Điểm tin kinh doanh 17/4: Giá vàng liên tục nhảy múa, nguy cơ rủi ro cao

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 17/04/2023

Ô tô nhập giá dưới 500 triệu đồng từ Thái Lan, Indonesia ồ ạt về Việt Nam; Kinh tế thế giới có thể lao đao vì quyết định của OPEC+

- Giá vàng liên tục nhảy múa, nguy cơ rủi ro cao

Giá vàng thế giới tăng vọt 2.069,4 USD/ounce, kéo theo vàng miếng SJC trong nước lên trên 67 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cũng tăng vọt lên 57 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng nhanh chóng hạ nhiệt, nhà đầu tư lướt sóng trước nguy cơ lỗ nặng.

Tuần qua, giá vàng nhảy múa liên tục. Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng vào thứ 5, kim loại quý này đã mất đi tất cả các mức tăng hàng tuần vào thứ 6 và giảm 40 USD trong ngày, "rơi" về sát ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Cụ thể, giá vàng thế giới phiên 13/4 ở mức cao nhất 2.069,4 USD/ounce (kể từ ngày 6/8/2020). Khi đồng USD xuống giá, những lo ngại về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất đã làm tăng nhu cầu đối với các kim loại quý.

Tuy nhiên, sau đó, giá vàng lao dốc trong phiên giao dịch cuối của tuần này do áp lực chốt lời sau đợt tăng giá mạnh. Phiên cuối tuần 16/4, đứng ở mức 2.004 USD/ounce, giảm 3,6 USD/ounce so với đóng cửa phiên giao dịch tuần trước.

Ông Spina cho rằng hiện rất khó để dự báo giá vàng đã sẵn sàng lập kỷ lục mới trong những ngày tới. Tuy nhiên, với khả năng lãi suất dừng tăng, lạm phát chưa quay về mức mục tiêu 2% và nền kinh tế có nguy cơ suy giảm, khả năng lạm phát đình trệ là có thể xảy ra. Điều này có thể tạo đà để giá vàng tăng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 15/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức giá 66,3 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi vàng nhẫn mất hơn 500.000 đồng/lượng. Thị trường ít sôi động, nhưng người mua vẫn thua lỗ nặng nề nếu đầu tư lướt sóng.

Với giá vàng trong nước giảm nhẹ và giá vàng thế giới neo ở mức 2.004 USD/ounce (tương đương gần 57,1 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa tính thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 9 triệu đồng/lượng.

- Người trẻ Việt trong và ngoài nước chọn Viettel Digital Talent 2023 để khởi đầu hành trình làm sản phẩm công nghệ

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội đã tổ chức lễ khai giảng chương trình Thực tập sinh Tài năng (Viettel Digital Talent) 2023. 192 sinh viên xuất sắc tuyển chọn từ gần 1,900 hồ sơ trong vòng sơ loại được phát động từ đầu tháng 3/2023. Số lượng hồ sơ dự tuyển năm nay gấp gần 2 lần năm 2022.

Tại mùa 3, Viettel Digital Talent mở rộng khu vực đào tạo tại cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại 6 lĩnh vực - Cloud, Cyber Security, Data Science & AI, Internet of Things, 5G và Software & Data Engineering.

Năm nay, Viettel cũng tiếp nhận thêm các ứng viên đang được đào tạo tại nước ngoài. Tại giai đoạn đào tạo 3 tháng đầu tiên, các bạn có thể tham gia từ xa (online) và nếu hoàn thành tốt sẽ có cơ hội thực tế tại 9 cơ quan đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng của Viettel trong giai đoạn tiếp theo.

Trong lần đầu mở rộng nhóm đối tượng, Viettel đã lựa chọn được gần 40 du học sinh đang học tập tại 8 quốc gia khác nhau bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Bên cạnh đó, 45% ứng viên tham dự chương trình năm nay là các sinh viên từng đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế.

- Ô tô nhập giá dưới 500 triệu đồng từ Thái Lan, Indonesia ồ ạt về Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong tháng 3 xe ô tô nhập khẩu cũng chủ yếu từ ba thị trường chính gồm Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 đã có tổng cộng 14.959 chiếc xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch gần 343 triệu USD. So với tháng liền trước, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đã tăng 2.814 chiếc về lượng và hơn 92 triệu USD về giá trị.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 41.190 chiếc ô tô với giá trị kim ngạch đạt hơn 883 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong quý I đầu năm nay tăng 41,7% về lượng và 35,2% về giá trị.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, trong tháng 3 xe ô tô nhập khẩu cũng chủ yếu từ ba thị trường chính gồm Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Trong đó, xe từ Thái Lan vẫn chiếm 8.292 chiếc vào Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch hơn 167 triệu USD; từ Indonesia với số lượng 4.148 chiếc và giá trị hơn 57 triệu USD và từ Trung Quốc, đạt 1.316 xe về lượng và hơn 52 triệu USD về giá trị.

Trung bình, xe nhập khẩu từ Thái Lan có giá 20.183 USD/chiếc (tương đương 473 triệu đồng/chiếc). Trong khi đó, con số tương ứng của xe nhập khẩu từ Indonesia là 13.851 USD (tương đương với 324 triệu đồng/xe) . Xe Trung Quốc vào Việt Nam có giá trung bình cao hơn, đạt 39.859 USD (tương đương với hơn 900 triệu đồng/xe).

Đáng chú ý, trong tháng 3 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 38 chiếc ô tô từ Ấn Độ về, đạt giá trị 638.772 USD. Trung bình, xe nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam có giá chỉ 16.809 USD (gần 400 triệu đồng/chiếc).

Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu từ Đức chỉ đạt số lượng 138 chiếc nhưng sở hữu giá trị lên đến hơn 11 triệu USD. Trung bình, 1 chiếc xe nhập khẩu từ Đức về Việt Nam có giá 82.526 USD (tương đương với 1,9 tỉ đồng/chiếc).

Tương tự như vậy xe nhập khẩu từ Hàn Quốc trong tháng 3 có 23 chiếc, đạt giá trị hơn 2 triệu USD.

- MobiFone ra mắt thương hiệu giới trẻ dành cho GenZ

MobiFone vừa cho ra mắt thương hiệu giới trẻ mới mang tên Saymee.

Saymee được sáng tạo bởi GenZ và dành riêng cho GenZ. Gói cước tập trung vào data (dữ liệu) với những ưu đãi trên nền tảng mạng xã hội mà GenZ yêu thích, bổ sung tính năng "cú đêm" không tính cước data vào khung giờ đêm...

Với tinh thần sáng tạo trong cách nhìn, đổi mới trong sản phẩm, thấu hiểu để bắt kịp mọi xu hướng, Saymee mang tới những sản phẩm và dịch vụ được “may đo” riêng cho giới trẻ, với từng cá tính riêng biệt để trở thành một người bạn thân thiết trong suốt chặng đường tương lai của các bạn trẻ: Online vô cực – Giải trí vô cực – Quà tặng vô cực.

- Kinh tế thế giới có thể lao đao vì quyết định của OPEC+

Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sẽ khó được đảm bảo sau khi các thành viên OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu hơn 1,6 triệu thùng/ngày.

Theo CNBC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây đã cảnh báo việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu có thể làm thâm hụt nguồn cung dự kiến ​​và gây cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong báo cáo thị trường mới nhất của mình, IEA cho biết động thái “phòng ngừa” của OPEC+ là một tin xấu đối với người tiêu dùng giữa thời điểm bất ổn kinh tế gia tăng.

“Người tiêu dùng đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá đối với các nhu yếu phẩm cơ bản. Tuy nhiên, họ bây giờ sẽ phải thắt chặt hơn nữa các khoản chi tiêu của mình. Đây là tín hiệu xấu cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của IEA nhận định.

OPEC+ là một nhóm bao gồm 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và được lãnh đạo bởi Saudi Arabia và Nga. Tổ chức này sẽ thường xuyên trao đổi để xác định lượng dầu thô bán ra trên thị trường toàn cầu.

Việt Báo (Tổng hợp)