Bí thư Nên: Giám sát 38 dự án, 'cái gì cần xử lý sẽ xử lý'
Xã hội - Ngày đăng : 21:10, 18/04/2023
Ngày 18/4, bên lề kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khoá X, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chia sẻ về việc ông cùng lãnh đạo thành phố trực tiếp giám sát, đôn đốc tiến độ của hơn 38 dự án trọng điểm.
Trong đó, ông Nên làm tổ trưởng tổ công tác của 3 dự án là metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án chống ngập 10.000 tỷ và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Kiểm tra trước để tháo gỡ khó khăn
Về việc lập tổ công tác giám sát các công trình trọng điểm, ông Nên nhận định việc này không hoàn toàn mới, bởi lâu nay lãnh đạo TP.HCM có trách nhiệm lãnh đạo và kiểm tra các dự án. Tuy nhiên trong năm nay, TP.HCM được phân bổ nguồn vốn đầu tư công quá lớn (khoảng 70.000 tỷ đồng) trong khi sức người có hạn, dẫn đến tình trạng quá tải.
Từ việc kiểm tra tiến độ các dự án, lãnh đạo TP.HCM sẽ phát hiện phương pháp, cách làm cũng như thái độ, trình độ năng lực của các đơn vị, để biết "cái gì cần chia sẻ thì chia sẻ, cái gì cần uốn nắn thì uốn nắn, cái gì cần xử lý thì xử lý".
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định việc đi kiểm tra của tổ công tác lần này không phải là cơ quan Đảng làm thay cho chính quyền. Điều này giống như hỗ trợ, chia sẻ những việc liên quan đến lãnh đạo để nhanh thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
"Trực tiếp đi kiểm tra là để lãnh đạo Thành ủy rút ra cách triển khai, thấu hiểu những vướng mắc để không diễn ra tình trạng đè việc xuống làm anh em đuối sức, không đem lại kết quả", ông Nên nói.
Metro số 1 là dự án Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm tổ trưởng tổ công tác giám sát. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, khi đi kiểm tra, giám sát các dự án thì sẽ mời theo các đơn vị thành phần có liên quan, cùng tham gia ngay từ đầu. Điển hình với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, phải tăng cường thêm sự giám sát của UBND TP.HCM, tăng cường kiểm tra giám sát kiểm toán, thanh tra để dự án diễn ra đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, chống tiêu cực.
"Thay vì các dự án làm xong rồi mới đi thì bây giờ tiến hành kiểm tra trước. Việc này vừa giúp chia sẻ, động viên; vừa tháo gỡ được khó khăn", ông Nên nói.
Giải quyết tinh thần đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Tại cuộc họp ngày 16/4, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhận định điều này thể hiện sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Bí thư Nên cho biết sau phản ánh này, địa phương đã chỉ đạo rà soát hết các văn bản, từ đó thống kê và phân loại vấn đề thuộc cấp thẩm quyền nào thì báo cáo thành phố. Từ những đề xuất này sẽ thấy được ai đang gặp vướng mắc, ai đang báo cáo vượt cấp, chưa đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, ông Nên cũng nhìn nhận vẫn tồn tại những vướng mắc về mặt thủ tục, không đồng bộ giải pháp pháp luật. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở riêng TP.HCM hay cơ quan nào đó.
"Bây giờ đặt mình là người nhận hồ sơ, liệu có dám giải quyết khi không có ý kiến của cơ quan khác không. Quan trọng là khi người ta xin ý kiến, mình có cho đúng ý kiến họ cần hay không. Còn nếu không thuộc thẩm quyền thì trả lời đó là thẩm quyền của anh", ông Nên nói.
Bí thư Thành ủy trao đổi bên lề kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khoá X. Ảnh: Hữu Hạnh. |
Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, khó khăn hiện nay khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, song vẫn còn sự không đồng bộ, thậm chí còn bất cập giữa các nơi. Do đó, tâm lý lo ngại của cán bộ khi thực hiện không phải lúc nào cũng vô lý.
Bí thư nhận định khi xuất hiện tình huống mà hệ thống pháp luật có quy định nhưng không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, các đơn vị cần nghĩ cách làm có lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
"Trong bối cảnh đó, cấp thẩm quyền cần đưa ra quyết định, cấp dưới không tự quyết được. Có những điều mà yêu cầu cuộc sống đặt ra nhưng luật chưa quy định thì các đơn vị cũng cần đề xuất, chứ không thể không có là không làm", bí thư Thành ủy phân tích.
Ông Nên cũng nhìn nhận khi công việc được giao, muốn làm đúng và làm tốt thì cần có tiêu chí, tiêu chuẩn và phẩm chất đáp ứng.
"Với trách nhiệm của người lãnh đạo, nếu thấy ý kiến giải trình của cơ quan trực tiếp yếu quá, anh không làm được thì cũng cần nhận xét. Cũng có người làm rất nhiều nhưng không nói được, trong khi người dân cần thông tin này thì phải có ai đó nói hộ, hoặc đưa người đó đi làm việc khác", ông Nên nhận định.