Huế trưng bày nhiều tư liệu quý dưới triều Nguyễn
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:15, 19/04/2023
Nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị quản lý trực tiếp Quần thể Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức Khai mạc chuỗi hoạt động trưng bày “Lưu dấu lịch sử - khám phá Tàng Thơ Lâu” từ các tài liệu quý dưới triều Nguyễn.
Các tập thể và cá nhân trao tặng sách, các tư liệu quý cho di tích Tàng Thơ Lâu.
Đó là hoạt động Trưng bày sách Hán Nôm (Đại Nam Quang chế; Đại Nam Anh nhã tiền biên; Hoàng triều Ngọc điệp; Ngự chế văn minh cổ khí đồ; Hoàng Việt tân luật; Thượng dụ Huấn điều; Nam quốc Giai sự); Trưng bày bộ tranh "Grande Tenue de la Cour d'Annam" của tác giả Nguyễn Văn Nhân được vẽ tại Huế tháng 12/1902 và các tài liệu trang phục triều Nguyễn; Trưng bày bộ sưu tập văn bằng triều Nguyễn.
Tại di tích Tàng Thơ Lâu còn có không gian trưng bày những hình ảnh, sách, tư liệu được cá nhân, tổ chức trao tặng với tên gọi “Dấu ấn Tàng Thơ Lâu trong chúng ta” để tôn vinh, tri ân các độc giả đã có nghĩa cử cao quý, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Tàng Thơ Lâu nói riêng, nâng cao vị thế của Văn hóa đọc Việt Nam nói chung.
Các tư liệu quý về triều Nguyễn được trưng bày tại triển lãm.
Với nhiều tài liệu quý được lưu trữ tại lầu Tàng Thơ và nhiều tư liệu do các tổ chức, cá nhân trao tặng được triển lãm trong dịp này sẽ là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, kết nối dòng chảy quá khứ, góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Huế, lịch sử văn hóa Huế.
Người dân, du khách tham quan tại triển lãm.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn có các hoạt động Di sản với học đường qua hội thi “Chia sẻ cuốn sách hay” giữa các trường THPT chuyên Quốc Học Huế, trường THPT Nguyễn Huệ, trường THPT Hai Bà Trưng và buổi nói chuyện “Lan tỏa niềm đam mê sách báo” do diễn giả, nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng thực hiện.
Qua các hoạt động Di sản với học đường này giúp các em học sinh thêm niềm tin yêu sách, tôn vinh văn hóa đọc, bồi đắp kiến thức đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước; Góp phần đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, sinh hoạt ngoại khóa, xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” cho các em học sinh, giới thiệu di sản, văn hóa xứ Huế, giáo dục truyền thống yêu nước, bổ sung kiến thức lịch sử cho các em học sinh phổ thông...