Có nên chặn TikTok tại Việt Nam?
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 17:38, 13/04/2023
TikTok là một trong những ứng dụng di động được tải nhiều nhất trên cả Android và iOS, với hơn 2 tỷ lượt tải trên kho ứng dụng. Sau giai đoạn bùng nổ vài năm gần đây, TikTok liên tục vướng vào những lùm xùm với hàng loạt nội dung phản cảm, độc hại, thông tin sai sự thật hay truyền bá mê tín dị đoan. Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với một số Đại biểu Quốc hội về những sai phạm của TikTok.
Chia sẻ về TikTok, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn Phụ trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đánh giá: "Bên cạnh một số ít mặt tích cực, TikTok cũng bộc lộ rất nhiều mặt tiêu cực. Ứng dụng này tạo điều kiện cho một số người làm ra những trào lưu phản cảm, hoặc lan truyền những thông tin độc hại, làm ảnh hưởng tới vấn đề tư tưởng của thế hệ trẻ. Một số khác còn lợi dụng mạng TikTok để đưa ra những luận điệu, xuyên tạc, chống phá đường lối của Đảng, Nhà nước".
Trong khi đó, ông Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung Ương, Đại biểu Quốc hội khoá XIV đánh giá: "Rõ ràng trong thời gian qua có hiện tượng những người sử dụng mạng xã hội, trong đó có TikTok để thực hiện những hành vi phản cảm, lệch lạc, bôi nhọ sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Điều này tạo nên sự nhiễu loạn về thông tin, gây hoang mang trong một bộ phận công chúng, tạo nên những hệ quả rất lớn trong xã hội".
Các đại biểu đều đánh giá cao việc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố các sai phạm của TikTok và kế hoạch thanh tra toàn diện mạng xã hội này.
Ông Nguyễn Mai Bộ nói: “Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới là việc làm rất cần thiết. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chúng ta vẫn phải tiến hành kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, chúng ta phải đánh giá một cách toàn diện những vi phạm hay biểu hiện của sự vi phạm trong thời gian vừa rồi nó xuất phát từ đâu? Nếu xuất phát từ chính nhà nhà cung cấp dịch vụ, chúng ta ngăn chặn và không cho những nhà mạng đấy hoạt động tại Việt Nam bởi không tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam.
Cần nhớ rằng, chủ quyền quốc gia là bao gồm cả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Các nhà cung cấp dịch vụ vào không gian thuộc chủ quyền của Việt Nam, không thực hiện, không tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam thì phải có biện pháp xử lý".
Những sai phạm của TikTok khiến nhiều người đề xuất cần phải cấm TikTok hoạt động tại Việt Nam. Trước ý kiến này, ông Nguyễn Mai Bộ chia sẻ: "Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm người dân của họ sử dụng mạng xã hội TikTok. Cho nên, tôi cũng ủng hộ việc Nhà nước cấm việc sử dụng mạng xã hội này.
Tuy nhiên, có cấm được không lại là vấn đề khác? Trong khi chúng ta chưa làm tốt câu chuyện quản lý những nhà mạng. Ví dụ Luật An ninh mạng cũng yêu cầu nhà mạng hoạt động trên Việt Nam thì phải có văn phòng đại diện…nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa thực hiện được”.
Còn đại biểu Lê Thị Thanh Lam bình luận: "Theo tôi mạng xã hội nói chung và TikTok nói riêng đều có mặt tốt, mặt xấu và đôi khi là kênh thông tin quan trọng trong việc quản lý xã hội, do đó chúng ta không nên cấm. Chúng ta phải có cách quản lý tốt để tận dụng những thế mạnh của mạng xã hội, tuyên truyền những thông tin, chủ trương của Đảng và nhà nước tới người dân một cách nhanh chóng và chính xác.
Ủng hộ việc quản lý các mạng xã hội, trong đó có TikTok nhưng đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng thừa nhận đây là việc làm rất khó. “Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua nói chung đã đi vào thực tiễn. Luật đã chỉ rõ hành vi nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng nhưng hiện nay với mức xử phạt những hành vi vi phạm trên môi trường mạng tôi thấy còn quá nhẹ, do đó, chưa đủ sức răn đe”.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu thêm những khó khăn trong việc quản lý các nền tảng xã hội, trong đó có TikTok: "Quy định tại Điều 26, 27 và Điều 53 của Luật An ninh mạng còn chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng. Có những nội dung của Luật An toàn thông tin mạng thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, trong Luật An ninh mạng lại đưa hết về Bộ Công an quản lý vấn đề này. Cho nên, về phương diện pháp luật, nếu so sánh hai luật này chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Điều này gây khó khăn cho đội ngũ thực thi pháp luật”.
Các đại biểu hy vọng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp kịp thời xử lý những sai phạm của TikTok nói riêng và các nền tảng xã hội nói chung, cần nâng cao giám sát và quyết tâm dẹp bỏ những nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội, tránh thực hiện theo hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”.
Việt Nam xếp thứ 6 trong tổng số 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok nhiều nhất thế giới (khoảng gần 50 triệu người dùng). Theo số liệu của DataReportal, đến tháng 2/2023, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet. Như vậy, có đến 64% người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng TikTok.