Vụ tài xế tông 17 xe máy: Ai kiểm soát chuyện 'dép lê, giày cao gót' lái xe?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:47, 13/04/2023
Trong diễn biến mới của vụ ô tô tông 17 xe máy ở ngã tư Võ Chí Công - Xuân La, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) tiếp tục gia hạn tạm giữ lần 2 đối với lái xe Hoàng Ngọc Vĩnh. Trước đó, lúc hơn 16h ngày 5/4, ông Hoàng Ngọc Vĩnh (Bồ Đề, Long Biên) điều khiển ô tô gây tai nạn liên hoàn, tông vào 17 xe máy, khiến 18 người bị thương.
Lỗi "dép lê, giày cao gót" hay do kỹ năng xử lý sự cố
Sau khi gây ra tai nạn, ông Hoàng Ngọc Vĩnh bước xuống từ cửa phụ, chân đi đôi dép lê.
Trước đó, vào ngày 20/11/2019, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra cũng có yếu tố về trang phục lái xe khi nữ tài xế đi giày cao gót.
Tại cơ quan công an, nữ tài xế khai nhận khi điều khiển xe đến ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thấy một số xe phía trước nên định đạp phanh dừng xe. Tuy nhiên, do mang giày cao gót, lại mất bình tĩnh nên nữ tài xế này đã đạp nhầm chân ga làm xe tăng tốc, lao thẳng vào các xe phía trước, cuốn 3 xe máy, 1 xe đạp vào gầm khiến 1 phụ nữ tử vong.
Trên thực tế, vẫn có không ít trường hợp tài xế sử dụng dép lê, đi guốc cao lái xe ô tô. Liên quan đến vấn đề này, nhiều người đặt vấn đề, có nên luật hóa trang phục với người lái xe ô tô?
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBATGT quốc gia cho biết, trường hợp tài xế gây tai nạn ở ngã tư Võ Chí Công- Xuân La hôm 5/4, đôi dép lê có thể chỉ là một phần, nguyên nhân chính do kỹ năng xử lý sự cố.
Ông Tạo cho hay: "Khi dạy lái xe trong các trường, chúng tôi luôn hướng dẫn học viên phải mang trang phục gọn gàng. Trong đó, học viên phải đi giày, nếu đi dép phải là dép quai hậu chứ không phải dép lê”.
Do đó, ông Khương Kim Tạo cho rằng, trong lúc cơ quan chức năng đang tập trung sửa Luật Giao thông đường bộ thì nên bổ sung cụm từ "trang phục tài xế phải gọn gàng". Khi Luật được thông qua, tại nghị định hướng dẫn thi hành luật sẽ bổ sung các quy chuẩn về giày dép, áo quần...
Ông Tạo cho rằng, điều này nhằm tránh tình trạng phụ nữ mặc váy dài, váy xòe hay giày, dép cao gót vướng vào chân ga, chân phanh, còn nam giới thì lại đi dép lê lái xe.
Lường trước tình huống rất khó xử phạt khi đưa ra quy định này, vì có thể xảy ra tình huống sau khi gây tai nạn, tài xế kịp đổi giày, dép, tuy nhiên, ông Tạo cho rằng, vẫn cần đặt ra nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.
Nếu luật hóa, ai kiểm tra tài xế mang"dép lê, giày cao gót"
Trái ngược ý kiến của ông Khương Kim Tạo, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật HTC Việt Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, chưa đủ cơ sở để luật hóa trang phục tài xế.
Theo luật sư, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định về trang phục của tài xế. Xét về lý, nếu có những quy định cụ thể về trang phục phù hợp để đảm bảo lái xe an toàn thì những vụ tai nạn do nguyên nhân trang phục sẽ hoàn toàn bị loại bỏ.
“Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi mọi người tuân thủ nghiêm túc các quy định đó. Trong khi đó, trên thực tế, việc tuân thủ các quy định về trang phục là một vấn đề vô cùng khó khăn. Bởi việc lựa chọn, sử dụng trang phục xuất phát nhiều từ ý chí chủ quan cá nhân như sở thích, mong muốn, môi trường làm việc….
Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định về trang phục chỉ được thực hiện một cách nghiêm túc trong các môi trường đặc biệt mà trang phục đương nhiên được luật hóa, như lực lượng vũ trang, hoặc trong các môi trường mà quy ước về trang phục đã hình thành như một chuẩn mực văn hóa”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích.
Do đó, luật sư cho rằng, trong tình hình hiện nay có thể đưa vào giáo trình trong chương trình đào tạo, sát hạch lái xe nội dung về việc đi giày, dép cao gót lái xe sẽ tiềm ẩn rủi ro.
“Còn theo tôi, để đưa vào luật quy định về trang phục hoặc bổ sung vào trong các nghị định về xử phạt vi phạm ATGT thì chưa đủ cơ sở, cũng chưa có thống kê những con số cụ thể về vụ tai nạn mà nguyên nhân có liên quan đến yếu tố này.
Mặt khác, không có lực lượng chấp pháp nào kiểm soát nổi ai mang giày cao gót khi lái xe, không có mạng lưới camera nào soi được vào cabin để bắt quả tang đôi chân vi phạm.
Luật hóa trang phục mà không kiểm soát nổi việc tuân thủ luật pháp thì hậu quả đầu tiên là nhờn luật. Điều đó còn tệ hơn việc trang phục không phù hợp”, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích. Một số quốc gia trên thế giới đã có quy định pháp luật về trang phục của tài xế. Ví dụ như năm 2014, chính phủ Pháp đã ban hành quy định cấm nữ giới đi giày cao gót khi điều khiển phương tiện giao thông. Nếu bị phát hiện, hình thức xử phạt không khác gì các lỗi vi phạm an toàn giao thông thông thường. Tại Anh, theo quy định số 97 trong Luật Đường cao tốc, tài xế cần phải đi giày và mặc quần áo không ảnh hưởng tới việc kiểm soát phương tiện đúng cách.