Loạt căn hộ chung cư được rao bán đấu giá từ hơn 1 tỷ đồng
Kinh doanh - Ngày đăng : 12:00, 23/04/2023
Từ đầu tháng 4 đến nay, hàng loạt ngân hàng như Agribank, VIB, TPBank... liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi và xử lý nợ xấu.
Đáng chú ý, loại hình căn hộ chung cư tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội cũng được các nhà băng mang ra đấu giá với mức giá khởi điểm từ hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều căn hộ hạ giá nhiều lần nhưng vẫn ế khách mua.
Căn hộ hơn 1 tỷ đồng ế khách
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa thông báo đấu giá một căn hộ thuộc chung cư Tân Tạo 1 tại quận Bình Tân, TP.HCM. Đất ở tại đô thị có thời hạn sử dụng lâu dài. Diện tích sàn (thông thủy) của căn hộ này là hơn 55 m2.
Theo đó, ngân hàng đưa ra mức giá khởi điểm của căn hộ là 1,3 tỷ đồng, khách hàng mua phải đặt trước 130 triệu đồng. Theo tìm hiểu của Zing, đây là lần thứ 5 VIB đấu giá căn hộ chung cư này do các lần đấu giá trước đều không có khách cọc mua. Hồi tháng 8/2022, giá khởi điểm cho lần đấu giá đầu tiên là 1,75 tỷ đồng và đến nay giảm còn 1,3 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng có nhu cầu đấu giá quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tòa nhà CT1A thuộc dự án Hà Nội Homeland tại Lô đất N023 dọc trục đường 5 kéo dài (đoạn cầu Chui - cầu Đông Trù) thuộc quận Long Biên, TP Hà Nội.
Căn hộ có diện tích sử dụng gần 93 m2, diện tích sàn xây dựng 99 m2 và ngân hàng đưa ra mức giá khởi điểm là hơn 3 tỷ đồng, khách mua phải đặt trước hơn 600 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Agribank cũng đang có nhu cầu đấu giá căn hộ diện tích 81 m2 thuộc tòa nhà CT16, Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội với giá khởi điểm 2,15 tỷ đồng. Được biết sau lần đấu giá đầu tiên hồi tháng 11/2022, mức giá khởi điểm của căn hộ này vẫn giữ nguyên ở lần đấu giá thứ 2 này.
Đáng chú ý, Agribank chi nhánh Bến Thành cũng đấu giá căn hộ có diện tích sàn 232 m2 thuộc chung cư Imperia tại TP Thủ Đức, TP.HCM với giá khởi điểm 12,2 tỷ đồng, tương ứng bình quân khoảng 52,6 triệu đồng/m2.
Căn hộ 232 m2 thuộc chung cư Imperia tại TP Thủ Đức, TP.HCM có giá khởi điểm 12,2 tỷ đồng. Ảnh: Nasaland. |
Agribank chi nhánh Long Biên, Hồng Hà cũng đang có nhu cầu đấu giá căn hộ là tài sản đảm bảo cho khoản vay tại nhà băng này. Cụ thể tài sản là căn hộ diện tích 81 m2 thuộc nhà B khu nhà ở gia đình sỹ quan tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Căn hộ có giá khởi điểm là 2,59 tỷ đồng; căn hộ 120 m2 thuộc Tòa nhà Westa tại quận Hà Đông, TP Hà Nội có giá khởi điểm 2,43 tỷ đồng.
Hay tại Hà Nội, Agribank chi nhánh Vạn Xuân đang đấu giá toàn bộ giá trị quyền sở hữu căn hộ chung cư thuộc tòa nhà 17T3 và 17T4, số 1 Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Mức giá khởi điểm cho căn hộ diện tích sàn hơn 128 m2 là 3,79 tỷ đồng.
Vì sao bất động sản thanh lý ế khách?
Không chỉ các ngân hàng, Chi cục thi hành án dân sự địa phương cũng có nhu cầu bán đấu giá nhiều căn hộ chung cư. Đơn cử, Chi cục thi hành án dân sự huyện Nhà Bè (TP.HCM) vừa thông báo đấu giá căn hộ chung cư thuộc dự án Hưng Phát Silver Star trên địa bàn huyện này. Với diện tích sàn 69,7 m2, cơ quan này thông báo mức giá khởi điểm của căn hộ này là 2,29 tỷ đồng.
Tương tự, cơ quan này cũng đấu giá một căn hộ thông tầng 12 và 13 thuộc dự án căn hộ cao cấp New SaiGon, huyện Nhà Bè với giá khởi điểm 4,18 tỷ đồng. Hay Chi cục thi hành án dân sự quận 7 đấu giá căn hộ thuộc khu dân cư Scenic Valley (Lô MD3-2) quận 7 giá 4,3 tỷ đồng; Chi cục thi hành án dân sự quận Tân Phú đấu giá căn hộ có diện tích sàn 82,2 m2 thuộc Cao ốc Âu Cơ Tower giá 1,8 tỷ đồng...
Tại Hà Nội, Cục thi hành án dân sự thành phố cũng đang thông báo đấu giá lần 2 căn hộ thuộc Chung cư Packexim tại quận Tây Hồ giá khởi điểm gần 4,5 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên.
Dù nhiều khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo đầy đủ nhưng các ngân hàng, cơ quan chức năng vẫn gặp khó trong việc thanh lý đấu giá. Thậm chí, có khoản nợ đã rao bán nhiều lần vẫn chưa có người mua.
Trao đổi với Zing, đại diện một công ty chuyên đấu giá tài sản của nhiều ngân hàng cho biết những tài sản ế người mua của ngân hàng thường là những tài sản có giá cao. Ngân hàng luôn muốn bán giá cao, để tránh khiếu nại từ chủ cũ nên họ sẽ đưa ra giá khởi điểm cao hơn giá trị thực rồi hạ dần. Đồng thời ngân hàng cũng sẽ lọc được khách hàng tiềm năng quan tâm đến tài sản.
Loại hình bất động sản là căn hộ chung cư đang được nhiều ngân hàng rao bán đấu giá. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Riêng đối với tài sản là bất động sản, vị này cho biết còn nhiều vấn đề phát sinh gây khó khăn khi thanh lý, nhất là vấn đề thủ tục. "Chẳng hạn, có trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất nhưng thực tế trên đất còn có nhà ở không giấy phép khiến người mua không được cấp giấy sở hữu nhà lại không sang tên được. Do đó phải đập bỏ nhà hoặc để vậy", người này dẫn chứng.
Tại một tọa đàm hồi tháng 2, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Khối phân tích định chế tài chính thuộc FiinGroup cho biết việc phát mãi tài sản đảm bảo, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
"Rủi ro đặc biệt hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng", bà nói.
Theo vị chuyên gia, nợ xấu liên quan đến bất động sản cũng chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nên sự suy yếu của thị trường sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản của các nhà băng trong năm nay.