tin giả và nội dung gây thù hận.

Các quy định trong Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm buộc các nền tảng thực hiện các mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, tăng cường tính minh bạch xung quanh các dịch vụ kỹ thuật số, cấm bán trực tuyến hàng hóa không an toàn và cho phép người dùng có nhiều lựa chọn hơn khi tham gia môi trường trực tuyến trong EU. Các quy tắc Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) cho phép EU áp đặt mức phạt lên tới 6% doanh số toàn cầu hàng năm đối với những nền tảng vi phạm nhiều lần.

- Twitter yêu cầu người dùng gỡ hơn 6,5 triệu bài đăng trong 6 tháng đầu năm ngoái

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trước khi tỷ phú Mỹ Elon Musk tiếp quản Twitter, mạng xã hội này đã yêu cầu người dùng gỡ xuống hơn 6,5 triệu bài đăng, tăng 29% so với giai đoạn 6 tháng trước đó.

Thông tin trên được Twitter công bố ngày 25/4, cùng ngày Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ siết chặt quy định đối với 19 công ty công nghệ - trong đó có công ty chủ quản Twitter, theo đó yêu cầu các công ty phải chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý, ngăn chặn thông tin sai lệch, thực hiện kiểm toán độc lập. Theo Ủy ban châu Âu, các công ty vi phạm quy định mới của EU có thể phải nộp mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hoặc bị cấm hoạt động tại EU.

Trước khi tỷ phú Elon Musk mua Twitter vào tháng 10/2022 và cắt giảm 80% số nhân viên, mỗi 6 tháng/lần, Twitter công bố trên trang Trung tâm Minh bạch của công ty các thông tin như số tài khoản bị khóa hay số kiến nghị yêu cầu dỡ bỏ nội dung từ các chính phủ.

Trong báo cáo mới nhất, Twitter cho biết công ty đã nhận được 53.000 kiến nghị pháp lý từ các chính phủ trong nửa đầu năm 2022, yêu cầu dỡ bỏ một số nội dung đăng trên nền tảng này. Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là những quốc gia đệ trình nhiều kiến nghị nhất.

- Hàng ngàn hồ sơ Facebook giả mạo đang cố đánh cắp dữ liệu người dùng

Các chuyên gia bảo mật đang cảnh báo về một chiến dịch đánh cắp danh tính lớn đang diễn ra trên Facebook.

Theo TechRadar, các chuyên gia đã cảnh báo về một chiến dịch độc hại đang diễn ra bằng việc sử dụng hàng nghìn tài khoản Facebook giả mạo và các trang lừa đảo để đánh cắp thông tin đăng nhập của các nhân vật có sức ảnh hưởng, diễn viên nổi tiếng, doanh nghiệp và các đội thể thao.

Các nhà nghiên cứu an ninh mạng từ nhóm Digital Risk Protection (DRP) của Group-IB tuyên bố đã xác định được hơn 3.200 tài khoản Facebook giả mạo, một số trong số đó đang mạo danh cả Facebook và công ty mẹ Meta.

Thông qua các tài khoản này, những kẻ tấn công sẽ nhắm đến những người dùng hợp pháp để khiến họ truy cập các trang đăng nhập Facebook giả mạo.

Ở đó, tin tặc sẽ yêu cầu nạn nhân nhập thông tin đăng nhập và cấp quyền truy cập vào tài khoản của họ. Bên cạnh đó, những thông tin mà kẻ xấu thu thập được cũng được sử dụng để thử truy cập vào các nền tảng khác, đặc biệt là các dịch vụ tài chính và ngân hàng, vì nhiều người dùng có thói quen dùng chung một tên đăng nhập/ mật khẩu.

Việt Báo (Tổng hợp)