Nhiều người trẻ bị trầm cảm vì những chỉ trích trên mạng xã hội

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:19, 21/04/2023

Phần lớn người trẻ hiện nay bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mạng xã hội. Họ dễ tin và ít có khả năng miễn nhiễm với các thông tin xấu, độc hại.

Chiều 19/4, tại Nhà hát lớn Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử - LIKE DAY trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ".

Tọa đàm lần này được tổ chức với mục đích truyền tải thông điệp tích cực đến những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, mong muốn mọi người cùng chung tay xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

 Nhiều người trẻ bị trầm cảm vì những chỉ trích trên mạng xã hội - 1

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và người trẻ (Ảnh: BTC).

Theo thông tin của ban tổ chức, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số.

Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới.

Nếu tìm kiếm từ khóa "ứng xử kém văn minh" thì ngay lập tức kết quả trả về trên Google là 17,4 triệu trong vòng 0,36 giây. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).

Kết quả này được Microsoft công bố nhân Ngày Quốc tế An toàn Internet. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Colombia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát này cho thấy văn hóa ứng xử của người Việt đang dần bị mai một, vô tình đầu độc và tiêm nhiễm cả tương lai của thế hệ trẻ sau này.

Tọa đàm cũng chỉ ra được những vấn đề nổi cộm và thực trạng cách ứng xử trên không gian mạng của giới trẻ. Có thể thấy, đa phần khán giả trẻ hiện nay bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mạng xã hội. Họ dễ tin và ít có khả năng miễn nhiễm với các thông tin xấu, độc hại.

Do đó, khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra trên mạng, chưa cần biết đúng sai nhưng các "anh hùng bàn phím" đã vội nhảy vào để bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân.

Nhiều bạn trẻ khi lên mạng có thể trở thành các "quan tòa", dễ dàng phán xét, chỉ trích cuộc sống người khác một cách vô căn cứ. Điều này không chỉ gây mất uy tín, ảnh hưởng tới tâm lý của người bị chỉ trích, mà còn tạo ra lối ứng xử kém văn minh trên mạng xã hội.

Chia sẻ với Dân trí, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros - cho rằng: "Mạng xã hội có nhiều mặt tích cực, nó giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau hơn, có thể lan tỏa được những điều tốt đẹp.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nó cũng ẩn chứa nhiều điều tiêu cực, những thói hư tật xấu, hành vi lệch chuẩn xã hội. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ - những người ít có khả năng miễn nhiễm với điều xấu, đặc biệt là từ những nghệ sĩ mà họ hâm mộ".

 Nhiều người trẻ bị trầm cảm vì những chỉ trích trên mạng xã hội - 2

Siêu mẫu Hạ Vy bày tỏ ý kiến của mình (Ảnh: BTC).

Dưới góc nhìn của người làm nghệ thuật và bậc phụ huynh, siêu mẫu Hạ Vy chia sẻ, nếu người nghệ sĩ có những hành động sai trái, phản cảm thì cơ quan chức năng nên có biện pháp là khóa tài khoản. Phụ huynh cũng nên có trách nhiệm trong việc dạy con cái những ứng xử văn minh trên mạng xã hội.

Là một người trẻ, Thanh Dương - sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội - bày tỏ: "Các bạn trẻ khi lên mạng rất mong muốn được học hỏi và lan tỏa những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, những nội dung xấu, độc hại lại gây tò mò và thích thú hơn. Vì vậy, em mong các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các thông tin lan truyền trên mạng xã hội".

 Nhiều người trẻ bị trầm cảm vì những chỉ trích trên mạng xã hội - 3

Thanh Dương mong các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn (Ảnh: BTC).

Hàng năm, có nhiều người trẻ bị sang chấn tâm lý dẫn đến trầm cảm chỉ vì những lời chỉ trích cay độc của cộng đồng mạng. Nhiều người không vượt qua được cú sốc tâm lý dẫn đến quyết định tiêu cực, bỏ lại gia đình, tương lai.

Trong khi đó, vẫn có không ít YouTuber, TikToker đưa ra những thông tin tiêu cực, độc hại để "câu view", "câu like" bất chấp thủ đoạn, tiêm nhiễm những thứ độc hại vào thế hệ trẻ.

Điển hình như clip "nấu cháo gà nguyên lông", video thách thức, chửi bới của giang hồ mạng, những lời tục tĩu của "anh hùng bàn phím"...

Để tạo nên một không gian mạng lành mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 512/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2023 về việc ban hành kế hoạch hành động, cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, từ tháng 10 năm nay, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, hành động của nghệ sĩ và toàn xã hội; phát huy, lan tỏa những điều tích cực theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Hà My

PV