Tiến độ 3 dự án cao tốc bàn giao dịp 30/4
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:28, 20/04/2023
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD) - Bộ Giao thông vận tải, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có kế hoạch hoàn thành ngày 30/4/2023. Dự án trên có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó, 3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công.
Theo Cục QLĐTXD, 3 dự án thành phần hoàn thành ngày 30/4/2023 gồm: Dự án thành phần đoạn tuyến xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,37 km); Dự án đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km); Dự án đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km).
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật tại 2 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đang di dời.
"Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 7/4 đã đạt khoảng 88,4% giá trị hợp đồng", ông Tiến khẳng định.
Đối với từng dự án, Cục trưởng Cục QLĐTXD thông tin, dự án thành phần đoạn tuyến xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63,37 km, tổng mức đầu tư 12.111 đồng, khởi công tháng 9/2020. Kế hoạch hoàn thành ngày 30/4/2023, do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư.
Tính đến ngày 14/4, lũy kế sản lượng đã đạt 91,8% giá trị hợp đồng. Hiện nay nhà thầu đang, nỗ lực thi công khối lượng còn lại tập trung ở công tác thảm bê tông nhựa (khoảng 1,5km) và công tác hoàn thiện (hệ thống an toàn giao thông, cọc tiêu, biển báo…) để đảm bảo đưa tuyến chính cao tốc vào khai thác đúng kế hoạch (đoạn từ đầu tuyến đến nút giao Đông Xuân).
Sau khi hoàn thiện, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45 sẽ nối thẳng Ninh Bình vào đến địa phận thành phố Thanh Hóa (nút giao Đông Xuân, địa phận theo quy hoạch sẽ nhập vào thành phố Thanh Hóa trong thời gian tới).
Tuyến cao tốc sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân đáng kể. Bởi trước đây, thời gian di chuyển từ Hà Nội vào Thanh Hóa mất khoảng 3 giờ với khoảng cách 150 km. Nhưng nếu hoàn thành cao tốc Mai Sơn - QL45, xe ô tô chỉ mất khoảng 1,5 giờ, rút ngắn đáng kể thời gian đi lại.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, ông Tiến cho hay, tuyến cao tốc dài 99km với tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng. Ban QLDA Thăng Long đã khởi công xây dựng từ tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành ngày 30/4/2023.
Đến ngày 18/4, sản lượng hoàn thành đã đạt 93,3% giá trị hợp đồng. Nhà thầu đang hoàn thiện công tác thảm bê tông nhựa tạo nhám (khoảng 26,34 km) và công tác hoàn thiện (đường ngang, hệ thống ATGT, cọc tiêu, biển báo…), đảm bảo đưa tuyến chính vào khai thác đúng kế hoạch.
Dịp 30/4 năm nay, Dự án đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng phải đưa vào khai thác theo kế hoạch. Tuy nhiên theo báo cáo của Cục QLĐTXD, lũy kế sản lượng đến ngày 14/4 mới chỉ đạt 83% giá trị hợp đồng. Nhà thầu đang gấp rút thi công khối lượng còn lại tập trung ở công tác thảm bê tông nhựa (khoảng 13,4km) và công tác hoàn thiện (đường ngang, hệ thống an toàn giao thông, cọc tiêu, biển báo…), đảm bảo đưa tuyến chính vào khai thác đúng kế hoạch.
Dự án đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự án cao tốc dài 100,8 km với tổng mức đầu tư 10.853,9 tỷ đồng. Tuyến cao tốc do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành ngày 30/4/2023.
Như vậy, các Ban quản lý dự án đều đang gấp rút hoàn thiện 3 tuyến cao tốc để đưa vào khai thác đúng thời hạn ngày 30/4 sắp tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, đối với nhóm dự án đang thi công, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp", tăng cường trang thiết bị, nhân lực để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ - mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh, môi trường, không đội vốn bất hợp lý.
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban QLDA 7, Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị trực thuộc tập trung tổ chức thi công hoàn thiện đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây để kịp đưa vào khai thác.
Cụ thể, Bộ GTVT cho rằng, kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy khối lượng công việc hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện còn khá lớn. Do đó, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7 cần rà soát khối lượng các hạng mục còn lại cần thi công để đảm bảo việc bàn giao đưa vào khai thác tạm, xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện theo từng ngày, tập trung thi công 3 ca 4 kíp, đảm bảo hoàn thành các hạng mục.