Hạn chế lên sóng với nghệ sĩ vi phạm, lệch chuẩn là cần thiết

Xã hội - Ngày đăng : 15:23, 20/04/2023

Chuyên gia cho rằng việc xử lý nghiêm các trường hợp người nổi tiếng vi phạm pháp luật, đạo đức là cần thiết trong xã hội hiện nay.
Diễn viên Hữu Tín - quán quân Cười xuyên Việt - sắp ra tòa vì tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quyết định 512 về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành vào tháng 10.

Theo đó, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Những biện pháp xử lý này nhằm từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ.

Sự bổ sung cần thiết cho Bộ quy tắc ứng xử

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ban hành Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng chỉ mang tính chất định hướng, tham khảo.

Do đó, đây là lần đầu có quyết định liên quan đến vấn đề hạn chế hoạt động của các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật.

Trao đổi với Zing, TS Hà Thanh Vân - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Văn hóa và Giáo dục - cho rằng quyết định này là sự bổ sung cần thiết cho Bộ quy tắc ứng xử được ban hành năm 2021. Tuy nhiên, vì quy trình còn đang xây dựng, TS Hà Thanh Vân nêu quan điểm cần nhận được ý kiến đóng góp rộng rãi từ những nhà quản lý văn hóa, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở các vị trí, cương vị khác nhau, KOLs trên mạng xã hội, ý kiến của công chúng, khán giả.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Văn hóa và Giáo dục chia sẻ: "Đây rõ ràng là một động thái mạnh mẽ hơn, hứa hẹn sẽ hiệu quả so với Bộ quy tắc ứng xử ban hành trước đó, lập lại trật tự trong một môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật còn nhiều bất toàn, hỗn loạn như hiện nay”.

TS Hà Thanh Vân cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những hình thức xử phạt mạnh tay hơn, chẳng hạn từ hạn chế hoạt động văn hóa nghệ thuật có thời hạn đến cấm vĩnh viễn, khóa tài khoản mạng xã hội của KOLs nếu họ vi phạm pháp luật.

Để tăng cường tính hiệu quả, quy trình xử lý phải có các điều khoản cụ thể, rõ ràng về mức độ, hành vi sai phạm cũng như biện pháp xử phạt.

“Tôi nghĩ phải tăng cường đội ngũ kiểm tra các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lưu ý sự phản ánh từ đơn vị truyền thông, báo chí cũng như dư luận xã hội. Ngoài ra, trong quá trình phát hiện, xử lý, cơ quan chức năng cần có sự cập nhật, bổ sung liên tục theo thời gian và tình hình thực tế. Vì thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật của nước nhà luôn có những điều mới, sự thay đổi và phát sinh vấn đề khác", Phó Viện trưởng Viện Khoa học Văn hóa và Giáo dục nói.

Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp hành chính từ phía các cơ quan chức năng. TS Vân cho rằng cần chú trọng thêm hai vai trò.

Đầu tiên là vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc định hướng và lên án những hành vi sai phạm, lệch chuẩn văn hóa của nghệ sĩ, KOLs, từ đó giúp nâng cao ý thức của công chúng khi thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Hai, vai trò phản biện của công chúng, đối tượng khán giả. Thời gian qua, ý kiến đóng góp, làn sóng tẩy chay của một bộ phận công chúng đối với nghệ sĩ vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục là minh chứng rõ nét nhất cho quyền lực của công chúng. Chính sự lên án của công chúng nhiều khi lại hiệu quả hơn cả việc xử phạt hành chính, do tác động trực tiếp đến sự nghiệp, thu nhập, tên tuổi… của nghệ sĩ.

Ủng hộ biện pháp mạnh nhưng cũng cần suy xét nhiều góc cạnh

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương (Đoàn luật sư TP.HCM), qua những quy định nói trên, có thể thấy rằng cơ quan có thẩm quyền đang từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý và có các biện pháp mạnh tay hơn đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục.

Nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, điều này là cần thiết vì các nghệ sĩ, KOLs có ảnh hưởng ngày càng lớn đến nhận thức của công chúng, đặc biệt là các khán giả vị thành niên.

"Việc một nghệ sĩ hoặc một KOL từng vi phạm pháp luật hoặc từng làm các clip phản cảm (để câu view, câu like…) bị xử phạt, rồi sau đó vẫn lên sóng bình thường, vẫn phát triển kênh, sẽ khiến công chúng (đặc biệt là người trẻ) nghĩ rằng việc vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục là bình thường, hoặc thậm chí là việc gì đó hay ho và muốn bắt chước", luật sư nhận định.

Luật sư Hải Dương nói thêm: "Do đó, theo tôi việc hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục là biện pháp có thể xem xét áp dụng để ngăn ngừa bất ổn trong xã hội. Tuy nhiên, việc này cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và có suy xét đến nhiều góc cạnh vì nó ảnh hưởng đến quyền tự do làm việc và kế sinh nhai của các nghệ sĩ, KOLs".

cam song nghe si anh 1
Hiền Hồ bị nhắc tên khi thông tin về việc hạn chế lên sóng, biểu diễn được thảo luận.

Luật sư chia sẻ hiện nay không có văn bản pháp luật định nghĩa thế nào là thuần phong mỹ tục. Việc định nghĩa khái niệm trên cũng không đơn giản, vì thuần phong mỹ tục cũng có thể thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Ví dụ việc ăn mặc táo bạo, để lộ một phần cơ thể ngày càng dễ được chấp nhận hơn trước đây.

"Do đó, việc xử lý hành vi trái thuần phong mỹ tục không dễ thực thi, nhưng theo tôi cũng không quá khó. Một hành vi, một video bị công chúng lên án thì cơ quan Nhà nước có thể căn cứ vào đó để làm cơ sở xác định có trái thuần phong mỹ tục hay không (ngoài các yếu tố khác như có phản cảm không, có ảnh hướng xấu đến xã hội hay không...). Suy cho cùng, thuần phong mỹ tục chính là cách ứng xử được sự chấp thuận bởi số đông", luật sư Dương nói.

Ở Trung Quốc, các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức sẽ bị cấm sóng bằng văn bản. Luật sư cho rằng Việt Nam có thể tham khảo cách làm của ngành giải trí xứ tỷ dân. Tuy nhiên, việc cấm sóng ảnh hưởng đến quyền tự do làm việc, tự do phát ngôn của các nghệ sĩ, KOLs, nên cần phải quy định và áp dụng một cách cẩn trọng, xem xét đến nhiều yếu tố.

Về vấn đề cấm sóng vĩnh viễn một nghệ sĩ vi phạm pháp luật, luật sư Hải Dương cho rằng cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ, không thể ban hành quy định, áp dụng một cách cảm tính.

"Từ trước đến nay, người vi phạm pháp luật hình sự, sau khi thi hành án vẫn có quyền được xóa án tích để tái gia nhập xã hội, làm việc, sinh sống như người bình thường. Họ được trao cơ hội để làm lại cuộc đời. Việc cấm sóng vĩnh viễn một nghệ sĩ tức là tước đi hoàn toàn cơ hội của họ nên phải được nghiên cứu thật kỹ lưỡng, cẩn trọng", luật sư kết luận.