Thầy giáo bị tố cưỡng dâm, quấy rối: Khi môi trường giáo dục 'vấy bẩn'
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:20, 20/04/2023
Những hành vi tệ hại
Tuần vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin ông T. - Hiệu phó Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) - bị tố nam thanh niên trẻ vào giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh trong trường.
Sốc khi một vị hiệu phó lại có những hành vi được cho là chưa chuẩn mực, thường dùng tay chạm, sờ vào vùng riêng tư của người khác hay nhắn tin, gợi ý những chuyện nhạy cảm.
Chỉ còn vài năm nữa ông T. đã đến tuổi nghỉ hưu. Với hơn 30 năm làm việc trong ngành giáo dục, ông vô tư cho những hành vi đó là "đùa giỡn" và nhiều lần thực hiện ngay tại chính ngôi trường mình đang làm quản lý.
Sự việc vị hiệu phó vừa lắng xuống, dư luận lại bàng hoàng hay tin một trưởng khoa của Trường Đại học Luật Hà Nội nhận mức kỷ luật cảnh cáo khi trước đó có đơn tố cưỡng dâm nữ sinh.
Tại buổi họp báo Quý I/2023 của Bộ Tư pháp hôm qua (ngày 19/4), bà Bùi Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết trên cơ sở xác minh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông L.M.T. bị "tố" cưỡng hiếp nữ sinh; đồng thời, yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Căn cứ quy định, xét nguyện vọng của cá nhân, yêu cầu về công tác cán bộ, nhà trường đã giải quyết cho ông L.M.T. thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/1/2023.
Không chỉ dừng lại ở nghỉ việc, kỷ luật, một số giáo viên còn bị khởi tố, lĩnh án vì những việc làm chưa đúng đắn.
Cách đây 3 ngày, ông B.C.T. - Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi dâm ô đối với học sinh.
Hai học sinh lớp 9 cho biết được ông B.C.T. gọi lên phòng làm việc hỏi về chuyện tình dục cùng những lời nói khiếm nhã và hành vi dùng tay sàm sỡ, sờ vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.
Hay như đầu tháng 4/2023, Công an TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với N.S.H. - giáo viên Trường THCS Xuân Diệu - để điều tra về hành vi "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Ông H. đã có nhắn tin với một nữ sinh lớp 8 tên A. cùng trường với nội dung "gạ tình" trên mức tình cảm.
Dẫu biết đây chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng vẫn khiến nhiều người phải suy nghĩ, trăn trở. Người bị tố cáo có kinh nghiệm lâu năm, có chức quyền, thậm chí nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật nhưng lại có hành vi không chuẩn mực.
Và có lẽ bản án 8 năm tù đối với cựu hiệu trưởng Đinh Bằng My - Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ - 9 nam sinh chưa thể cảnh tỉnh những "yêu râu xanh" trong nhà trường.
Cần ngăn chặn từ mầm mống
Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại là 9 nam sinh trong vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại tỉnh Phú Thọ, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp - nhận định thời gian gần đây, các hành vi xâm hại tình dục như sàm sỡ, dâm ô, quấy rối tình dục... xảy ra nhiều ở nơi, trong đó có cả ở những công cộng, trong môi trường làm việc, thậm chí cả trong trường học.
Người thực hiện hành vi xâm hại tình dục không chỉ là những đối tượng lưu manh, thiếu văn hóa, có tiền án, tiền sự mà cả những người mang danh người thầy, những người có học thức, địa vị trong xã hội...
Ông Cường cho rằng điều đáng buồn là thời gian gần đây phát hiện ngày càng nhiều người thực hiện hành vi xâm hại tình dục đều có trình độ học thức cao, giữ chức vụ.
Không ít người đã bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng tình trạng xâm hại tình dục, quấy rối tình dục nơi công cộng và trong môi trường làm việc vẫn diễn biến phức tạp.
Để đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục, TS Cường cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ nhiều giải pháp trong đó cần cả về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm về xâm phạm tình dục.
Đồng thời, cần giáo dục kỹ năng sống, hiểu biết pháp luật để người bị hại nhận diện các tình huống có thể bị xâm hại tình dục và kỹ năng xử lý tình huống khi đã bị xâm hại tình dục, trong đó có kỹ năng thoát hiểm và có đủ kiến thức, bản lĩnh để đưa sự việc ra ánh sáng.
"Những người bị hại cần mạnh mẽ lên án hành vi quấy rối tình dục, dâm ô, hiếp dâm người khác. Những người có hành vi này cần phải nhận những bản án thích đáng" - Luật sư Cường nhấn mạnh.
TS Khuất Thu Hồng - người sáng lập và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội - nhận định, những hành vi như quấy rối tình dục, dâm ô, hiếp dâm… là những hành vi tệ hại và nguy hại tới trẻ. Điều này dẫn đến môi trường không an toàn cho học sinh, xâm phạm đến phẩm chất, đến thân thể của trẻ.
Theo bà Hồng, ngoài nhiệm vụ dạy kiến thức, thầy cô giáo còn giữ vai trò hướng dẫn, định hướng, cho trẻ được học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh và hạnh phúc.
Đáng nói, nhiều người còn thờ ơ với hành vi đụng chạm, sờ mó, nắn bóp vào các bộ phận của người khác. Như vụ ở Trường Tiểu học Bình Chánh (TPHCM) gần đây, người thực hiện hành vi sờ mó vào vùng nhạy cảm của người khác cho là "chỉ đùa giỡn" còn hiệu trưởng nói "chuyện của hai người". Mặc dù sự việc trên xảy ra trong môi trường giáo dục và người thực hiện đang là hiệu phó.
TS Thu Hồng bày tỏ nhiều người còn nhận thức chưa đầy đủ và chưa đúng về quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục có thể hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào mà chưa được sự chấp thuận, trái ý muốn, làm gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, được thể hiện thông qua nhiều hình thức như: hành động, lời nói, hình ảnh,...
"Những cấp độ nặng như là dâm ô, xâm hại, hiếp dâm đã khá rõ nhưng những hành vi sờ mó hoặc có lời gạ gẫm thì thường bị coi nhẹ. Nhiều người cho rằng việc này vô hại, không gây điều gì nghiêm trọng. Và nếu người bị hại không phàn nàn, không phản ánh thì có nghĩa là không sao. Nhận thức như vậy là không đúng", bà Hồng bày tỏ.
Từ những hành vi quấy rối ban đầu nếu không có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay sẽ rất dễ dẫn đến những hành vi nghiêm trọng hơn.
Bà Hồng phân tích, trong bối cảnh giáo dục nước ta, thầy cô có một quyền lực đặc biệt. Có những hành vi của thầy cô làm dù học sinh cảm thấy không thoải mái nhưng không dám lên tiếng.
Nữ viện trưởng cho rằng, việc thầy cô giáo có hành vi quấy rối tình dục hay bạo hành với học sinh là lạm dụng quyền lực của mình. Dù là lời nói hay là những cử chỉ động chạm đến thân thể của học sinh, có thể là sờ tóc, cổ, tay… mà không được phép, chưa được phép đều là hành vi không thể chấp nhận được.
"Môi trường giáo dục phải là môi trường hoàn toàn trong sạch môi trường mà ở đấy học sinh phải được an toàn 100 % trong mọi phương diện", TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.