4 kỳ họp Quốc hội bất thường và những điều chưa có tiền lệ
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:31, 25/04/2023
Với tinh thần chủ động đổi mới, vào cuộc từ sớm - từ xa, việc xây dựng luật và ban hành các quyết sách quan trọng, chưa từng có tiền lệ được Quốc hội khóa XV thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết. Ngay khi vừa được bầu và thực hiện nghi thức tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về một Quốc hội đổi mới, luôn chủ động từ sớm, từ xa, chấm dứt tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người".
Quốc hội khóa XV được bầu giữa đại dịch Covid-19, khi virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh khắp cả nước. Cuộc chiến chống dịch khi ấy được ví gay go như chống giặc, cả hệ thống như bước vào thời chiến. Với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội nhanh chóng nhập cuộc, bắt đầu một nhiệm kỳ mới với vô vàn áp lực, khó khăn nhưng không ngừng chủ động, đổi mới.
Mở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ liên tục nhắc đến thông điệp về một Quốc hội chủ động, không để xảy ra tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người" mà sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt vào cuộc từ sớm, từ xa.
Chủ trương này nhanh chóng lan tỏa, thúc đẩy việc nhanh chóng đưa những chủ trương, chính sách được ban hành vào cuộc sống, tạo hiệu quả thiết thực.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ghi nhận mỗi khóa Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách nhân dân giao phó. "Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Quốc hội bước vào nhiệm kỳ mới với vô vàn thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 gây đảo lộn mọi hoạt động, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh và cả sinh hoạt thường ngày của người dân.
Với tinh thần chủ động được quán triệt ngay từ đầu, Quốc hội đã có sự điều chỉnh linh hoạt khi quyết định đưa nội dung tăng cường phòng, chống dịch bổ sung vào chương trình kỳ họp.
Chỉ trong chưa đầy 2 ngày, với một quy trình đặc biệt, các cơ quan của Chính phủ đã làm việc chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội chuẩn bị tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc bổ sung một số đề xuất vào chương trình kỳ họp. Quy định về những giải pháp quyết liệt, cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được quyết nghị trong Nghị quyết 30 - Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất.
Bằng quyết định chưa có tiền lệ ấy, Quốc hội đã trao quyền chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch. Đó là minh chứng cho sự quyết đoán của Quốc hội trong việc đồng hành với Chính phủ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nghị quyết 30 được Quốc hội ban hành trong một bối cảnh hết sức đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang khiến cả nước chao đảo. Nghị quyết đề ra 8 nhóm giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả đại dịch Covid-19, hướng đến mục tiêu sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới". Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh về sau, đặc biệt là việc Việt Nam thành công kiểm soát dịch Covid-19, minh chứng cho tính đúng đắn, kịp thời của quyết sách quan trọng này.
Việc ban hành Nghị quyết 30 của Quốc hội cũng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì đại dịch.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 10/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ Nghị quyết 30 là một sáng kiến lập pháp của Quốc hội và Chính phủ, ra đời một cách kịp thời, chưa có tiền lệ.
Khởi đầu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song theo ông Vương Đình Huệ, nếu không có các bộ của Chính phủ, ủy ban của Quốc hội, không có sự đồng tình, phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng, chắc chắn không có sáng kiến pháp luật này.
Qua trao đổi tại các diễn đàn nghị viện đa phương, Chủ tịch Quốc hội cho biết nghị viện và đại biểu các nước đều tâm đắc với cách làm của Việt Nam. "Không có nước nào trên thế giới có Nghị quyết 30 như của Việt Nam. Phải chăng đây là một trong những sáng kiến độc đáo của Việt Nam, sự ưu việt của chế độ cũng như sự lãnh đạo của Đảng", Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng khẳng định Nghị quyết 30 của Quốc hội là một văn bản rất quan trọng, ra đời kịp thời ngay từ kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ông Định cho biết khi đó, các cơ quan của Quốc hội làm cả ngày cả đêm, chưa đến 10 ngày sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành được Nghị quyết 268 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để phòng chống dịch Covid-19, và liên tục sau đó, nhiều nghị quyết liên quan ra đời nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp đã được quyết nghị.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 4/1/2022, theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.
Họp trực tuyến chỉ trong một tuần, song Quốc hội đã nhanh chóng bàn bạc, quyết định nhiều vấn đề quan trọng để ứng phó với những thách thức từ thực tế.
Thời điểm đầu năm 2022, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, nền kinh tế của Việt Nam cũng chao đảo vì đại dịch. Tăng trưởng ngưng trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động… đã đặt ra một bài toán khó trong việc kéo lại mức tăng trưởng kinh tế.
Quốc hội với tính chủ động dự báo, đã thống nhất ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Quyết sách này đã góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua và thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường từng chia sẻ, Nghị quyết 43 được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ với nhiều tâm huyết, công sức của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đại biểu Quốc hội.
Quyết sách mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng. Quốc hội còn giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với luật trong thời gian Quốc hội không họp để kịp thời đồng hành cùng Chính phủ.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng là nội dung quan trọng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư công với tổng mức gần 147.000 tỷ đồng, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Dự án có quy mô 729km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, gồm 12 dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm.
Kỳ vọng của Quốc hội là dự án góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Những vướng mắc trong đầu tư kinh doanh cũng sớm được tháo gỡ khi Quốc hội quyết định thông qua dự án một luật sửa 9 luật liên quan đến đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong những ngày họp trực tuyến của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Quyết sách này khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững.
Đúng một năm sau khi kỳ họp bất thường lần đầu tiên được tổ chức, ngày 5/1, Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Đại dịch Covid-19 quét qua trong hơn 2 năm đã làm nảy sinh quá nhiều bất cập trong hoạt động của các bệnh viện, đặc biệt là công tác mua sắm thuốc, đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế. Nhiều bệnh viện rơi vào thế khó, còn người dân khóc ròng vì không mua được thuốc chữa bệnh.
Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để tháo gỡ những nút thắt ấy, được Quốc hội quyết định, thông qua ngay tại kỳ họp bất thường này.
Cũng tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
Quyết sách này giúp khắc phục những tồn tại, vướng mắc của các quy định đã thực hiện trong giai đoạn cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và xử lý được tình trạng tồn đọng trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi đó.
Sau quyết định của Quốc hội là hàng loạt bước thực thi được Chính phủ triển khai. Sự phối hợp nhịp nhàng này đã minh chứng hiệu quả khi trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vui mừng thông báo tin "các bệnh viện đã hồi sinh".
Một nội dung khác được quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, liên quan đến công tác nhân sự.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Đồng thời, Quốc hội tiến hành quy trình phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.
Các quy trình này được thực hiện nhanh chóng để kịp thời đồng bộ với những quyết định mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra tại kỳ họp Trung ương bất thường diễn ra một tuần trước đó.
Chưa đầy hai tuần kể từ cuộc họp bất thường lần thứ 2, chiều 18/1, Quốc hội tiếp tục tổ chức kỳ họp bất thường lần 3 để tiến hành quy trình miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tại kỳ họp Trung ương bất thường trước đó, ông Phúc đã chủ động xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, nghỉ công tác và nghỉ hưu, do nhận thấy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ (trong đó có 2 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng) vi phạm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Kỳ họp bất thường lần thứ 4 diễn ra trong sáng 2/3, cũng nhằm kiện toàn công tác nhân sự với việc bầu Chủ tịch nước thay ông Nguyễn Xuân Phúc.
Sau khi thảo luận và bỏ phiếu kín, Quốc hội thống nhất cao bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, giữ cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã tạo nên bài học quý để những kỳ họp "bất thường" trở thành hoạt động "bình thường" của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đặt ra 137 nhiệm vụ lập pháp. Đây là một thách thức rất nặng nề. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu chỉ có 2 kỳ họp một năm thì nhiều nhất cũng chỉ có 73 luật trong nhiệm kỳ.
Các kỳ họp bất thường vì thế đã góp phần xử lý những vấn đề cấp bách mà nếu không nhanh chóng quyết đáp sẽ làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Bên cạnh việc biến những điều vốn bất thường trở thành bình thường, 4 kỳ họp "chưa từng có tiền lệ" vừa qua đã tạo thêm khí thế mới trong hoạt động của Quốc hội và thời cơ mới cho sự phát triển chung của cả nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao việc Quốc hội đã chủ động trong việc đồng hành cùng Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Nhắc đến đặc thù khi tổ chức một số kỳ họp bất thường trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, vị đại biểu tỉnh Bắc Giang ghi nhận những nội dung đưa ra tại các kỳ họp bất thường đều rất kịp thời, được Quốc hội bàn bạc hiệu quả.
"Nhiều nội dung phát sinh nên thời hạn gửi văn bản, tài liệu rất gấp. Dù vậy, các hồ sơ trình ra Quốc hội đều được chuẩn bị rất kỹ, thể hiện sự chủ động từ cả phía các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội", đại biểu Thịnh nhấn mạnh.
Về phía các đại biểu Quốc hội, ông Thịnh cho rằng khi Quốc hội chủ động, bản thân đại biểu Quốc hội cũng phải chủ động.
"Khối lượng các dự án luật và những vấn đề quan trọng cần quyết định, cho chủ trương thời gian qua phát sinh nhiều nên các đại biểu Quốc hội buộc phải chủ động nghiên cứu, chủ động đi thực tế để nắm bắt tình hình; gặp gỡ và trao đổi với các giới, nhân dân, doanh nghiệp, người lao động - những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách, để nắm bắt vấn đề, từ đó có ý kiến bằng văn bản hoặc nêu chính kiến tại nghị trường", Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bắc Giang chia sẻ.
Nhìn lại khoảng thời gian đầu nhiệm kỳ, ông Thịnh cho rằng chỉ trong một thời gian ngắn nhưng có rất nhiều biến động ở cả trong nước và quốc tế. Trong một bối cảnh đầy biến động về cả kinh tế, chính trị, xã hội, song theo đại biểu Thịnh, địa phương, doanh nghiệp, người dân, người lao động… đều cảm nhận rõ những quyết sách kịp thời được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra để kịp thời tháo gỡ khó khăn thực tế.
Bắc Giang là trong những địa phương có dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng trong khu công nghiệp, nhưng đã thành công trong cả chống dịch và phát triển kinh tế. Có được kết quả đó, theo ông Thịnh, một phần quan trọng nhờ tác động tích cực từ những quyết sách nhanh chóng kịp thời của Chính phủ và Quốc hội
Điển hình là quyết định cho chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả đã mở ra cơ hội cho địa phương phục hồi nhanh sau đại dịch. Hay quy định về số giờ làm thêm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch cũng rất có ý nghĩa khi thời điểm đó chuỗi cung cứng lao động bị đứt gãy. Chính sách tăng ca, làm thêm theo phương châm 4 tại chỗ vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, tạo thêm thu nhập cho người lao động…
Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, các chính sách hỗ trợ người lao động cũng giúp giải quyết nhiều vấn đề đối với những lao động bị mất việc do đại dịch. Nhiều chính sách về tài khóa, tiền tệ liên quan đến miễn, giảm thuế, hoãn, giãn nợ… trong bối cảnh đầy khó khăn đó đã giúp doanh nghiệp từng bước đi qua khủng hoảng, vượt qua áp lực thanh khoản cuối năm 2021.
"Quyết sách mang tính chủ động, kịp thời được Quốc hội đưa ra trong bối cảnh cấp bách như những liều thuốc quý đối với doanh nghiệp, người dân", ông Thịnh nói.
Cũng từ tinh thần chủ động của Chính phủ, Quốc hội trong xử lý kịp thời các vấn đề thực tế đặt ra, ông Thịnh cho biết cấp cơ sở ở dưới địa phương cũng quán triệt tốt theo định hướng này.
Như Bắc Giang trong quá trình điều hành, chỉ đạo đã thường xuyên gặp gỡ và lắng nghe doanh nghiệp, tổ chức nhiều buổi đối thoại, gặp gỡ trực tiếp để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, thể chế hóa bằng các văn bản nên cũng tháo gỡ được nhiều khó khăn, giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc kịp thời ban hành, điều chỉnh chính sách.
Bình luận thêm về tinh thần chủ động từ sớm, từ xa nhiều lần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng Quốc hội làm luật và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, nên đòi hỏi rất cao trong chuyện dự báo. "Dự báo tốt mới chủ động đi trước được vấn đề, nếu không sẽ luôn ở thế bị động", ông Thịnh nói.
Theo ông, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về chủ trương chủ động từ sớm, từ xa có ý nghĩa sống còn, rất quan trọng trong việc quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước, định ra những đường lối, chủ trương với tầm nhìn đi trước 5-10 năm hoặc xa hơn.
Nội dung:Hoài Thu
Thiết kế:Thủy Tiên
25/04/2023