"Đừng thấy trẻ con hiểu chuyện sớm mà vội mừng!"
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 08:57, 13/04/2023
Trên một số diễn đàn phụ huynh, nhiều cha mẹ nhận định trẻ con hiện nay thông minh hơn thế hệ mình ngày xưa. Bằng chứng là con mới chỉ vài tuổi đã biết sử dụng Internet, thành thạo tìm kiếm thông tin, thỉnh thoảng lại làm bố mẹ bất ngờ khi thể hiện sự hiểu biết những vấn đề tưởng chừng như chỉ người lớn mới nắm được.
Đừng thấy con lớn trước tuổi mà vội mừng
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhiều người thường giật mình khi thấy những đứa trẻ hiểu biết những vấn đề của người lớn rồi cho rằng con thông minh, sớm hiểu chuyện. Tuy nhiên, điều đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người lớn.
"Nhiều bố mẹ không có thời gian dành cho con nên giao cho điện thoại "trông con". Trên không gian mạng, con tiếp thu được những nội dung của người lớn, không phù hợp với lứa tuổi con. Đến một ngày nào đó, bố mẹ giật mình khi thấy con nói chuyện như "ông cụ non", khen con khôn lớn và thông minh.
Như vậy là bố mẹ đang không bảo vệ quyền được ngây thơ của trẻ. Không tạo điều kiện để con sống trong thế giới tuổi thơ mà cứ đưa điện thoại cho con chơi. Khi thấy con nói và biết những điều của người lớn thì bố mẹ đừng vội mừng, chúng ta đang đánh mất giai đoạn phát triển nhân cách quan trọng trong tuổi thơ của con", PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Theo chuyên gia, bố mẹ thường mâu thuẫn khi một mặt thích con thông minh, chóng lớn và có những hiểu biết trước tuổi, nhưng một mặt lại không cho con thể hiện những cảm xúc lớn về tình yêu và tình bạn. Đó là điều không công bằng, dẫn đến việc khi con không được thể hiện ra hay không có cơ hội hỏi từ bố mẹ, lại đi hỏi "giáo sư Google".
Xét về các thành tố cốt lõi của trí thông minh, ông Nam cho rằng, không thể khẳng định trẻ em hiện nay thông minh hơn thế hệ trước.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số, các em được tiếp cận với thông tin và tri thức từ sớm, nhận thức xã hội cao hơn những đứa trẻ ngày xưa. Môi trường giáo dục của các con cũng ngày càng thay đổi, vì vậy, người ta thấy trẻ con thông minh hơn ở một vài khía cạnh nào đó.
Mặc dù một đứa trẻ ở thời buổi này biết nhiều điều mới lạ, hiện đại hơn, ngoại ngữ tốt hơn nhưng không bằng trẻ con thế hệ trước ở một số điểm. Dễ nhận thấy nhất là sức khỏe thể chất yếu hơn do ít vận động, ngồi trước màn hình nhiều dẫn đến các vấn đề về mắt, thừa cân, béo phì.
Sau giờ học, chúng dành nhiều thời gian trên không gian mạng, ít được ra ngoài để trải nghiệm cuộc sống thực nên kỹ năng sống kém. Trong khi đó, thế hệ bố mẹ các em được rèn luyện cách làm chủ cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề thông qua các tình huống thực tế.
Trong một thế giới số, nhiều nhu cầu của các em được thỏa mãn ngay sau cú click chuột. Vì vậy, tính kiên trì, bền bỉ, vượt khó ở thế hệ này kém hơn thế hệ trước. Bằng chứng là những đứa trẻ "cả thèm, chóng chán", những bài hát trẻ rất hot khi mới ra mắt nhưng bị coi là nhàm chán chỉ trong một vài tuần sau đó.
Trong khi đứa bé 8-10 tuổi ngày xưa đã biết chế biến món ăn thì nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 hiện nay mới chỉ biết bấm nút để làm chín thức ăn, chứ không biết chế biến ra sao.
Ngay cả kỹ năng làm đẹp bản thân như trang điểm, các em cũng đang bị ám ảnh bởi những hình mẫu chung trên mạng, ảnh hưởng bởi lời nhận xét của mọi người nên phải chạy theo các tiêu chuẩn của người khác mà không tự tạo ra nét riêng cho mình.
Trẻ hiện nay có lợi thế hơn, nhưng chưa chắc thông minh hơn
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, cuộc sống hiện đại ngày càng giúp trẻ con tiếp cận với các thiết bị công nghệ mới sớm hơn. Nhiều bạn nhỏ chỉ mới 2 tuổi đã thành thạo việc sử dụng điều khiển TV thông minh để xem YouTube, 3 tuổi đã có khả năng dùng máy tính bảng để chơi game.
Những kỹ năng này được hình thành ở trẻ con sớm hơn rất nhiều so với người lớn trước đây. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ hiện nay thông minh hơn so với thế hệ trước.
Thực tế, việc hình thành các kỹ năng phù hợp với cuộc sống hiện đại sớm hơn chỉ đơn giản là cách để các em thích ứng với môi trường sống mới.
Với thế hệ trước, trẻ em sống ở nông thôn từ rất nhỏ đã biết chăm sóc vật nuôi, trồng trọt, đan lát, khâu vá,…; những đứa trẻ thành thị thì say sưa khám phá phố phường.
Trong khi hiện nay, có nhiều đứa trẻ đã học hết cấp 2 mà vẫn chưa biết cách làm việc nhà, không thể tự nấu một bữa cơm ngon cho bản thân dù đã có đầy đủ thiết bị hỗ trợ như nồi cơm điện, bếp điện, lò vi sóng.
Với sự khác biệt môi trường sống, việc hình thành các kỹ năng khác nhau là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu dựa vào đó để nhận định "trẻ con bây giờ thông minh hơn chúng ta ngày xưa" thì là cảm tính và thiếu căn cứ.
"Sự khác biệt giữa các thế hệ được thể hiện qua việc trẻ dành nguồn năng lượng cho các kỹ năng khác nhau. Trong khi trẻ em hiện nay dành nhiều thời gian và trí thông minh cho các thiết bị điện tử và công nghệ, trẻ em ngày xưa lại trải nghiệm nhiều các hoạt động thực tế hơn.
Việc so sánh trí thông minh của các thế hệ một cách cảm tính là không chuẩn xác. Chúng ta phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, có phương pháp đo lường cụ thể", thầy Ngọc nói.
Theo kinh nghiệm dạy học của thầy Ngọc, trẻ em hiện nay có thể được học nhiều hơn, nhưng không hẳn là giỏi hơn so với thế hệ trước.
Các em được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động học tập hơn bố mẹ, nội dung và phương pháp giảng dạy cũng đã thay đổi nhiều so với trước đây. Ví dụ, trong giáo dục thể chất, học sinh bây giờ được học võ, nhảy, chơi bóng chuyền và bóng rổ..., thế hệ trước chỉ được tập trung vào các động tác thể dục cơ bản như vươn thở, chạy cự li ngắn và nhảy xa.
Các em cũng có các hoạt động ngoại khóa mới năng động, sáng tạo hơn như các buổi dạ hội, lễ trưởng thành, tự tin "bắt trend" trên Tiktok.
"Nhờ sớm hình thành những kỹ năng đáp ứng cuộc sống hiện đại mà hiện nay một số học sinh cấp 2 đã có thể thiết kế slide và thuyết trình ở mức khá, tốt. Cách đây khoảng 20 năm, chỉ số ít sinh viên đại học có cơ hội tiếp cận với kỹ năng này.
Điều đó cho thấy rõ ràng rằng, trẻ em hiện nay có năng lực đáng kể giúp thế hệ sau chiếm lợi thế hơn ở một số khía cạnh so với thế hệ trước khi cùng thực hiện một loại công việc", thầy Ngọc nhận định.