Nhiều hình thức khen thưởng cán bộ năng động đổi mới, dám nghĩ, dám làm
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:46, 26/04/2023
Tại bản dự thảo mới nhất, Bộ Nội vụ cho biết vì lợi ích chung (gọi tắt là cán bộ năng động, sáng tạo) gồm cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách.
Đồng thời tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Nâng lương trước thời hạn đối với cán bộ có đổi mới, sáng tạo
Theo dự thảo, khi xảy ra tình huống khẩn cấp, cấp bách, cán bộ được phép áp dụng biện pháp đổi mới, sáng tạo cần thiết để mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi áp dụng các biện pháp cần thiết, cán bộ phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp về việc áp dụng biện pháp đổi mới, sáng tạo.
Việc báo cáo có thể được thực hiện bằng văn bản, qua điện thoại, thư điện tử và các hình thức phù hợp khác.
Trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc sự kiện bất khả kháng khác, cán bộ không thể báo cáo người đứng đầu quản lý trực tiếp trong thời hạn 24 giờ, thì ngay sau khi trở ngại khách quan chấm dứt phải báo cáo ngay việc này.
Trong thời hạn 48 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của cán bộ, người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm tổ chức họp tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức để cho ý kiến về hiệu quả và tính khả thi của các biện pháp. Cuộc họp phải được lập thành biên bản.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, người đứng đầu cơ quan báo cáo cấp ủy cùng cấp về kết quả cuộc họp. Trên cơ sở ý kiến của cấp ủy, người đứng đầu thay mặt tập thể lãnh đạo ban hành quyết định về việc tiếp tục thực hiện hoặc dừng thực hiện đề xuất; trường hợp dừng thực hiện đề xuất thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Bộ Nội vụ đề xuất, cán bộ có đề xuất được phê duyệt và cán bộ, cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện đề xuất tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực được khuyến khích bằng các hình thức sau: Tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng vượt cấp, vượt bậc; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng; được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng, đặc cách nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao hơn hoặc thăng quân hàm, cấp bậc hàm trước thời hạn (đối với lực lượng vũ trang).
Những cán bộ này còn được ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn hoặc bổ nhiệm vượt cấp so với chức danh, chức vụ hiện giữ.
Khi nào được miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật?
Chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo quy định tại nghị định này được áp dụng khi nội dung đề xuất đáp ứng các điều kiện sau:
-Có khả năng tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, giải quyết hiệu quả vấn đề chưa được pháp luật quy định hoặc đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn.
-Đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo sự bứt phá, chuyển biến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.
-Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị khác.
Cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước khi thuộc một trong các trường hợp sau:
-Đề xuất được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
-Thực hiện đề xuất để giải quyết vấn đề khẩn cấp, cấp bách hoặc đề xuất đang trong quá trình thực hiện gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự;
-Bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất;
-Đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại;
-Phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất;
-Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt. Cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất, cán bộ, cá nhân thực hiện đề xuất được miễn xử lý trách nhiệm, được giảm trách nhiệm thuộc trường hợp xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước thì không được xem là tiêu chí trong đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng.
"Nội dung rất mới, rất khó"
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, nghị định này rất lớn, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và cũng là vấn đề rất khó.
"Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành địa phương để xây dựng nghị định làm sao thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đảm bảo được tính khả thi, vì đây là nội dung rất mới, rất khó. Nghị định chủ yếu tập trung làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc, quy trình, hình thức bảo vệ cán bộ", ông Thăng nói.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phản ánh, trong bối cảnh đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai nên rất cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.