Đề xuất cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tham gia kiểm định xe cơ giới
Xe - Ngày đăng : 09:36, 13/04/2023
Cơ sở bảo dưỡng, bảo hành ôtô được đề xuất cho phép tham gia công tác kiểm định xe cơ giới. Ảnh: Anh Xuân. |
Mới đây, Bộ GTVT vừa lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cho phép cơ sở bảo dưỡng, bảo hành tham gia kiểm định
Trong đó, Điều 4 của Nghị định đã được lược bỏ nội dung bắt buộc các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ôtô hay cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Thay vào đó, dự thảo đề xuất cho phép cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang thực hiện nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh sẽ được công nhận, huy động tham gia thực hiện kiểm định xe cơ giới trong trường hợp hệ thống các đơn vị hoạt động dịch vụ kiểm định không thể đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.
Theo ban soạn thảo, nội dung sửa đổi này sẽ giúp huy động được tối đa nguồn lực của xã hội (bao gồm các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S/4S...) nhằm phục vụ công tác kiểm định xe cơ giới. Ngoài ra, nội dung này cũng hướng đến giải quyết một số trường hợp cấp bách khi không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.
Dự thảo kỳ vọng sẽ giúp huy động được tối đa nguồn lực của xã hội phục vụ nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Trương Hiếu. |
Điều 7 của Nghị định 139 cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bớt số lượng đăng kiểm viên tối thiểu trên mỗi dây chuyền kiểm định.
Cụ thể, Nghị định 139 ban hành năm 2018 từng bắt buộc mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Tuy nhiên, nội dung dự thảo đề cập mỗi dây chuyền kiểm định chỉ cần tối thiểu 2 đăng kiểm viên và phải đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.
Bên cạnh đó, với lý do những người có kinh nghiệm trực tiếp làm công tác bảo hành, bảo dưỡng ôtô sẽ chỉ cần thực tập thêm về nghiệp vụ đăng kiểm để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới, ban soạn thảo đề xuất rút ngắn thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm từ 12 tháng như tại Nghị định 139 xuống còn tối thiểu 3 tháng.
Đề xuất rút ngắn thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cụ thể, dự thảo quy định nếu học viên đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô có tổng thời gian làm việc cộng dồn 12-24 tháng thì thời gian thực tập là 6 tháng. Nếu tổng thời gian làm việc trên 24 tháng, thời gian thực tập được rút ngắn xuống chỉ còn 3 tháng và phải có xác nhận từ cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Đáng chú ý, dự thảo còn bãi bỏ Điều 26 trong Nghị định 139/2018 quy định về số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm.
Theo ý kiến từ ban soạn thảo, việc bãi bỏ nội dung này sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải tiến quy trình kiểm định nhằm không ngừng nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, việc cho phép các trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên được kiểm định xe cơ giới không giới hạn cũng phù hợp với năng lực, trình độ và kỹ năng của từng đăng kiểm viên cũng như đơn vị đăng kiểm.
Trước đó khi trao đổi với Zing, chị Hương Giang - Giám đốc trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-29D tại quận Hà Đông (Hà Nội) - từng thừa nhận trung tâm phải tuân theo giới hạn về số lượng xe cơ giới kiểm định trong một ngày và không thể cứ muốn kiểm định bao nhiêu xe thì làm.
Tại Điều 26 của Nghị định 139 hiện hành có quy định dây chuyền kiểm định loại I không được kiểm định quá 90 xe/ngày. Đối với dây chuyển kiểm định loại II, giới hạn xe kiểm định mỗi ngày dừng lại ở mức 70 xe.
Lãnh đạo ký giấy chứng nhận kiểm định phải từng là đăng kiểm viên
Về công tác quản lý, dự thảo đề xuất phân cấp quản lý lĩnh vực đăng kiểm cho các địa phương.
Cụ thể, doanh nghiệp xin cấp giấy phép hoạt động trung tâm đăng kiểm sẽ gửi hồ sơ về Sở Giao thông Vận tải thay vì Cục Đăng kiểm như quy định hiện nay.
Sở Giao thông Vận tải sẽ chịu trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị đăng kiểm. Cơ quan này cũng phụ trách kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực hoạt động kiểm định và thông báo đến Cục Đăng kiểm để phối hợp quản lý.
Đối với lãnh đạo đơn vị đăng kiểm được phân công ký giấy chứng nhận kiểm định, Điều 24 của dự thảo nhấn mạnh người này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.
Nhân sự này sẽ được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm định xe cơ giới tại đơn vị.