Điểm tin kinh doanh 24/4: Giá dầu thế giới tăng giảm trái chiều
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 24/04/2023
- Giá dầu thế giới tăng giảm trái chiều
Sáng ngày 23/4, giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng giảm trái chiều. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,88 USD trong khi giá dầu Brent tăng 0,35 USD. Theo ghi nhận, giá dầu thô WTI của Mỹ sáng ngày 23/4 giảm 0,88 USD, xuống mức 77,09 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,35 USD, lên mức 81,91 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng giảm trái chiều nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ ở khu vực đồng euro và Anh, nhưng giá dầu kỳ hạn giảm trong tuần do sự không chắc chắn về lãi suất và nhu cầu. Dầu Brent báo lỗ hàng tuần là 5,4%, trong khi WTI ghi nhận mức giảm 5,6%. Cả hai loại dầu thô chuẩn đều giảm hơn 2% vào thứ Năm - xuống mức thấp nhất kể từ thông báo bất ngờ vào đầu tháng 4 về việc cắt giảm sản lượng của một số nước OPEC, do lo ngại suy thoái kinh tế và dự trữ xăng của Mỹ tăng lên.
Trong tuần này, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng do nhà máy lọc dầu hoạt động và xuất khẩu tăng, trong khi tồn kho xăng bất ngờ tăng do nhu cầu đáng thất vọng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ. Dự trữ dầu thô giảm mạnh hơn nhiều so với ước tính của các nhà phân tích và Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23/4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.680 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 23.630 đồng/lít; Dầu diesel không quá 19.390 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 19.480 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.649 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 21/4 với mức giảm dao động từ 250 đến 750 đồng/lít. Duy chỉ có dầu mazut được điều chỉnh tăng. Lần giảm giá này đã cắt đứt đà tăng 2 lần liên tiếp của giá xăng.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập 300 đồng mỗi lít với xăng E5, RON 95, dầu DO và dầu hỏa. Riêng dầu mazut không trích lập cũng không chi sử dụng. Giá xăng, tính từ đầu năm đến nay, đã trải qua 11 lần điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
- Những hãng công nghệ sa thải tàn nhẫn nhất
Meta chỉ đứng sau Twitter trong danh sách các công ty công nghệ cắt giảm nhân sự nhiều nhất tính đến hiện tại.
Sa thải tiếp tục càn quét ngành công nghệ, song có những doanh nghiệp nổi bật hơn hẳn về tính… tàn nhẫn. Twitter là công ty mạnh tay nhất khi đuổi việc tới 80% nhân sự. Khoảng 6.300 trong tổng số 7.800 lao động đã mất việc kể từ khi tỷ phú Elon Musk thâu tóm mạng xã hội này hồi tháng 10/2022.
Theo phân tích của trang tin Insider, Meta đứng thứ hai với gần 1/4 trong tổng số 87.000 nhân viên bị sa thải. CEO Mark Zuckerberg thông báo cắt giảm 11.000 vị trí trong tháng 11/2022 và tiếp tục loại bỏ 10.000 người trong tháng 3.
Đáng chú ý, phân tích của Insider chưa bao gồm vòng cắt giảm thứ ba, vừa bắt đầu trong tuần này. Ước tính, hàng nghìn người bị ảnh hưởng, nặng nhất là các vị trí quản lý tại Reality Labs, Facebook, Instagram.
Zuckerberg thừa nhận đã tuyển dụng quá mức trong dịch Covid-19 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người dùng. Ông đã sai lầm khi ra quyết định như vậy nhưng nó không đi theo cách mà ông dự đoán. Các hãng công nghệ khác cũng trải qua vài vòng sa thải.
Amazon đuổi việc 11.000 nhân viên trong tháng 1 và 9.000 trong tháng 3, tương ứng 7% lực lượng lao động năm 2022 (380.000). Nó chưa bao gồm các nhân viên kho vận của hãng.
- Yêu cầu Bộ Công Thương tính toán, chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung xăng dầu, chủ động nguồn cung trong nước và sửa quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường theo dõi, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quy định về dự trữ lưu thông, không để thiếu nguồn cung mặt hàng xăng dầu; chủ động tính toán, có giải pháp để tự chủ nguồn cung trong nước.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023;