Rác thải bủa vây tuyến đường sắt nội đô TPHCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:32, 17/04/2023
Nhiều năm qua, các đoàn tàu xuất phát và trở về ga Sài Gòn phải lăn bánh qua một bãi rác lộ thiên giữa ngã tư đường Trần Văn Đang - Đỗ Thị Lời (phường 11, quận 3) ngay trước đường đi của Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn.
"Người ta xả rác vào ban đêm nên khó quản lý được. Vào mùa mưa, mùi hôi bốc lên từ bãi rác này kinh khủng lắm, nhà có cháu nhỏ, tôi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu", bà Nguyễn Thị Kim Hồng (54 tuổi, ngụ quận 3) nói với phóng viên về "điểm đen" trên tuyến đường sắt quốc gia.
Rác thải xuất phát từ chính khu dân cư ven đường tàu, tràn vào đường ray. Một số người dân cho biết, nhân viên đường sắt và chính họ thường xuyên phải dọn gọn và đốt bớt để chất thải không ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu hỏa. Chính quyền phường 11 (quận 3) đã nhiều lần có mặt nhắc nhở và xử phạt người xả rác, nhưng không thể triệt để.
Không chỉ có bãi rác "nổi bật" trên, khung cảnh dễ thấy nếu đi dọc đường tàu là hễ đoạn nào có nhà dân, xung quanh đường ray sẽ xuất hiện rác thải, phế liệu.
Sát đường ray, chỉ cần tàu chạy qua không chạm trúng, thì khoảnh đất đó có khả năng cao bị người dân sử dụng trồng cây như sân nhà mình. Người dân cũng chiếm dụng hàng rào an toàn đường sắt để có thêm nơi phơi phóng, treo móc đồ dùng. Hành lang an toàn đường sắt trở thành "hành lang nhà mình".
Không ít đoạn hàng rào bị người dân tháo dỡ để làm lối ra vào khu vực đường ray. "Họ vào để vứt rác, trồng rau, nuôi gà, dắt chó đi vệ sinh, thu nhặt phế liệu, thậm chí kẻ gian vào cắt trộm sắt thép", ông Nguyễn Văn Hồng (66 tuổi, phường 5, quận Phú Nhuận) sống ven đường tàu từ năm 1986 kể lại những tiêu cực từng chứng kiến.
Chui rào, leo rào là "sinh hoạt thường ngày" của người dân ven đường tàu nội đô TPHCM.
Tuyến đường sắt quốc gia chạy trong nội đô TPHCM nằm song hành cùng đường bộ dân sinh, giao cắt 24 tuyến đường bộ (gọi là đường ngang), "kẹp" giữa các khu dân cư đông đúc và dòng xe qua lại tấp nập mỗi ngày.
Theo lời kể của các hộ dân, vài chục năm trước cửa nhà họ nằm sát đường ray, tàu đi qua làm cửa nẻo rung bần bật như muốn rụng ra. Sau này, thành phố và ngành đường sắt đã quy hoạch lại hành lang an toàn cách nhà dân ít nhất 8m như hiện nay. Mỗi ngày, những đoạn đường dân sinh nhỏ ven ray thường chịu áp lực giao thông như kẹt xe, va chạm từ các xe máy của người địa phương lẫn người khác đi qua.
Tại các đường ngang, nhân viên gác chắn đường sắt đến nay vẫn phải thủ công kéo rào chắn phương tiện giao thông đường bộ mỗi khi tàu qua lại. Khi chuông cảnh báo vang lên, thanh chắn từ từ được kéo ra, nhiều người vẫn bất chấp vượt qua để không phải dừng chờ tàu.
"Những trục đường ngang lớn như Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), mỗi lần tàu chạy qua trúng giờ cao điểm, chúng tôi phải đi kéo thanh chắn sớm hơn thông thường, mới có thể kịp ngăn dòng phương tiện đang ùn ứ qua đường ray", anh Mai Thân (nhân viên gác chắn ngang) nói với phóng viên.
Trước hiện trạng xung đột giữa đường sắt nội đô và đường bộ, từ năm 2007, TPHCM đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia theo hướng di dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu về ga Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chuyển thành đường sắt đô thị để phục vụ giao thông công cộng.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã phản đối và đề nghị vẫn giữ nguyên hiện trạng. Theo đó, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu tổ chức giao cắt khác mức, đưa đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao để giải quyết vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Song đến nay, chưa có phương án nào được tiến hành.
Hành trình 1.729km của tuyến đường sắt quốc gia đã đi xuyên nội đô TPHCM đến ga Sài Gòn trong 40 năm nay. Quãng đường này dài 14km qua 5 quận nội thành: Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 3, nằm lọt thỏm giữa các khu dân cư.
Nói về cảnh đẹp của tuyến đường sắt nội đô hiện tại, người dân địa phương thường giới thiệu một đoạn đường ray chạy giữa hai hàng cây hoa vàng tại hẻm đường Lê Văn Sỹ (phường 13, quận Phú Nhuận), vừa đẹp vừa sạch. Xuất phát từ yếu tố này, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đã có kế hoạch biến đường tàu độc đạo thành , nhằm xây dựng thương hiệu đường sắt thân thiện thu hút khách du lịch.
Sơ đồ tuyến đường sắt quốc gia đi trong nội đô TPHCM dài 14km (Ảnh: Google Maps).