Phát hiện loại protein bất thường trong não bộ của bệnh nhân Parkinson
Tin tức - Ngày đăng : 10:33, 13/04/2023
Bệnh Parkinson gây ra các cử động không kiểm soát được như run tay, rối loạn giấc ngủ và sức khỏe tâm thần. (Nguồn: Getty Images)
Trong nghiên cứu mới công bố ngày 12/4, các nhà khoa học đã phát triển kỹ thuật mới nhằm phát hiện loại protein bất thường tích tụ trong não bộ của hầu hết các bệnh nhân Parkinson.
Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Lancet Neurology, hứa hẹn bước đột phá trong chẩn đoán bệnh Parkinson - căn bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Parkinson hiện ảnh hưởng đến hơn 8,5 triệu người trên toàn thế giới. Đến nay, căn bệnh này vẫn chưa có phương pháp chữa hay chẩn đoán cụ thể nên chỉ được xác định khi các triệu chứng bệnh đã khởi phát.
Các nhà khoa học đã phát hiện một số yếu tố có liên quan đến bệnh Parkinson, trong đó có các cụm protein Alpha-synuclein lệch tâm (misfolded proteins) tích tụ trong não của hầu hết người mắc bệnh.
Trong nghiên cứu mới về căn bệnh này, các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật để khuếch đại rồi phân tích các cụm protein nhỏ. Đây cũng là nghiên cứu có quy mô lớn nhất của thể loại này, với hơn 1.100 người tham gia, trong đó gần 50% đã được chẩn đoán mắc Parkinson, một số có nguy cơ mắc và một số còn lại hoàn toàn khỏe mạnh để xếp vào nhóm kiểm soát.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu dịch não tủy - phần bao quanh não và tủy sống - ở những người tham gia, sau đó sử dung kỹ thuật có tên "α-syn SAA" để xét nghiệm các protein Alpha-synuclein lệch tâm tồn tại trong các mẫu dịch này. Kết quả dương tính được ghi nhận ở 88% những người được chẩn đoán mắc Parkinson.
Tác giả chính của nghiên cứu Andrew Siderowf, đến từ Đại học Pennsylvania ở Mỹ, cho biết kỹ thuật này "hứa hẹn mang lại bước tiến trong nỗ lực phát triển phương pháp điều trị bệnh, khi có khả năng giúp phát hiện sớm căn bệnh này."
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng kỹ thuật này ít hiệu quả hơn khi áp dụng đối với những bệnh nhân mang biến thể gene được gọi là LRRK2 liên quan đến một số dạng bệnh nhất định, khi tỷ lệ chẩn đoán là 68% ở những người này.
Tuy phát hiện mới hứa hẹn nhiều tiềm năng song giới khoa học vẫn còn một chặng đường dài tới khi có thể phát triển một xét nghiệm đơn giản nhằm chẩn đoán bệnh Parkinson.
Các tác giả nghiên cứu sẽ phải thử nghiệm xem liệu kỹ thuật này có hiệu quả khi áp dụng với mẫu máu, vốn dễ lấy hơn nhiều so với dịch não tủy.
Các nhà thần kinh học tại Bệnh viện Đại học Schleswig-Holstein của Đức Daniela Berg và Christine Klein, nhận định phát hiện trong nghiên cứu mới này "đặt nền tảng cho chẩn đoán sinh học về bệnh Parkinson," đồng thời khẳng định kỹ thuật này có thể giúp thay đổi hoàn toàn quá trình chẩn đoán, nghiên cứu và điều trị bệnh Parkinson.
Bệnh Parkinson gây ra các cử động không kiểm soát được như run tay, rối loạn giấc ngủ và sức khỏe tâm thần. Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và cuối cùng bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi đi lại hoặc nói chuyện./.