Ký ức của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về người thầy tình báo bí ẩn
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 10:21, 23/04/2023
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc), nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng được mệnh danh là một trong những "con át" chủ bài của lực lượng tình báo Việt Nam. Ông hoạt động ngay trong sào huyệt cơ quan tình báo của địch để khai thác tin tức, phục vụ kháng chiến.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông sau này đã được khắc họa sống động trong rất nhiều tác phẩm sách và báo chí. Đó là tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ của nhà văn Nguyễn Trần Thiết, Tình báo không phải là nghề của tôi của nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn Nghệ hay loạt bài viết hơn ba mươi kỳ Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng của Hoàng Hải Vân - Tấn Tú trên báo Thanh Niên…
Là một trong những học trò xuất sắc của ông Ba Quốc, suốt nhiều năm, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng luôn ôm trong lòng nỗi trăn trở kể về cuộc đời và sự nghiệp của người thầy kiệt xuất.
Sau bao nhiêu ấp ủ, Thượng tướng Vịnh cũng quyết định viết Người Thầy. Cuốn sách là những trang viết, những bài học về nghề, về người, về đời của ông Ba Quốc - vị tướng tình báo tài ba - để giúp cho các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ trong ngành tình báo có thể học hỏi, tiếp thu trong quá trình trưởng thành.
Trong buổi giao lưu tại Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có dịp chia sẻ nhiều điều về cuốn sách và những ký ức khó quên về đoạn đời 20 năm ông được sống cùng vị tướng tình báo Ba Quốc.
Không ít lần ông lặng đi xúc động khi kể về những chuyến công tác, những cuộc họp cùng thầy của mình hay những lần ông Ba Quốc "xé rào" cứu đồng đội...
Theo lời Thượng tướng Vịnh, ông Ba Quốc là người rất yêu sách. Ông luôn dặn dò học trò của mình rằng, không có trường lớp nào dạy hay bằng sách vở, không bài học cuộc đời nào hay hơn sách vở. Khi ở độ tuổi 80, hàng ngày, ông Ba Quốc vẫn đọc sách. Vì vậy, ông khuyên Tướng Vịnh phải cố đọc sách, đặc biệt là khi còn trẻ.
Với Tướng Vịnh, ông Ba Quốc là một trong những người thầy quan trọng nhất cuộc đời. Có được Tướng Vịnh ngày hôm nay không thể thiếu đôi bàn tay rèn giũa của ông Ba Quốc.
Năm tháng được ông Ba Quốc dìu dắt, ngoài những kiến thức mưu lược về tình báo, Tướng Nguyễn Chí Vịnh còn học hỏi được nhiều điều về tình yêu, lý tưởng của một nhân cách lớn.
Định nghĩa tình yêu của ông Ba Quốc là tình yêu Tổ quốc, yêu gia đình, yêu đồng chí đồng đội. Ông Ba Quốc luôn khẳng định rằng, tình báo không phải là nghề của ông. Ông là người yêu nước và đi làm cách mạng. Cách mạng mới là nghề của ông.
"Ông dạy chúng tôi làm tình báo là làm công tác về con người. Bản chất của nghề tình báo là kết luận một vấn đề khi chưa đủ thông tin. Trong một tình huống cấp bách, phải nói khi cần, người cán bộ tình báo phải có dũng khí để đưa ra câu trả lời đúng hay sai, có hay không", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể.
Ông Ba Quốc luôn nhận "tình báo không phải nghề của tôi", nhưng qua những gì Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể, lại thấy rằng, những gì mà ông Ba Quốc dạy học trò luôn là những bài học tình báo cốt lõi nhất.
Tại buổi chia sẻ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh còn kể về hai người vợ của ông Ba Quốc: bà Phạm Thị Thanh - người vợ ở miền Bắc và bà Ngô Thị Xuân - người vợ ở miền Nam.
Trước khi để ông Ba Quốc vào Nam lấy một người vợ khác để phục vụ công việc tình báo, bà Thanh đã đưa ra điều kiện rằng khi nào đất nước giải phóng hãy đem ông ấy trở về. Trong suốt những năm tháng ông Ba Quốc làm nhiệm vụ, bà Thanh cùng các con có một cuộc sống cơ cực, chịu nhiều vất vả, thiệt thòi.
Dù có nhiều tin đồn cho rằng ông vào Nam theo địch, bà vẫn tin tưởng chồng mình là người của cách mạng, không bao giờ phản bội đất nước. Bà cũng chưa khi nào oán trách quãng đời gian khó khi vắng người trụ cột trong gia đình.
Ở miền Nam, bà Xuân hết lòng bao bọc Ba Quốc để ông hoàn thành nhiệm vụ. Một lần khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hỏi: "24 năm chú hoạt động trong này, cô có biết chú là tình báo cộng sản không?", bà Xuân liền trả lời: "Chồng tôi sao tôi không biết. Đêm nào ông ấy cũng chui xuống hầm cầu thang chụp tài liệu. Ông ấy còn dành tiền riêng. Ban đầu tôi nghĩ ông ấy dành tiền để nuôi cô gái khác nhưng thực ra là ông ấy để nuôi cơ sở của ông ấy".
24 năm sống trong cảnh "lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu mỗi ngày", bà Xuân luôn chuẩn bị tâm lý, để sẵn hũ gạo và chút tiền dự phòng nhỡ một ngày nào đó bị địch bắt đi, con nhỏ bơ vơ còn có cái ăn.
Vì quá cảm phục hai người phụ nữ cao cả này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dự định kể lại cuộc đời của họ qua những trang sách. Tuy nhiên vì không đủ tư liệu nên ông đã quyết định chuyển hướng sang viết về ông Ba Quốc trong cuốn "Người Thầy".
Trong cuốn sách, ông không chỉ kể về công lao của Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức mà còn kể về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò... Tác phẩm như một lời nhắc nhớ cho những người còn sống, về một nhà tình báo đặc biệt của Việt Nam.