'Chế độ chính sách tái định cư cho dân phải thật công bằng'
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:37, 26/04/2023
Sáng 26/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Tại buổi tiếp xúc, đoàn đã ghi nhận 14 ý kiến của cử tri liên quan đến các vấn đề đất đai, hỗ trợ tái định cư với những hộ dân bị thu hồi đất để làm đường cao tốc; lương hưu của giáo viên; chính sách cho người thờ cúng liệt sĩ...
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được lãnh đạo UBND huyện Châu Thành giải đáp tường tận. Có những vấn đề đã, đang được giải quyết; cũng có việc còn thiếu sót, khuyết điểm...
Ông Mẫn đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu của huyện Châu Thành như giao thông nông thôn từ ấp đến huyện, các khu công nghiệp lớn, những dự án phát triển kinh tế - xã hội sắp được triển khai.
Đặc biệt, sắp tới đây sẽ có 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong đó có đường cao tốc đi ngang tỉnh Hậu Giang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho lao động.
"Tôi đề nghị địa phương cần đi sâu đi sát từng hộ gia đình trong chính sách bồi thường tái định cư, thu hồi đất còn vướng mắc điều gì phải làm cho đúng. Chế độ chính sách về nền tái định cư phải thật công bằng", Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Ngoài ra, với chính sách cho người có công, chế độ thờ cúng liệt sĩ phải được quan tâm hơn. Ông Mẫn đề nghị ban ngành huyện Châu Thành thống kê số lượng gia đình chính sách chưa có nhà ở hoặc nhà cửa xuống cấp cần sửa chữa. Với những hộ bị thu hồi đất đai làm công trình phúc lợi công cộng, cần có chính sách chuyển nghề hợp lý về giải quyết việc làm, chỗ ở...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; diễn biến của dịch Covid-19 có chiều hướng phức tạp, phải có giải pháp cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo việc làm cũng như giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch. Tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.