Ngay sau tự chủ, trường đại học 'khóc' vì... tiền!

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:16, 21/04/2023

Khi thực hiện tự chủ, nhiều trường đại học "phát khóc" khi bị cắt ngân sách ngay lập tức, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của trường.

Những rào cản, điểm nghẽn trong thực hiện tự chủ đại học những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo "Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện : Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới" do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức sáng 21/4.

Từ thực trạng của Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng đánh giá, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Ngay sau tự chủ, trường đại học khóc vì... tiền! - 1

Các đại biểu trao đổi về vấn đề tự chủ đại học tại hội thảo (Ảnh: M.Q).

ĐH Quốc gia TPHCM đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao nhưng bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Đặc biệt, các luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện tự chủ đại học tại ĐH Quốc gia TPHCM.

Bà Lan cũng nêu ra vấn đề của việc cắt chi thường xuyên ngay sau khi cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, dẫn đến hạn chế chi đầu tư cho các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường hợp cụ thể tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, khi trường chính thức thực hiện cơ chế tự chủ vào năm 2022, ngay lập tức ngân sách Nhà nước dành cho trường bị cắt. Trường "bỗng dưng muốn khóc" vì đầu năm học của năm đầu tiên thực hiện tự chủ đã bị cắt ngân sách, chỉ còn tiền lương cho đội ngũ. Chưa kể, xác định tự chủ, với những ngành đặc thù, cơ bản thì ai sẽ vào học?

Theo bà Lan, cần có giải pháp hài hòa, quan điểm tự chủ tách khỏi quản lý Nhà nước ở mức nào cho phù hợp vì không phải ngành nào cũng có thể thu hút người học, có những ngành cần khuyến khích, hỗ trợ cũng như nhà trường còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị lâu dài.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã có tác động tích cực tới hệ thống giáo dục đại học.

Cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ được điều chỉnh giúp các đơn vị tăng cường thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư. Mặt khác, nhờ có nguồn kinh phí tự chủ dồi dào hơn, các nhà trường có thêm nguồn lực để tái đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và nhất là nâng cao chế độ đãi ngộ, cải thiện mức thu nhập cho cán bộ, giảng viên.

Tuy vậy, bà Hoa cho hay quan niệm và nội hàm, cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam bị nhầm lẫn theo nghĩa tự chủ là "tự do" và "tự lo". Có quan điểm đánh đồng với việc tự chủ về tài chính, các trường đại học muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách Nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường gặp rất nhiều rào cản về việc đa dạng hóa nguồn thu bởi các quy định liên quan.

hó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt vấn đề, nguồn lực cho tài chính của giáo dục đại học còn khó khăn. "Mức đầu tư công cho giáo dục đại học của Việt Nam chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới", bà Hoa nói.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá việc triển khai tự chủ đại học theo Nghị quyết 29 còn nhiều vướng mắc liên quan đến tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản. Nhiều trường chưa thành lập hội đồng trường, chậm và lúng túng trong kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Hội đồng trường ở một số nơi chưa phát huy đúng và đầy đủ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm.

Ngay sau tự chủ, trường đại học khóc vì... tiền! - 2

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2022 (Ảnh: NTCC).

"Nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước và học phí chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Số lượng cơ sở giáo dục  đại học có khả năng tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư còn thấp. Chưa kể, nhiều trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là ở ", PGS.TS Nguyễn Anh Dũng đưa ra ý kiến.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới tự chủ đại học còn chưa đồng bộ, một số chính sách, quy định về tự chủ đại học chưa triển khai được do vướng mắc bởi quy định tại các luật khác có liên quan..

Bên cạnh đó, tỉ trọng chi ngân sách Nhà nước phân bổ cho giáo dục đại học còn thấp và chưa được phân bổ theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng; cơ chế huy động các nguồn lực xã hội còn gặp nhiều vướng mắc.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa đưa ra 5 giải pháp cho vấn đề tự chủ đại học:

Thứ nhất, nghiên cứu xác định mô hình tự chủ đại học phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thứ hai, đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học.

Thứ ba, đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho giáo dục đại học. Trong đó, chú ý thay đổi phương thức đầu tư theo hướng chuyển từ đầu tư theo dòng kinh phí - hạng mục sang phân bổ kinh phí theo khoản kinh phí và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ, linh động sử dụng nguồn kinh phí đó theo nhu cầu phát triển một cách hiệu quả nhất theo khuôn khổ quy định pháp luật.

Đồng thời, xác định chi phí đào tạo bình quân và suất đầu tư của từng nhóm ngành đào tạo làm cơ sở cho việc tính đúng, tính đủ học phí; từ đó xác định mức học phí cần thu để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Thứ tư, xây dựng chính sách cải cách tiền lương và đẩy mạnh quá trình tự chủ trong các trường đại học để tạo quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học thu hút, giữ chân người tài, chuyên gia đầu ngành.

Cuối cùng, nâng cao năng lực thực hiện tự chủ; đổi mới quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.

Hoài Nam