Chuyện dài Tiktoker: Chê sao cho vừa lòng người?

Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:35, 14/04/2023

Theo thông tin chính thống, mạng xã hội (MXH) TikTok sẽ bị thanh tra toàn diện về nhiều vấn đề trong thời gian tới. Thôi hãy cứ để sự kết luận cho phía cơ quan chức năng, ở đây tôi chỉ đang nghĩ về một khía cạnh nhỏ của câu chuyện dài mang tên TikTok: khen chê trên mạng xã hội.
do_an_1.jpg
Từ khi nào các quán ăn và 'reviewer' từ cộng tác trở thành đối đầu?

Review – đâu chỉ vui vui mà bền

Câu chuyện ồn ào của TikToker nói chung và TikToker làm nghề review món ăn, hàng quán, không quá mới, mà đã râm ran vài năm nay. Đặc biệt từ nửa cuối 2022 đến nay tại VN, tôi nhận thấy sự quan tâm của xã hội về vấn đề này càng cao hơn. Lí do có thể một phần vì sự phát triển ngày càng mạnh của MXH này ở nước ta, phần khác là vì một số TikToker đã có cách thể hiện hơi thái quá trong cách họ review, nhằm tạo phong cách riêng hoặc “câu” view, “câu” tương tác.

f0e508f9ddbb34e56daa.jpg
Nhiều 'reviewer' bị cấm cửa tại các quán ăn.

Nhìn chung, xét về chất lượng lẫn chiều sâu, các KOL chuyên review thức ăn, hàng quán vẫn chưa có nhiều sự phát triển, mà đang thiên về cách sáng tạo nội dung mang tính vui vẻ gần gũi, chủ yếu nhìn nhận về không gian, cách bài trí, trải nghiệm người dùng hơn là thực sự am hiểu ẩm thực. Ngoài ra cũng có vài trường hợp các bạn KOL đang phê bình, chê bai hơi quá đà.

Đúng là nghề này hiện nay kiếm ra tiền (đóng thuế thế nào thì… là chuyện khác). Nhưng cũng như bao nghề nghiệp trên đời, nếu bạn muốn đi xa trong lĩnh vực của mình, bạn cần vững chuyên môn. Ở lĩnh vực “sáng tạo nội dung”, chuyên môn bao gồm một số kỹ năng, kiến thức chính như: sự am hiểu về truyền thông, mạng xã hội, kỹ thuật quay - dựng, và tất nhiên không thể thiếu sự hiểu biết về quy định pháp luật để không sa đà vào những nội dung có khả năng bị “vạ miệng”. Bên cạnh đó, chuyên môn về lĩnh vực mình review là rất quan trọng, cần sự am tường ở một chừng mực nhất định để cẩn trọng hơn trong phát ngôn.

Mà ở đây, tôi chỉ mới dám “lạm bàn” về một mặt của câu chuyện review hàng quán. Còn biết bao lĩnh vực đang được “phê bình” tràn lan trên MXH này, như: làm đẹp, nuôi thú cưng, cách tập thể hình, cách học ngoại ngữ, cách khởi nghiệp,… Vô vàn “chuyên gia” đang đưa ra những nhận định khen chê ở kênh truyền thông được giới trẻ dùng nhiều nhất.

Khen thế nào, chê ra sao

Để đưa những nhận định, cách phát ngôn của TikToker vào khuôn khổ hơn, tôi nghĩ các chuyên gia pháp lý đã phân tích khá nhiều và cụ thể về câu chuyện này. Những năm gần đây, khung hành lang pháp lý của nước ta về Thông tin - Truyền thông cũng đang dần hoàn thiện để theo kịp với sự phát triển mạnh của mạng xã hội.

Giới trẻ cần có sự cập nhật sâu sát những quy định mới từ pháp luật nước sở tại. Không thể nói rằng reviewer nước khác làm được thì mình cũng làm được, vì như vậy về cơ bản là ngộ nhận và quá bất cẩn! Mạng xã hội sống động và phát triển được vì sự sáng tạo, song không nên đi quá đà.

095671bb-5e75-47c7-9ffb-9b8a324af845.jpg
Khen - chê sao cho 'tâm phục khẩu phục' là thách thức cho bất kỳ reviewer nào.

Do đó, không riêng gì người trẻ mà bất cứ ai nếu chưa trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm làm reviewer cũng sẽ dễ dàng mắc sai sót vì lỗi mà dân “nhà nghề” hay gọi chung là non tay. Ví dụ, reviewer đó sẽ thể hiện sự chủ quan trong nhận định, so sánh hay phân tích, hoặc đưa ra các kiến giải, nhận xét hời hợt trên bề mặt do chưa nắm rõ các nguyên lý về ẩm thực Đông – Tây, cách bày trí, cách phối hợp thức ăn, thế nào là sự phá cách,… Vậy nên giới reviewer cần cẩn trọng và có sự tiếp thu các đóng góp sẽ tốt hơn, giúp chính mình có sự nghiệp sáng tạo nội dung bền vững hơn và xã hội cũng bớt đi những tranh cãi không đáng có.

Một so sánh có thể hơi khập khiễng giữa báo chí và mạng xã hội, song nếu nhìn nhận từ góc độ các cây bút bình luận giữ cột (column) chuyên gia trên báo in/ tạp chí, thường thì họ đều là những cây bỉnh bút có thâm niên, được toà soạn tin cậy đưa ra nhận định.

new-project-1-87f92497.jpg
'Không thể nói rằng reviewer nước khác làm được thì mình cũng làm được'.

Hoặc đó là các cây bút chuyên gia trong giới học thuật, có chuyên môn về vấn đề nên được toà soạn mời tham gia bình luận. Điều này cho thấy sự thẩm định nội dung và chuyên môn vẫn luôn cần được tôn trọng trong các vấn đề mang tính khen – chê, nhằm đảm bảo tính khách quan và không gây chia rẽ trong dư luận theo những chiều hướng cực đoan, thiếu kiểm chứng.

Khen chê sao cho vừa chính xác, vừa… hợp lòng người, lại trong bối cảnh văn hoá – xã hội Á Đông, quả thực không đơn giản. Song thế hệ các nhà sáng tạo nội dung kiểu mới sẽ làm được, và phải tập thích nghi.

Vì cuộc sống còn trải dài phía trước nhiều thử thách khác, nếu chỉ vì một số khó khăn do quy định chung mà đã nản lòng, sao thành sự nghiệp “reviewer”?

Lê Anh Tú- Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang