Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết 'hôn em trong giấc mơ'

Nhịp sống - Ngày đăng : 10:34, 26/04/2023

Trưa một ngày cuối tháng 4, thương binh Trần Dân (68 tuổi) cùng vợ là bà Trần Thị Hồng (66 tuổi) lật mở những lá thư tình loang ố màu thời gian và khói bụi chiến trường ra xem, ôn lại ký ức...

Trưa một ngày cuối tháng 4, thương binh Trần Dân (68 tuổi) cùng vợ là bà Trần Thị Hồng (66 tuổi) lật mở những lá thư tình loang ố màu thời gian và khói bụi chiến trường ra xem, ôn lại ký ức...

Vết thương từ chiến tranh và ảnh hưởng của tuổi tác khiến tai ông Dân nghe không còn rõ, mắt cũng kém dần. Nhưng khi vợ ngỏ ý muốn nghe lại những lá thư đó, ông nheo mắt và cố gắng đọc thật lớn.

Thấy vậy, bé gái 14 tuổi - cháu ngoại của ông bà Dân, tò mò lại gần, xin đọc thư giúp ông. Khi bé gái mới đọc được vài câu đầu, ông Dân cùng vợ nhìn nhau cười tủm tỉm, có chút ngại ngùng như ngày mới yêu nhau. Bởi, gần như tất cả các lá thư của ông viết cho bà đều mở đầu bằng câu ngọt ngào "Hồng em thương", "Hồng em thương yêu của anh" và kết bằng câu "Hôn em trong giấc mơ", "Anh yêu của em".

"Tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu lá thư như thế. Hoàn cảnh thời chiến khắc nghiệt, thư vài tháng, thậm chí 5-6 tháng mới tới và không ít lá thư bị thất lạc. Nhưng cứ sau mỗi lần viết và nhận lại thư hồi đáp đã giúp tôi có thêm động lực, sức mạnh để chiến đấu", ông Dân tâm sự.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 1

Ngày đó, chàng thanh niên Trần Dân và cô gái Trần Thị Hồng ở cùng quê xã Sơn Thọ, huyện Hương Sơn, nay là xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Họ lớn lên, đi học phổ thông và cùng làm xã viên Hợp tác xã trồng chè Sơn Thọ.

"19 tuổi, anh Dân làm thư ký đội sản xuất ở hợp tác. Trong xóm, anh có tiếng vì đẹp trai, nhanh nhẹn, văn thơ hay", bà Hồng nhớ lại. "Hồng vóc dáng nhỏ nhắn, tốt bụng, cười duyên dáng và đặc biệt có mái tóc rất dài", ông Dân nhận xét về vợ.

Từ những ấn tượng đó, giữa họ nảy sinh tình cảm đôi lứa từ lúc nào chẳng hay. Bà Hồng kể, thời đó không như bây giờ, yêu nhau mà chẳng dám công khai, trốn cha mẹ đi hẹn hò, gặp nhau nắm tay còn cảm thấy mắc cỡ. Khi tình yêu đôi lứa vừa chớm nở thì chàng trai Trần Dân quyết định tạm gác lại tình riêng để lên đường ra chiến trận.

"Năm 1974, tôi chưa có lệnh gọi nhập ngũ nhưng khi nhìn bạn bè, các anh nô nức tòng quân kháng chiến, tôi làm việc trên đồi chè mà chẳng thể nào yên. Nóng lòng vì đợi lâu, tôi đã quyết định tình nguyện xách ba lô nhập ngũ", ông Dân nói.

Trước ngày lên đường, chàng trai trẻ cùng gia đình mang trầu, cau sang nhà người yêu thưa chuyện để thể hiện sự nghiêm túc trong tình cảm với người mình thương.

"Ngày chiến thắng, anh sẽ trở về cưới em" - chàng trai 20 tuổi quả quyết trước giờ phút chia tay. "Anh yên tâm lên đường, khó khăn, gian khổ thế nào, em vẫn chờ" - cô gái 18 tuổi nuốt nước mắt vào trong, đáp lại để người yêu yên tâm ra chiến trường.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 3

Tháng 12/1974, tân binh Trần Dân tham gia huấn luyện gần 1 tháng tại Đoàn 22 ở huyện Hương Sơn, sau đó được biên chế vào Trung đoàn 273, Sư đoàn 341.

Đầu tháng 1/1975, đơn vị này tập kết về huyện ven biển Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, Sư đoàn 341 được lệnh tiến thẳng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ với khẩu hiệu "đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng".

Ngày 3/2/1975, tranh thủ giây phút nghỉ ngơi trên đường hành quân, anh lính quê Hà Tĩnh viết lá thư đầu tiên gửi về cho người yêu ở hậu phương.

"Hồng em thương! Hôm nay chúng ta mới thực sự xa nhau. Đối với anh không gì bằng phải xa em. Nhưng lứa tuổi thanh niên của thời đại này chắc có lẽ em cũng hiểu. Người thanh niên của thời đại này phải sẵn sàng đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời để bảo vệ hạnh phúc của anh và em. Điều đó em phải thông cảm cho anh nhé. Biết nói sao cho thỏa tấm lòng của anh lúc này, lòng nhớ thương em, nhớ quê hương một cách xao xuyến. Nhưng bắt buộc anh phải ghìm lại nỗi nhớ thương để làm tròn nhiệm vụ cách mạng…", người lính trẻ Trần Dân viết.

Ít tháng sau, cô xã viên Trần Thị Hồng nhận được lá thư trên. Đọc được những dòng tâm sự người yêu viết, cô gái trẻ nước mắt rưng rưng vì xúc động.

"Thời chiến, không có gì quý bằng được người yêu, chồng gửi thư về. Tôi đọc xong càng yêu và thương anh hơn. Tôi cũng vội biên một lá thư ngắn kể tình hình ở nhà rằng mình sắp đi học sư phạm ở Nghệ An và vẫn một lòng thủy chung đợi anh về. Tôi cũng không quên thông báo cho anh biết rằng cha mẹ, các em, họ hàng nội ngoại và mọi người vẫn khỏe mạnh để anh vững chắc tay súng ở chiến trận", bà Hồng hồi tưởng.

Trong giai đoạn ấy, sau khi có mặt ở miền Nam, ông Dân và các đồng đội cùng Sư đoàn 341 liên tiếp lập nhiều chiến công, góp phần cùng những đơn vị khác giải phóng các địa bàn Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương), thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai)...

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4-30/4/1975), Sư đoàn 341 cùng với Quân đoàn 4 chiến đấu anh dũng, tiến thẳng vào nội đô, giải phóng Sài Gòn.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 5

Đại úy Trần Dân là một trong những người lính của Sư đoàn 341 ngồi trên xe tăng và có mặt tại Dinh Độc Lập vào đầu giờ chiều 30/4/1975. Thời gian sau đó, ông Dân cùng đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn.

Khi miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, những lá thư giữa hậu phương và tiền tuyến gửi cho nhau cũng dễ dàng hơn.

"Hồng em ơi! Yêu em nên anh có tấm lòng yêu quê hương tha thiết. Từ em đã làm cho anh có một bản lĩnh vượt qua bao khó khăn, gian khổ trong đấu tranh quyết liệt với quân thù... Hồng em thương! Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng nhưng nhiệm vụ của chúng ta vẫn còn nhiều. Em phải xác định rằng, anh có thể còn phải xa em 5-6 năm nữa, thì liệu em có thể chờ đợi được anh không?", một đoạn trong lá thư ông Dân viết vào tháng 5/1975.

Cũng tại Sài Gòn, vào ngày 10/9/1975, anh lính trẻ hồi đáp bạn gái: "… Hồng em thương yêu của anh! Trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của thành phố Sài Gòn, hòa lẫn niềm vui riêng của bản thân anh. Đó là anh đã nhận được thư của em từ hậu phương xa xôi gửi tới. Lá thư đã gợi lên hình ảnh đẹp đẽ, chung thủy của em và gửi gắm, hiến dâng cả cuộc đời cho anh không cần do dự. Hồng em ơi! Hai đứa mình đã xa nhau gần một năm nhưng hình ảnh của em anh vẫn hồi tưởng, đọng lại trong đầu rất rõ ràng. Anh nhớ từng bước đi và nụ cười duyên dáng của em…".

Hai năm sau thời điểm lá thư này được gửi đi, ông Dân cùng đồng đội tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc ở chiến trường biên giới Tây Nam.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 7

Đầu năm 1978, ông Dân được nghỉ phép về thăm quê. Và để giữ đúng lời hẹn ước trước khi tòng quân, anh lính trẻ đã dắt tay cô gái Trần Thị Hồng ra ủy ban xã đăng ký kết hôn. Đám cưới của họ diễn ra đơn giản. Thời điểm đó, quân Khmer đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ nước ta.

"Vợ chồng mới cưới chỉ được ở bên nhau ít ngày, anh lại lên đường làm nhiệm vụ", bà Hồng nhớ lại.

Khi có mặt tại biên giới Tây Nam, ông Dân vẫn giữ thói quen viết thư cho vợ mỗi lúc nghỉ ngơi trên đường hành quân hoặc thời khắc ngưng tiếng súng giao tranh.

"Sức khỏe của anh rất tốt, đơn vị của anh không ở Long Bình nữa, mà hiện nay đã chuyển đi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới. Việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày cũng bình thường thôi, không có gì vất vả cả. Cảnh sống nông thôn, dân ở đây chạy loạn hết. Khu vực sát biên giới, dân rất khổ, xóm làng bị chúng thiêu rụi hết, của cải bị vơ vét sạch. Nhìn chung xóm làng tiêu điều, xơ xác, thảm thương vô cùng. Anh tạm sơ qua vài nét để em biết vậy thôi…", người lính Trần Dân viết khi đang chiến đấu ở tỉnh Tây Ninh.

Đến tháng 7/1978, trong một trận đối đầu với địch tại Thạch Động (Hà Tiên), ông Dân bị thương ở vùng đầu và được chuyển về hậu phương điều trị. Thời điểm đó, bà Hồng không nhận được bất cứ lá thư nào hay tin tức gì về chồng của mình. Cuối năm 1979, trùng hợp khi một người lính cùng quê bị thương trở về. Hành trang mang theo của anh lính đồng hương có cả ba lô, giấy tờ, một số lá thư và nhật ký của ông Dân.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 9

Nhận những kỷ vật này, bà Hồng như tuyệt vọng, ngã quỵ vì nghĩ chồng đã hy sinh. Suốt 3 tháng ròng, bà khóc thương chồng đến rụng cả tóc.

"Thương con dâu, cha mẹ chồng khuyên tôi rằng "Con ơi! Con đừng sầu khổ nữa. Con đau 10 phần, cha mẹ cũng đau 9. Con phải mạnh mẽ lên, chưa có giấy báo tử của Dân mà, nên dù còn một tia hy vọng, ta cũng phải sống để chờ đợi". Lời động viên đó giúp tôi gượng dậy sống tiếp. Mái tóc của tôi từng dài đến đầu gối mà lúc đó chỉ còn mấy cọng lưa thưa", bà Hồng kể.

Rồi sau đó, bà đã nhận được tin ông còn sống, vừa được điều từ chiến trường về Thành phố Hồ Chí Minh học trường Quân chính.

Mùa hè năm 1980, được đơn vị của chồng tạo điều kiện, bà khăn gói đi tàu vào miền Nam thăm chồng. Giây phút gặp lại, trước mắt bà là hình dáng người chồng xanh xao, gầy gò.

"Anh cũng biết tôi vì nhớ thương, khóc chồng mà tóc rụng, mặt hốc hác. Chúng tôi ôm nhau mà khóc. Sau giây phút đoàn tụ, anh mới kể cho tôi biết việc bị thương. Hồi phục, anh lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nên buộc phải bỏ lại toàn bộ giấy tờ, tư trang để vào chiến trường. Cũng vì thế mà anh không viết thư về nhà được. Sau này, mỗi lần nghĩ lại những ngày gian khó đó, tôi đều rơi nước mắt", bà Hồng tâm sự.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 11

Chiến tranh kết thúc, ông Dân phục viên trở về địa phương sau 16 năm cống hiến trong quân ngũ, trong đó có 7 năm chiến đấu liên tục tại các chiến trường. "Vì độc lập dân tộc, nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống sau mỗi trận chiến. Dù là thương binh 3/4 nhưng tôi vẫn còn may mắn khi được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình", ông Dân bồi hồi, nói.

Ông bà có với nhau 3 người con (2 gái, 1 trai) cùng 6 cháu nội, ngoại. Sau khi nghỉ chế độ, gia đình cựu cán bộ của Trung đoàn 273 (Sư đoàn 341) chuyển từ huyện Hương Sơn về sống tại căn nhà sát bên đường tàu hỏa ở thị trấn Đức Thọ.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 13

Hàng ngày, ngoài kinh doanh vật liệu tại nhà, ông bà chăm sóc mảnh vườn nhỏ và cùng vào bếp nấu ăn. Mỗi khi có dịp, bà Hồng đều sát cánh cùng chồng đi họp cựu chiến binh, thăm lại đồng đội. Những lá thư tình được ông bà xem như tài sản vô giá của mình. Trải qua thời gian, không ít lá thư và vỏ thư bị nhòe chữ, còn màu giấy đã ố vàng.

Mới đây, Bảo tàng Quân khu 4 liên hệ và xin được lưu giữ, trưng bày 4 lá thư do ông Dân viết. Không chút do dự, ông bà gật đầu đồng ý. "Chúng tôi hy vọng những lá thư đó sẽ giúp thế hệ sau biết được cha ông đã vất vả, hy sinh như thế nào mới có được cuộc sống hòa bình quý giá như ngày nay", ông Dân bộc bạch.

Bài 3: Những lá thư tình vượt bom đạn với lời kết hôn em trong giấc mơ - 15

Nội dung, ảnh:Dương Nguyên

Thiết kế:Đỗ Diệp

26/04/2023