Thủ tướng Phạm Minh Chính ra 'tối hậu thư' cho hàng loạt tuyến cao tốc
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:33, 12/04/2023
"Tối hậu thư" cho việc khởi công và hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc họp sáng 12/4 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông.
31 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm đã được Ban Chỉ đạo rà soát, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Nam - Bắc, cao tốc trục Đông - Tây và kết nối 6 vùng kinh tế - xã hội, đường vành đai và các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM; dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
3 tuyến cao tốc trục Bắc - Nam sắp được đưa vào sử dụng
Chỉ đạo cụ thể với nhóm dự án chưa duyệt dự án đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Riêng dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, xem xét lại mức đầu tư.
Trong nhóm dự án đã duyệt dự án đầu tư gồm 3 cao tốc trục ngang: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và 2 đường vành đai (Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TPHCM), Thủ tướng chỉ đạo khẩn giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục để khởi công trước 30/6.
Đối với nhóm dự án đang thi công, lãnh đạo Chính phủ lưu ý có 3 dự án cao tốc dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp", tăng cường trang thiết bị nhân lực để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ - mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh, môi trường, không đội vốn bất hợp lý.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để chọn được nhà thầu có năng lực thực hiện dự án. "Kinh nghiệm cho thấy nếu các dự án không chọn được nhà thầu tốt thì sẽ dẫn tới kéo dài, đội vốn, lãng phí, nguy cơ sai phạm", người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT phối hợp và hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng tiến độ thi công các dự án. Với dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành, Bộ GTVT được giao khẩn trương xem xét, giao chủ đầu tư dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hoàn thành đồng thời với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Tiến độ thẩm định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ… cũng được người đứng đầu Chính phủ đốc thúc.
Tránh đùn đẩy trách nhiệm
Với 12 tỉnh, thành phố có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đi qua, Thủ tướng nhắc nhở phải tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù; xem xét bố trí tạm cư cho người dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư…
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm tổng hợp khả năng cung cấp vật liệu cát đắp làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho các dự án.
"Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm xử lý chính, giao mỏ trực tiếp cho các chủ đầu tư, nhà thầu. Các địa phương chia sẻ khó khăn về vật liệu, cùng thực hiện dự án vì mục tiêu chung, không cục bộ địa phương, bởi đoạn này xong nhưng đoạn qua tỉnh khác chưa xong thì cũng không thể thông tuyến", Thủ tướng lưu ý.
Nhấn mạnh đầu tư công là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng những công trình này cần hướng tới đa mục tiêu: Thúc đẩy tăng trưởng; giải ngân vốn đầu tư công; chống lãng phí, tiêu cực, kém hiệu quả trong huy động nguồn lực và đầu tư; góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân…
Bên cạnh công trình chậm tiến độ, điển hình là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thi công đồng loạt các dự án từ Bắc tới Nam, trên 6 vùng kinh tế - xã hội.
"Cần giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng", Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, ngoài việc tập trung tháo gỡ vướng mắc, cần tập trung đa dạng hóa các nguồn vốn, đẩy mạnh hợp tác công tư để đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia.