Vì sao ông Lê Thanh Thản chỉ bị truy tố tội Lừa dối khách hàng?
Pháp luật - Ngày đăng : 19:29, 23/04/2023
VKSND TP Hà Nội vừa truy tố ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) và 6 người khác trong vụ án xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ông Thản là người duy nhất bị đề nghị xét xử tội Lừa dối khách hàng, theo Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng của cơ quan công tố cáo buộc ông Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ...
Từ đó, VKS cáo buộc ông Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng (khách hàng không được cấp sổ đỏ), thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng.
Phân tích về vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, với tội danh bị truy tố là Lừa dối khách hàng theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, ông Thản sẽ đối mặt với hình phạt cao nhất là 5 năm tù, hoặc phạt tiền lên tới 500 triệu đồng.
"Số tiền thu lợi bất chính sẽ trả cho người bị hại hoặc sung vào công quỹ nhà nước, theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự", ông Cường nói.
Phân tích về tội Lừa dối khách hàng, luật sư cho hay đây là tội danh được Bộ luật Hình sự quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo luật sư, việc chứng minh hành vi lừa dối trong vụ án tại CT6 Kiến Hưng không khó, khi cơ quan tiến hành tố tụng xem xét hồ sơ pháp lý của dự án này.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, việc xây dựng căn hộ chung cư phải trên cơ sở hồ sơ dự án, quy hoạch chi thiết đã được duyệt. Nếu kết quả điều tra cho thấy các căn hộ không được phép xây dựng, xây dựng không đúng quy hoạch, mà chủ đầu tư đưa ra thông tin sai sự thật để khách nộp tiền mua thì đây là hành vi lừa dối khách hàng.
Với thắc mắc của độc giả: Tại sao ông Thản không bị điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Luật sư Cường phân tích về 2 khái niệm "lừa dối" và "lừa đảo" dưới góc độ pháp lý.
Cụ thể, "lừa dối" khác về tính chất và ít nguy hiểm hơn "lừa đảo". Hậu quả pháp lý của 2 hành vi này cũng khác nhau.
Người thực hiện hành vi "lừa dối" là khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã tính gian lận trong cân, đo, đong, đếm hoặc thủ đoạn khác để thu lời bất chính, gây thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng. Hành vi lừa dối khách hàng diễn ra trong quá trình cung ứng dịch vụ, mua bán hàng hóa và có thể khách hàng không biết mình đang bị lừa.
Còn hành vi "lừa đảo" được xác định là gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Các giao dịch phát sinh yếu tố lừa đảo thường là các giao dịch mà bên mua không nhận được tài sản, không được đảm bảo bất kỳ quyền lợi nào. Đặc biệt, mục đích chiếm đoạt tài sản có trước thời điểm nhận tài sản.
Đối chiếu với vụ án trên, luật sư nhận định, người dân nộp tiền mua căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng thực tế vẫn nhận được nhà, vẫn được sử dụng để ở, chỉ không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ do căn hộ được xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch.
"Chính vì vậy, cơ quan tố tụng mới xác định hành vi của ông Lê Thanh Thản là Lừa dối khách hàng chứ không phải là hành vi Lừa đảo", luật sư Cường nói.