Giáo sư nổi tiếng nói: Nếu bị bắt nạt, hãy dạy con ĐÁP TRẢ! Không phải cổ súy bạo lực mà là cho người khác biết "Tôi không dễ bị bắt nạt"
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 06:45, 18/04/2023
Năm 2018, ở Trung Quốc, một bé gái 14 tuổi sống tại thành phố Tuyên Uy và một bé gái 16 tuổi tại thành phố Đông Hoản đã tự tử do bạo lực học đường. Trước đó năm 2016, một cậu bé 15 tuổi ở tỉnh Thanh Hải cũng tự tử vì bạo lực và để lại cuốn nhật ký viết bằng máu.
Thực tế, tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác. Đứa trẻ bắt nạt, vì không đủ tuổi nên không bị kỷ luật thích đáng. Còn đứa trẻ bị bắt nạt thì rơi vào bóng đen tâm lý. Có em bị ám ảnh đến mức quyết định tìm đến cái chết để giải thoát, trốn tránh thực tại khắc nghiệt. Tuy nhiên đó không phải là cách giải quyết đúng đắn.
"Nước sông không phạm nước giếng. Nhưng một khi người khác cố tình xúc phạm bạn, bạn nên có sự "đáp trả", đây là ý kiến được nhiều người đưa ra khi nói về cách làm thế nào để chống lại bạo lực học đường.
Nói về vấn đề này, trong chương trình Let's talk, Giáo sư Tâm lý học tội phạm nổi tiếng, hiện đang công tác tại Đại học Cảnh sát nhân dân Trung Quốc - bà Lý Mai Cẩn cũng bày tỏ quan điểm đồng tình.
Giáo sư Lý Mai Cẩn
Bà Lý đã kể lại một câu chuyện về cháu gái của mình. Khi đó, cháu của nữ giáo sư bị một cậu bé xô ngã xuống đất, đầu sưng tấy một cục lớn. Giáo sư Lý khuyên cháu, nếu lần sau xảy ra tình huống tương tự, hãy nắm chặt lấy tai của cậu bé đó. Nếu cậu ta không bỏ cháu ra thì hãy dùng sức véo tai thật mạnh. Bị đau, cậu ta sẽ phải bỏ cháu ra.
Theo chuyên gia tâm lý này, lý do khiến thủ phạm không chút do dự bắt nạt nạn nhân là vì nhìn thấy sự yếu đuối, không dám phản kháng. Vì nạn nhân sẽ im lặng sau mỗi lần bị bạo lực nên thủ phạm mới tiếp tục tái diễn hành động của mình. Nạn nhân càng im lặng, không dám lên tiếng hay phản kháng thì vết thương lòng càng tích tụ, lâu ngày gây ra hậu quả khôn lường.
Phản kháng là lối thoát khỏi sự bắt nạt
Trong bộ phim nổi tiếng "The Road Not Taken" (Những ngã rẽ khác) có một tình tiết như sau: Khi đứa con bị bắt nạt, người bố đã hỏi tại sao con không đánh lại? Đứa trẻ nói, dù đánh lại cũng không thắng. Nhưng người bố nói rằng: "Đánh nhau được hay không là vấn đề năng lực, còn dám đánh hay không là vấn đề thái độ. Thái độ quyết định số phận".
Chúng ta vẫn thường nói câu "một điều nhịn, chín điều lành", hay "chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có gì". Tuy nhiên, khi một đứa trẻ liên tiếp bị bắt nạt thì nhẫn nhịn không thể giải quyết được vấn đề. Dạy con nhẫn nhịn một cách mù quáng, đôi khi sẽ đẩy con đến bờ vực đau khổ, tuyệt vọng.
Ảnh minh họa.
Phải nói rất rõ rằng: Chúng ta không tán thành việc con cái dùng bạo lực với người khác. Tất nhiên, tiền đề hình thành quan niệm này là một hệ thống giáo dục trưởng thành, cha mẹ dạy con cái biết cư xử hòa nhã với người khác thông qua giới luật và hành động.
Nếu cha mẹ nào cũng biết cách dạy dỗ con như vậy thì bạo lực học đường tự nhiên sẽ mất. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng làm được điều đó! Vì vậy, ta cần phải dạy con cách thoát khỏi bạo lực học đường.
Theo Giáo sư Lý Mai Cẩn, cha mẹ cần ghi nhớ 2 điều để giúp con thoát khỏi bạo lực học đường:
- Đầu tiên, muốn không bị bắt nạt, trẻ cần được hình thành ý thức bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ. Điều kiện kiên quyết để "đáp trả" những kẻ bạo lực học đường là một thể chất cường tráng. Đây là điều cần phải rèn luyện từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành.
Khi đối mặt với kẻ bắt nạt, nếu trẻ có thân hình cường tráng, khỏe mạnh thì sẽ tự tin hơn và ngược lại. Nếu trẻ quá nhỏ bé, yếu ớt thì dễ tự ti và khiến đối thủ càng kiêu ngạo.
"Dạy trẻ em không bắt nạt người khác là giáo dục gia đình. Để trẻ không bị bắt nạt, bạn phải giúp con rèn luyện thể chất", giáo sư Lý đúc kết lại.
- Thứ hai, về vấn đề phản kháng. Chúng ta không khuyến khích con phòng thủ thái quá. Vì một khi phấn khích lên rất dễ dẫn đến bạo lực quá mức, gây ra hậu quả xấu. Trên thực tế, chúng ta cần dạy con đáp trả một cách có chừng mực, tránh quá đà, ăn thua đủ. Thay vào đó, hành động đáp trả của trẻ ở mức vừa phải, phù hợp để khiến đối phương thấy rõ mình không phải là người chỉ biết chịu đựng.
Chúng ta không cổ súy việc dùng bạo lực để chế ngự bạo lực, mà là dạy trẻ thể hiện rằng: "Tôi không dễ bị bắt nạt đâu".
Theo Phụ nữ Việt Nam