Chuyện gì đang xảy ra với Hoa hậu Hòa bình Thái Lan?
Showbiz - Ngày đăng : 15:26, 17/04/2023
Miss Grand International – Hoa hậu Hòa bình Quốc tế là cuộc thi được khởi xướng từ Thái Lan vào năm 2013, hướng tới thông điệp Chấm dứt chiến tranh và bạo lực.
Là cuộc thi “sinh sau đẻ muộn” nhưng sau một thập kỷ, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế đã nhanh chóng được đánh giá là một trong 6 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh.
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được đánh giá cao vì quy mô, chất lượng tổ chức ổn định. Hàng năm cuộc thi thu hút số lượng đông thí sinh tham gia, chất lượng thí sinh cũng được đánh giá là cải thiện qua từng năm. Các người đẹp đăng quang từ 2013 đến nay được đánh giá là xứng đáng. Bên cạnh đó, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được cho là biết chiều fan, khai thác truyền thông tốt để tạo được tiếng vang.
Là cuộc thi “con” của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế nhưng Hoa hậu Hòa bình Thái Lan được đánh giá hoành tráng không kém với quy mô cầu kỳ, sức hút với truyền thông. Tuy nhiên, sau một thập kỷ tồn tại và phát triển, Hoa hậu Hòa bình Thái Lan đang để lộ nhiều bất cập khiến khán giả băn khoăn về chất lượng, vị thế của nó.
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế nhanh chóng lọt vào Big 6 sau một thập kỷ phát triển.
Cách điều hành bất ổn của ông Nawat
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế và Hoa hậu Hòa bình Thái Lan đều được điều hành bởi Nawat Itsaragrisil – một doanh nhân người Thái được cho là thông minh và đầy tham vọng.
Không thể phủ nhận sự nhanh nhạy, tài năng của ông Nawat và cộng sự trong việc đưa Hoa hậu Hòa bình Quốc tế lên tầm cao mới chỉ trong vòng 10 năm phát triển. Sự quyết đoán của vị chủ tịch này được cho là yếu tố tiên quyết giúp Hoa hậu Hòa bình Quốc tế thành công.
Tuy nhiên sự quyết đoán của ông Nawat đang dần biến thành độc đoán, khiến cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan bộc lộ nhiều điều bất ổn và dần mất vị thế trong lòng khán giả.
Nawat Itsaragrisil – một doanh nhân người Thái được cho là thông minh và đầy tham vọng.
Ngay từ khi khai sinh cuộc thi Miss Grand International, ông Nawat đã sáng tạo ra khẩu hiệu cho cuộc thi của mình "We are Grand - The One and Only" (Tạm dịch: Chúng tôi là Grand - số một và duy nhất). Ông Nawat cũng không giấu tham vọng biến cuộc thi Miss Grand International thành thương hiệu sắc đẹp số một thế giới, vượt qua các cuộc thi khác như Miss Universe hay Miss World.
Với ông Nawat, Miss Universe được coi là đối thủ trực tiếp. Vị chủ tịch Hoa hậu Hòa bình cũng nhiều lần thẳng thừng thể hiện thái độ khiêu chiến với Hoa hậu Hoàn vũ. Đỉnh điểm là hành động “cà khịa” ngay trên sân khấu chung kết Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 khiến vị chủ tịch bị chỉ trích cao ngạo.
Để thực hiện chiến lược của mình, ông Nawat đưa ra những quy định khắt khe đối với quốc gia muốn tham dự Miss Grand International. Tuy không bắt đấu thầu bản quyền giống bà Anne Jakrajutatip, ông Nawat yêu cầu các quốc gia tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình cấp quốc gia để tìm ra một đại diện "danh chính ngôn thuận" đến với cuộc thi Miss Grand International.
Ông Nawat cũng đưa ra những cấm đoán được cho là cực đoan. Theo đó, vị chủ tịch cấm các người đẹp từng giành danh hiệu tại cuộc thi của mình đăng ký tham dự sân chơi nhan sắc khác. Đỉnh điểm là vào năm 2015, ông Nawat tước vương miện của Claire Elizabeth Parker - Hoa hậu Hòa bình 2015 khi cô quyết định dự thi Miss Universe Australia 2019 để tìm kiếm cơ hội tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới.
Gần đây nhất, ông Nawat tiếp tục gây tranh cãi khi ra thông báo những thí sinh từng tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan sẽ không còn cơ hội dự thi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2023. Ông Nawat cũng cho biết các cuộc thi Miss Grand cấp tỉnh tại Thái Lan đều phải chấp hành nội quy mới này. Nếu giám đốc của đơn vị địa phương nào vi phạm đều sẽ bị rút giấy phép.
Những quyết sách của ông Nawat trong thời gian qua đều nhận về chỉ trích thay vì sự ủng hộ của công chúng. Ông Nawat bị cư dân mạng chỉ trích là dùng nhiều chiêu trò "câu like" và thiếu chuẩn mực trong phát ngôn.
Nhiều người cho rằng nếu ông Nawat không thay đổi tích cực trong thời gian tới thì đẳng cấp của cuộc thi Miss Grand International tiếp tục đi xuống, khó cạnh tranh với các cuộc thi sắc đẹp khác.
Rời xa tiêu chí của thi hoa hậu
Nổi tiếng là cuộc thi sắc đẹp được lòng fan Thái, Hoa hậu Hòa bình Thái Lan đề cao tính giải trí, hài hước như một cách thu hút thêm người hâm mộ cho mình.
Là cuộc thi con của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế nhưng Hoa hậu Hòa bình Thái Lan được đánh giá là có cách thức tổ chức và điều hành khác hẳn để phù hợp với thị hiếu của khán giả xứ sở chùa vàng.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất đó là màn hô tên vốn được coi là “đặc sản” của Hoa hậu Hòa bình Thái Lan. Với Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, thí sinh chỉ hô tên và quốc gia một cách bình thường, thanh lịch thì dàn người đẹp Hoa hậu Hòa bình Thái Lan lại tìm mọi cách làm lố để được chú ý. Và điều này được ông Nawat hưởng ứng.
Hoa hậu Hòa bình Thái Lan ngập tràn "trò lố" của dàn thí sinh.
Không chỉ màn hô tên, cách trình diễn của thí sinh Hoa hậu Hòa bình Thái Lan cũng bị đánh giá là độc, dị. Lần đầu trên các sân khấu hoa hậu, người ta thấy các thí sinh nhảy nhót, múa cột hay thậm chí là nhào lộn khi trình diễn bikini, váy dạ hội. Và ông Nawat hoàn toàn thấy ổn với điều này bởi ông biết đây là điều khán giả Thái Lan thích thú.
Trong những năm đầu, sự hài hước trong cách trình diễn của thí sinh Hoa hậu Hòa bình Thái Lan được coi là một “gia vị” khác biệt giữa một rừng cuộc thi sắc đẹp đang được đánh giá là ngày càng nhàm chán.
Tuy nhiên, dần dần công chúng cảm thấy khó chịu vì sự lố lăng ngày càng “nặng đô”. Thậm chí, nhiều khán giả còn so sánh Hoa hậu Hòa bình Thái Lan là một… rạp xiếc vì những trò lố của thí sinh.
Việc ông Nawat dung túng cho dàn thí sinh pha trò phản cảm khiến nhiều người đặt câu hỏi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan có là một cuộc thi sắc đẹp đúng nghĩa hay không.
Thương mại hóa bằng những trò lố
Là một doanh nhân nên cách điều hành của ông Nawat được cho là đi theo hướng thương mại hóa nhằm mang lại lợi nhuận tối đa cho cuộc thi. Tuy nhiên chính vì điều này mà ông Nawat bị chỉ trích nặng nề. Họ cho rằng người đàn ông này đang lợi dụng các cô gái để kiếm lợi.
Đỉnh điểm của tranh cãi là khi ông Nawat bắt các thí sinh của Hoa hậu Hòa bình Thái Lan phải livestream để bán hàng.
Ông Nawat bị chỉ trích lợi dụng các người đẹp để livestream bán hàng.
Ông Nawat đưa ra luật nếu người đẹp nào đạt chỉ tiêu 200 đơn hàng, tương đương khoảng gần 500 triệu đồng sẽ được ông xem xét cho vào top tại Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2023 và được cùng ban tổ chức đến Việt Nam để khảo sát cho cuộc thi Miss Grand International 2023.
Vì lời hứa hẹn của ông Nawat, các Hoa hậu Hòa bình cấp tỉnh ở Thái Lan đã liên tục livestream để bán các sản phẩm thuộc thương hiệu của ông Nawat. Tuy nhiên để có thể chốt 200 đơn hàng là điều không hề dễ dàng. Chính vì thế, các người đẹp phải tìm mọi cách, làm đủ trò để mua vui cho khán giả.
Việc các người đẹp làm lố trên livestream để bán hàng khiến công chúng chỉ trích. Ông Nawat bị khán giả cho rằng dùng các người đẹp để kiếm tiền bất chấp hình ảnh cuộc thi. Tuy nhiên, sự thật cho thấy rằng bất chấp những chỉ trích, ông Nawat đã kiếm bộn tiền. Sau 10 ngày phát động bán hàng livestream, ông Nawat thu về 6 tỷ đồng.
Không chỉ doanh thu từ livestream, ông Nawat còn kiếm tiền nhờ chiếu series truyền hình dạng tính phí - GL Show Me Love (phí khoảng 200.000 đồng/tháng cho 4 tập, đã có hơn 15.000 tài khoản đăng ký từ lúc chính thức mở. Show dự kiến chiếu trong 3 tháng, có thể mang về doanh thu 3 tỷ đồng).
Ngoài ra, các buổi hòa nhạc, fan meeting, sinh nhật offline, online cũng được ông Nawat tổ chức để thu lợi nhuận với giá vé dao động từ từ 1,4 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng.
Trước đó, ông Nawat cũng bắt các Hoa hậu, Á hậu Hòa bình 2022 phải livestream bán hàng sau khi đăng quang. Nhiều khán giả cho rằng với cách điều hành của ông Nawat, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình ngày càng bị thương mại hóa và sa sút về mặt hình ảnh.
Theo Tiền Phong