Các nhà điều tra của EU khám xét văn phòng của hãng thời trang Gucci

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 18:31, 20/04/2023

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin các quan chức EC phối hợp với cảnh sát thuế tại Italy kiểm tra một cơ sở của Gucci tại Milan liên quan đến sản xuất túi xách và các mặt hàng da khác.

Cac nha dieu tra cua EU kham xet van phong cua hang thoi trang Gucci hinh anh 1(Nguồn: AFP)

Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) ngày 19/4 cho biết các nhà điều tra của Liên minh châu Âu (EU) đã khám xét các văn phòng của hãng thời trang xa xỉ Gucci tại thành phố Milan, Italy, trong khuôn khổ cuộc điều tra các hành vi bị nghi ngờ là phản cạnh tranh của các hãng thời trang.

Công ty mẹ của Gucci là Kering, có trụ sở tại Pháp, xác nhận các hoạt động kiểm tra đã bắt đầu từ ngày 18/4 và cho biết công ty đang phối hợp đầy đủ với các nhà điều tra của EC.

Trong khi đó, hãng tin Reuters (Anh) đưa tin các quan chức EC phối hợp với cảnh sát thuế tại Italy kiểm tra một cơ sở của Gucci tại Milan liên quan đến sản xuất túi xách và các mặt hàng da khác.

EC ngày 18/4 cho biết các nhà điều tra và nhân viên giám sát cạnh tranh của cơ quan này đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở của các công ty hoạt động trong ngành thời trang tại một số quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, thông báo của EC không nêu cụ thể tên các công ty cũng như các quốc gia liên quan.

Những công ty bị kết luận vi phạm các quy định của EU có thể chịu mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu, nhưng có thể được miễn trừ nếu hợp tác với EC và kịp thời sửa đổi.

EC nêu rõ đợt kiểm tra này không liên quan các cuộc điều tra khác nhằm vào ngành công nghiệp thời trang trong 2 năm qua, trong đó có cuộc kiểm tra hồi tháng 1/2022 đối với hãng thời trang Pierre Cardin của Pháp và hãng sản xuất quần áo Ahlers của Đức bị nghi vi phạm các quy định của EU về bán hàng trực tuyến và xuyên biên giới.

Các cơ quan chống độc quyền của châu Âu và Mỹ đang điều tra một số tên tuổi hàng đầu trong ngành sản xuất nước hoa thế giới, với cáo buộc thông đồng để ấn định giá bán và cản trở các đối thủ cạnh tranh.

Trước đó, trong thông báo ngày 8/3, Ủy ban quản lý cạnh tranh (COMCO) của Thụy Sĩ cho biết sau khi tham vấn các cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh, lực lượng chức năng đã tiến hành các cuộc đột kích tại nhiều địa điểm khác nhau.

Trong số những công ty lớn đang bị điều tra cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh có các công ty Firmenich International và Givaudan của Thụy Sĩ, công ty International Flavors Fragrances (IFF) của Mỹ và công ty Symrise của Đức.

Theo COMCO, các nhà điều tra nghi ngờ rằng các công ty trên đã thông đồng để ấn định chính sách giá, cản trở các đối thủ cung cấp sản phẩm cho một số khách hàng nhất định và hạn chế sản xuất một số loại nước hoa.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu - cơ quan chống độc quyền của EU, ngày 7/3 cho biết các nhà điều tra đã đột kích trụ sở của một số công ty sản xuất nước hoa trên khắp châu Âu bị nghi ngờ vi phạm luật cạnh tranh.

Các cuộc đột kích được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý cạnh tranh của Mỹ, Anh và Thụy Sĩ.

Nếu bị buộc tội, các công ty bị điều tra sẽ đối mặt với một khoản tiền phạt lớn, có thể lên tới 10% doanh thu toàn cầu.

Ngành công nghiệp nước hoa toàn cầu trị giá hơn 5 tỷ USD, tạo ra các loại nước hoa cao cấp cho các thương hiệu bao gồm Calvin Klein, Hugo Boss và Gucci, đồng thời thiết kế mùi hương cho các sản phẩm gia dụng của các công ty toàn cầu như Procter & Gamble (PG.N) và Colgate-Palmolive (CL.N)./.

Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)

Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)