Có thể bạn chưa biết, xe tăng cũng có nòng giảm thanh
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:34, 19/04/2023
Ảnh trên không phải là một khẩu pháo hạng nặng. Nó là một thiết bị chế tạo bởi công ty vũ khí Rheinmetal và phòng thí nghiệm kỹ thuật âm thanh IfL. Nó được mô tả với cái tên tank silencer (tạm dịch: thiết bị giảm thanh cho xe tăng). Đây là nỗ lực của công ty Đức nhằm giảm mức độ tiếng ồn khi xe tăng khai hoả tại các cơ sở thí nghiệm vũ khí. Thiết bị giảm thanh mang hình dáng khá ngộ nghĩnh này được cho là có thể giảm tiếng nổ của phát đạn xe tăng từ 115 dB xuống còn 100 dB (khi đo ở khoảng cách 250 mét). Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn âm thanh cho khu vực thí nghiệm, đồng thời tránh được các vụ kiện về ô nhiễm tiếng ồn của người dân sống xung quanh đó.
Về cơ bản, khẩu pháo trên xe tăng có cơ chế hoạt động tương tự trên các khẩu súng. Khi khai hoả, thuốc súng bên trong đạn sẽ được đốt nóng, tạo áp lực lớn đẩy viên đạn ra khỏi nòng. Khi đạn vừa bay ra khỏi nòng, luồng không khí này cũng thoát ra và giãn nở đột ngột tạo ra tiếng nổ lớn. Để giảm độ ồn của tiếng nổ này, nòng giảm thanh (gắn thêm trên súng), và thiết bị giảm thanh cho xe tăng (như nêu trên) sẽ có các khoang nhỏ bên trong, giúp chia luồng không khí ra nhiều phần, khiến chúng giảm dần áp lực khi đi qua các khoang, trước khi thoát ra bên ngoài. Đến khi thoát ra, áp lực và năng lượng của dòng khí này đã bị giảm đi đáng kể, do đó độ giãn nở của chúng cũng không còn nhiều và quá nhanh, nên tiếng nổ cũng sẽ nhỏ hơn.
Nguyên lý này đã được áp dụng khá nhiều trên các ống xả của xe dùng động cơ đốt trong. Chúng cũng có các khoang nhằm giảm độ ồn của động cơ và áp lực của dòng khí nóng trước khi xả ra, nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Dễ nhận thấy nhất là với cùng một mẫu xe máy hai bánh, thì xe của "dân chơi độ bô" (xe đã thay đổi ống xả) thường có âm thanh lớn hơn so với xe nguyên bản của nhà sản xuất.
Trở lại với thiết bị tank silencer trên, nó đang được lắp cố định cho nòng pháo 120mm của Leopard 2, một trong những xe tăng chủ lực của quân đội Đức. Có lẽ nhà chế tạo vũ khí Rheinmetal cũng không có ý định mang nó ra chiến trường bởi kích thước quá cồng kềnh như vậy, cũng như hiệu quả giảm độ ồn cũng khó giúp xe tăng ẩn mình hiệu quả trên chiến trường.
Trước đó, quân đội Mỹ cũng từng sản xuất thiết bị giảm thanh tương tự cho nòng pháo 105 mm trên xe tăng M60 của họ.
Có lẽ những thiết bị này sẽ chỉ xuất hiện tại nơi thí nghiệm vũ khí, chứ khó lòng được sản xuất đại trà và đưa ra chiến trường.