Lịch sử Việt Nam có mấy bản tuyên ngôn độc lập?

Dòng chảy - Ngày đăng : 16:38, 13/04/2023

Trong cuốn "Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" của nhà nghiên cứu Nguyễn Thành, ông khẳng định "Bình Ngô đại cáo" là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Nhân kỷ niệm lần thứ 128 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu đến bạn đọc tuyển tập Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của nhà nghiên cứu Nguyễn Thành. Được sự đồng ý của nhà xuất bản, Zing.vn trích đăng lại bài viết "Trong lịch sử Việt Nam có mấy bản tuyên ngôn độc lập" thuộc cuốn sách này:

Như chúng ta đã biết, trong mấy chục năm qua, có một số sách báo thường viết: trong lịch sử Việt Nam, dân tộc ta đã có ba bản Tuyên ngôn độc lập đó là:

1. Bài thơ "Nam quốc sơn hà nam đế cư" của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI.

2. Bài "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV.

3. Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2.9.1945.

Sự thật có đúng như vậy không?

Trước hết, theo tôi, chúng ta cần phải hiểu thế nào là bản "Tuyên ngôn độc lập" theo đúng nội dung chính trị của văn bản này, chứ không lệ thuộc vào chữ của văn bản.

Chúng tôi cho rằng "Tuyên ngôn độc lập" là bản tuyên bố về nền độc lập của một nước sau khi đất nước đó đã được giải phóng khỏi ách áp bức của người nước ngoài, chủ quyền dân tộc của nước đó đã được xác lập, không còn bị lệ thuộc vào kẻ xâm lược nữa.

Còn khi nền độc lập của nước đó đang tồn tại, kẻ thù đến xâm lược và bị đánh bại, thì những lời tuyên bố của nước đó sau khi đã quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi thì không nên coi là bản "Tuyên ngôn độc lập". Vì nền độc lập của nước đó vẫn được giữ vững và bảo vệ trên cơ sở vốn có từ trước.

Xem thêm: Tuyên ngôn độc lập sức sống trường tồn cùng thời đại

Tuyen ngon doc lap 1945 anh 1
Bìa cuốn sách "Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh". 

Thật vậy, dân tộc ta đã giành được độc lập sau khi đánh đuổi quân Nam Hán về phương Bắc từ những năm 30 của thế kỷ X, sau đó đất nước ta đã được xây dựng và bảo vệ vững chắc. Gần 150 năm sau, nhà Tống đưa quân sang đánh chiếm Việt Nam, hy vọng đặt ách thống trị của bọn phong kiến Trung Quốc lên đất nước ta một lần nữa. Chính trong cuộc kháng chiến kiên cường, anh dũng chống quân xâm lược Tống của nhân dân ta, lúc đó đã xuất hiện bài thơ, cho đến nay chưa xác định được tác giả.

"Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".

Để khẳng định một chân lý lịch sử là: nước Nam là một quốc gia có lãnh thổ riêng, cương giới riêng đã được xác định rõ ràng. Dân tộc ta là chủ nhân của đất nước ta. Bọn giặc ngoại bang đến xâm phạm chủ quyền của đất nước ta, tất nhiên sẽ bị nhân dân đánh bại. Và lịch sử đã chứng minh rằng nhân dân ta đã chiến thắng oanh liệt quân Tống xâm lược vào tháng 3.1077.

Song theo chúng tôi, đây hoàn toàn không phải là bản "Tuyên ngôn độc lập". Vì đất nước ta lúc đó đã được độc lập rồi thì có gì phải "tuyên ngôn!"? Chẳng lẽ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta đã giành được độc lập, đã có bản "Tuyên ngôn độc lập" ngày 2.9.1945; sau đó chúng ta lại phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1954 mới giành được thắng lợi; vậy lúc ấy có một bài diễn văn nào đó hay "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22.7.1954, lại có thể coi là một bản "Tuyên ngôn độc lập" mới được chăng?

Năm 1975, chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thì phải chăng chúng ta lại phải có một bản "Tuyên ngôn độc lập" mới nữa? Sau đó với những chiến thắng trên biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra tuyên bố, vậy phải chăng đây cũng lại là những bản "Tuyên ngôn độc lập" tiếp theo nữa sao? Một sự so sánh thông thường như thế tự nó đã cho chúng ta thấy không thể thừa nhận bài thơ "Nam quốc sơn hà nam đế cư" viết ở thế kỷ XI là bản "Tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của nước ta được.

Đứng về ý nghĩa lịch sử mà nói, với nội dung của văn bản, chúng ta lại có thể coi "Bình Ngô đại cáo" là bản "Tuyên ngôn độc lập" đầu tiên trong lịch sử nước ta, tuyên bố nền độc lập của dân tộc ta được xác lập lại sau 20 năm chiến đấu dẻo dai, bất khuất (1407-1427) đã quét sạch được quân thù ra khỏi bờ cõi.

Nếu xem "Bình Ngô đại cáo" là bản "Tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của nước ta thì bản "Tuyên ngôn độc lập" do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2.9.1945 là bản thứ hai.

Tuyen ngon doc lap 1945 anh 2
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Tư liệu.

Trên thế giới có một số nước đã có những bản "Tuyên ngôn độc lập" được ghi vào lịch sử phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, sớm nhất là bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ công bố năm 1776. Ngày 17.8.1945, Thủ tướng Sukarno tuyên bố nước Indonesia độc lập chỉ có vài dòng.

Bản "Tuyên ngôn độc lập" ngày 2.9.1945 của chúng ta vừa giống lại vừa khác với "Bình Ngô đại cáo" và với các bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước ngoài. Điểm giống nhau là các bản "Tuyên ngôn độc lập" của tổ tiên ta và của nước ngoài đều ra đời từ cuộc đấu tranh giành độc lập thắng lợi, lật đổ ách thống trị của bọn xâm lược từ nước ngoài tới, thiết lập chính quyền của dân tộc.

Điểm khác nhau là ở tính thời đại và tính khuynh hướng. "Bình Ngô đại cáo" được viết ra theo dòng tư duy yêu nước, thương dân, chống ngoại xâm còn thấm đượm tư tưởng Nho giáo, ở thời đại trung thế kỷ. Bản "Tuyên ngôn độc lập" năm 1776 của nước Mỹ được viết ra trong điều kiện lịch sử của chủ nghĩa tư bản đang có sức sống đi lên và mở đường cho nước Mỹ tư bản chủ nghĩa phát triển độc lập.

Còn bản "Tuyên ngôn độc lập" của Indonesia ngày 17.8.1945 tuy cùng thời gian với bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước ta ngày 2.9.1945, nhưng lại khác nhau ở tính khuynh hướng, do điều kiện lịch sử giành độc lập của hai nước không giống nhau.

Indonesia tuy phải đấu tranh trong nhiều năm cho nền độc lập của nước mình, nhưng lại không phải trải qua một cuộc cách mạng để giành chính quyền. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, những người yêu nước ở Indonesia thuộc nhiều xu hướng chính trị đã bàn bạc với nhau tranh thủ thời cơ giành độc lập. Sukarno và Hattta, hai người đứng đầu chính quyền mới là những người có tinh thần dân tộc, nhưng đã bị Nhật lợi dụng đứng đầu chính quyền phục vụ cho chính sách cai trị của Nhật từ năm 1942.

Ở Việt Nam, Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi là do Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Lãnh tụ của Đảng Cộng sản và của Mặt trận Việt Minh - Hồ Chí Minh - đồng thời là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng tháng Tám 1945 là một bộ phận của cách mạng thế giới, thuộc phạm trù của cách mạng vô sản, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít. Tác giả của "Tuyên ngôn độc lập" ngày 2.9.1945 là một lãnh tụ cộng sản, đồng thời là nhà yêu nước tiêu biểu nhất của dân tộc đã cho ra đời một văn bản lịch sử theo một khuynh hướng mới, khi "giai cấp vô sản đã trở thành dân tộc" như Marx và Engels viết trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản".

Tuyen ngon doc lap 1945 anh 3
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy chữ tại ngôi nhà ở 48 Hàng Ngang. Ảnh: Tư liệu.

Dẫn những câu trong "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ năm 1776, "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" của Cách mạng Pháp năm 1791, chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả, "những lẽ phải không ai chối cãi được" làm luận cứ, Hồ Chí Minh đã kịch liệt lên án tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm, rồi đến phát xít Nhật, đối với nhân dân ta. Nhân dân Việt Nam đã đánh đổ xiềng xích của thực dân và chế độ quân chủ tồn tại trong mấy mươi thế kỷ, lập nên nước Việt Nam độc lập, dân chủ, cộng hòa.

Hồ Chí Minh đã tuyên bố lập trường dứt khoát của nhân dân ta đối với thực dân Pháp là kiên quyết chống lại âm mưu trở lại xâm lược của chúng, khẳng định nước Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập và có quyền hưởng tự do và độc lập.

Bản "Tuyên ngôn độc lập" ngày 2.9.1945 đã đi vào lịch sử của văn minh loài người, là niềm tự hào của dân tộc ta, tượng trưng cho sự kết hợp giữa truyền thống, tinh hoa văn hóa của dân tộc và của loài người, cơ sức hấp dẫn mãi mãi đối với các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, tư tưởng ở trong nước và ở nước ngoài.

"Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi thảo ra bằng chữ Hán. "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ được Jefferson thảo bằng tiếng Anh. Để truyền đạt toàn văn cho người Việt Nam, tất nhiên phải có bản dịch. Đã có nhiều bản dịch những văn bản này và người dịch đã sử dụng ngôn từ ít nhiều khác nhau, đó là điều dễ hiểu, song miễn là không sai với nguyên bản là được.

Nhưng bản "Tuyên ngôn độc lập" ngày 2.9.1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng chữ Việt mà lại có nhiều dị bản, sai nhau đến 22 chỗ, được sửa đi sửa lại nhiều lần từ sau ngày 2.9.1945 đến năm 1973, thì thật là không hiểu nổi. Chúng tôi cho rằng tình trạng này cần được chấm dứt.

Đến năm 1995, bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước ta vừa tròn 50 tuổi, do đó thiết tưởng chúng ta cũng nên trả lại tính lịch sử cho nó đúng với bản "Tuyên ngôn độc lập" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc ngày 2.9.1945 tại Quảng trưởng Ba Đình, Hà Nội.