Quân sự thế giới hôm nay (20-4): Hàn Quốc có thể viện trợ quân sự cho Ukraine
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:00, 20/04/2023
* Hàn Quốc để ngỏ khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine
Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết Hàn Quốc có thể sẽ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nhân đạo và trợ giúp kinh tế cho Ukraine mà quốc gia Đông Á này sẽ viện trợ quân sự cho Ukraine trong trường hợp thường dân Ukraine bị tấn công. Động thái này của Tổng thống Yoon Suk-yeol cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Hàn Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Trước đây, Hàn Quốc tuyên bố không viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trả lời báo giới trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tuần tới, ông Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ Hàn Quốc đang nghiên cứu phương án bảo vệ và tái thiết Ukraine như cách quốc gia Đông Á này đã nhận được viện trợ quốc tế trong giai đoạn 1950-1953 trong Chiến tranh Triều Tiên.
Hàn Quốc để ngỏ khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: Twitter |
Ông Yoon Suk-yeol nói: “Nếu xảy ra tình huống... chẳng hạn như một cuộc tấn công quy mô lớn nào nhằm vào dân thường, một vụ thảm sát hoặc hoạt động quân sự vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh, rất khó để chúng tôi chỉ dừng lại ở hỗ trợ nhân đạo hoặc tài chính”.
Là một đồng minh quan trọng của Mỹ và nhà sản xuất đạn pháo lớn, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, Hàn Quốc cho đến nay vẫn cố gắng tránh gây mâu thuẫn trực tiếp với Nga do quốc gia này hiện có nhiều công ty hoạt động ở Nga và do ảnh hưởng của Moscow đối với Triều Tiên.
Liên quan chuyến thăm tới Mỹ vào tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ tham gia cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden, kỷ niệm 70 năm quan hệ đồng minh và bàn thảo một số nội dung liên quan tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Trong một diễn biến liên quan, Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn vào tuần trước và tuyên bố sẽ phóng vệ tinh do thám vào cuối tháng này.
* Indonesia bác bỏ thông tin phiến quân tiêu diệt hơn 10 quân nhân tham gia giải cứu phi công New Zealand bị bắt làm con tin ở khu vực Papua.
Tư lệnh Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia Đô đốc Yudo Margono và nhiều tướng lĩnh quân đội đã tới Papua sau khi nhận thông tin cánh vũ trang Phong trào Papua Tự do phục kích 36 binh sĩ chính phủ ở Nduga thuộc tỉnh Papua.
Tư lệnh Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia Đô đốc Yudo Margono đã tới Papua. Ảnh: AP đăng trên trang Taipei Times |
Theo phát ngôn viên của lực lượng phiến quân Sebby Sambom, nhóm vũ trang này hiện đang giữ thi thể của 12 binh sĩ chính phủ Indonesia, trong đó có 9 binh sĩ “bị bắt và hành quyết”. Ngoài thông báo này, phiến quân không công bố thêm chứng cứ gì về vụ việc.
Đô đốc Yudo Margono thì khẳng định phía quân đội chính phủ chỉ có một binh sĩ thiệt mạng và 4 binh sĩ khác bị thương; 5 binh sĩ khác đã tìm được đường về đơn vị sau khi thông báo mất tích. 4 binh sĩ bị thương hiện đang trong tình trạng ổn định sau khi được đưa về bệnh viện Timika.
Lực lượng bị phiến quân tấn công đang thực hiện nhiệm vụ giải cứu phi công New Zealand Phillip Mark Mehrten thuộc hãng hàng không Susi Air bị phiến quân bắt giữ làm con tin từ tháng 2-2023.
Ngoài việc khẳng định con số thương vong của binh sĩ Indonesia do phiến quân đưa ra là “hoang tin”, Đô đốc Yudo Margono nhấn mạnh rằng chiến dịch quân sự tại Papua được tiến hành với quan điểm hạn chế tối đa thương vong và chính quyền sẽ tăng cường gây áp lực lên các khu vực do lực lượng phiến quân chiếm giữ, trong đó có Nduga.
* Mỹ thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tại cuộc họp báo ngày 19-4. Ảnh: Turkish Minute |
Theo AFP, ngày 19-4 (giờ châu Âu), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tới thăm Thụy Điển. Tại đây, trong cuộc họp báo với người đồng cấp Thụy Điển Pal Jonson, ông Lloyd Austin đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nhanh chóng thông qua đơn xin gia nhập NATO sau nhiều tháng đình trệ do một số bất đồng giữa Thụy Điển và 2 quốc gia nói trên.
Ông Lloyd Austin nói: “Chúng tôi mong Thụy Điển sớm trở thành thành viên thứ 32 của NATO và muốn điều này được hiện thực hóa tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới. Vì thế, chúng tôi đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn đơn xin gia nhập khối của Thụy Điển càng sớm càng tốt”.
Kết thúc 2 thế kỷ trung lập, Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố xin gia nhập NATO vào tháng 5-2022 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, đến nay mới Phần Lan thực hiện được mục tiêu của mình. Thụy Điển vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản từ Ankara và Budapest.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG (thực hiện)